Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với du lịch nông thôn

Bình luận · 213 Lượt xem

Những năm qua, đặc biệt từ khi Việt Nam đối mặt với những khó khăn do đại dịch Covid-19 bùng phát, ngành nông nghiệp được đánh giá là trụ đỡ, là điểm sáng trong bức tranh kinh tế cả nước với nhiều mục tiêu luôn vượt k?

Với mục tiêu vì một nền nông nghiệp xanh, phát triển bền vững, trong khuôn khổ hội chợ Triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 23 - AgroViet 2023, Ban tổ chức phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức hội thảo “Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với mô hình du lịch nông thôn”. Thông qua chương trình và nội dung hội thảo nhằm khẳng định vai trò và tầm quan trọng của việc phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường.

 

Đóng góp quan trọng cho nền kinh tế

 

Những năm qua, đặc biệt từ khi Việt Nam đối mặt với những khó khăn do đại dịch Covid-19 bùng phát, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn được đánh giá là trụ đỡ, là điểm sáng trong bức tranh kinh tế cả nước, với nhiều mục tiêu luôn vượt kế hoạch đề ra.

 

Thực tế cho thấy, giá trị gia tăng toàn ngành (GDP) năm 2022 tăng cao nhất trong những năm gần đây. Nếu năm 2019 tăng 2,67%; năm 2020 tăng 3,04%; năm 2021 tăng 3,27% thì đến năm 2022 tăng 3,36%. Trong đó, nông nghiệp tăng 2,88%; thủy sản tăng 4,43%, lâm nghiệp tăng 6,13%; kim ngạch xuất khẩu toàn ngành trên 53,22 tỷ USD. Cùng đó, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 73%.

Gần đây, sự liên kết giữa nông nghiệp và phát triển mô hình du lịch cộng đồng "nở rộ" ở nhiều địa phương và mang lại hiệu quả. Cùng với nông nghiệp, du lịch được đánh giá là ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam. Nhờ vào sự phát triển hạ tầng và chính sách hỗ trợ từ chính phủ, ngành du lịch trở thành nguồn thu chính cho nhiều địa phương. Với sự gia tăng về lượng khách du lịch quốc tế và sự đa dạng về dịch vụ, Việt Nam đang thu hút lượng lớn du khách từ khắp nơi trên thế giới…

 

Theo ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện phát triển du lịch Châu Á, Chủ tịch Hội du lịch cộng đồng Việt Nam, một trong những điểm đáng chú ý của du lịch Việt Nam là sự kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp. Nông nghiệp được xem là một nguồn tài nguyên đa dạng và lành mạnh của đất nước, mang lại lợi ích kinh tế và xã hội. Nhiều du khách nhận thức được giá trị của nông nghiệp bền vững và tìm kiếm những trải nghiệm du lịch mới và gần gũi với quá trình sản xuất nông nghiệp.

 

Ông Quỳnh nhìn nhận, Việt Nam đang triển khai các phương thức du lịch mới và bền vững như du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp và du lịch cộng đồng. Những hình thức du lịch này tạo ra lợi ích đáng kể cho cộng đồng địa phương, góp phần phát triển kinh tế và bảo tồn môi trường. Việt Nam tự hào là một điểm đến du lịch sinh thái hàng đầu châu Á, với các công viên quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên không chỉ bảo vệ các loài động vật quý hiếm mà còn mang đến những trải nghiệm tuyệt vời cho du khách.

 

Vậy nên, theo ông Quỳnh, sự kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp mang lại những trải nghiệm độc đáo và đem lại lợi ích lâu dài cho cả du khách và cộng đồng địa phương. Sự phát triển của ngành du lịch đang tạo ra những cơ hội kinh doanh và góp phần xây dựng hình ảnh quốc gia Việt Nam là một điểm đến du lịch hàng đầu thế giới.

 

Trong Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn theo Quyết định 150/QĐ-TTg nêu rõ, phát triển du lịch nông thôn được xác định là một trong những giải pháp căn cơ, động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững, góp phần phát huy lợi thế, giá trị khác biệt của nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Đồng thời, nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đa dạng, bền vững của du lịch nông nghiệp, nông thôn.

 

Hay tại Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 đã đặt ra mục tiêu cụ thể: “đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững”.

