Tăng cường quản lý thực phẩm từ gốc

Bình luận · 196 Lượt xem

Nhằm cung cấp nguồn cung nông sản, thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, từ đầu năm 2023 đến nay, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã đẩy mạnh xây dựng phát triển vùng sản xuất an toàn; hỗ trợ phát triển chuỗi liên kết.

Ngoài ra, các ngành chức năng cũng tăng cường kiểm tra, lấy mẫu giám sát nông, lâm, thủy sản trên thị trường, kịp thời xử lý trường hợp vi phạm theo đúng quy định.

Thời gian qua, nhiều địa phương đã hình thành vùng nông nghiệp tập trung quy mô lớn để kiểm soát chất lượng nông sản từ sản xuất đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản, huyện đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, như: Sản xuất rau an toàn diện tích 545ha; 1.159ha nuôi trồng thủy sản; sản xuất lúa hàng hóa 1.745ha... Huyện cũng xây dựng và phát triển được 14 mô hình liên kết chuỗi trong trồng trọt, chăn nuôi và giết mổ; 15 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch.

Cùng với việc xây dựng vùng sản xuất tập trung, các địa phương cũng thành lập các đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm. Trong 9 tháng năm 2023, huyện Chương Mỹ có 3 đoàn kiểm tra liên ngành của huyện và 32 đoàn cấp xã tiến hành kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn. Tổng số đã kiểm tra được 134 cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản và vật tư nông nghiệp, trong đó huyện kiểm tra 19 cơ sở; các