 

Nhiều giải pháp phát triển bền vững

 

Song theo đánh giá, nhận định của các cơ quan chuyên môn, sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong thời gian qua còn tiềm ẩn những yếu tố thiếu bền vững. Sản xuất nông nghiệp đang làm gia tăng ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, nguồn đất, nước, tác động xấu đến hệ sinh thái và hệ sinh thái nông nghiệp nông thôn nói riêng. Những yếu tố đó đang tác động tiêu cực đến sức khỏe người dân.

 

Vì vậy, sản xuất nông nghiệp bền vững, xanh, thân thiện với môi trường là đích đến mà Việt Nam và nhiều nước đang phải hướng đến. Ngày 1/11/2021, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cam kết tại hội nghị COP26 về giảm phát thải khí nhà kính bằng “0” vào năm 2050. Đồng thời, Quyết định số 150/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định rõ mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái và thân thiện với môi trường.

Các chuyên gia cho rằng ngành nông nghiệp đang có bước chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp trên cơ sở tích hợp đa giá trị. Trong đó có văn hóa và tài nguyên môi trường. Vậy nên, phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch nông thôn được đánh giá là xu hướng phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay.

 

Việt Nam với nhiều kiểu dạng địa hình khác nhau trải dài trên mảnh đất hình chữ S; với nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hội tụ các yếu tố để phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Tiêu biểu như Vịnh Hạ Long, Đồng bằng sông Cửu Long, Hà Nội nghìn năm văn hiến, Hà Giang điểm đến mới nổi năm 2023, Cố đô Huế... Cùng với đó, có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, các thôn quê trù phú, thuận lợi cho việc tổ chức hình thức du lịch cộng đồng. Gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới, các làng quê hiện đang được mở ra nhiều cơ hội phát triển du lịch tới tận bản làng.

 

Thực tế, một số nơi đã tổ chức được các tour, tuyến du lịch hấp dẫn mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình và trải nghiệm thú vị cho du khách. Có thể thấy, phát triển du lịch ở nông thôn chính là cách làm phù hợp để thúc đẩy phát triển kinh tế; góp phần gìn giữ và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của người dân bản địa. Để đạt được những kết quả trên là sự nỗ lực không ngừng của cả một hệ thống. Qua đó, cần nhìn nhận đánh giá nỗ lực hiện thực hóa chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước để tìm ra những giải pháp tối ưu phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông thôn mới.

 

Do đó, đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn phải gắn với quá trình chuyển đổi số các điểm du lịch nông thôn và kết nối quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số; các điểm du lịch nông thôn được giới thiệu xúc tiến quảng bá, ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch…

 

Đồng thời, để gắn kết phát triển du lịch cộng đồng với chương trình xây dựng nông thôn mới cần phải thực hiện quy hoạch phát triển du lịch nông thôn đồng bộ với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Quy hoạch không gian phát triển du lịch nông thôn cần gắn với đặc trưng sinh thái vùng, miền, chú trọng bảo tồn giá trị văn hóa - lịch sử.

Các đại biểu tham gia hội thảo cho rằng, phát triển du lịch gắn kết nông nghiệp nông thôn phải hướng đến khai thác sự sáng tạo, khác biệt về văn hóa, cảnh quan sinh thái để tạo ra những sản phẩm mới phù hợp với thị trường. Cần chú trọng khai thác chuỗi giá trị du lịch trên cơ sở liên kết với các ngành, nghề, dịch vụ liên quan nhằm cung cấp đa dạng các trải nghiệm, thu hút, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của du khách trong và ngoài nước…

 

Hơn nữa, cần chú trọng phát triển dịch vụ phụ trợ để hỗ trợ du lịch, gắn phát triển hạ tầng du lịch nông thôn với ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch nông thôn.

 

Qua đó, nhằm hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế, cũng như góp phần định hướng một ngành nông nghiệp phát triển bền vững và hiệu quả. Mô hình này sẽ giúp khai thác nguồn lực sẵn có địa phương, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân địa phương. Đồng thời, bảo vệ môi trường sinh thái khu vực nông thôn, giúp duy trì, quảng bá bản sắc văn hóa, đời sống nông thôn các dân tộc, vùng miền. Từ đó, góp phần thu hút đầu tư phát triển kinh tế cộng đồng, địa phương

Bình luận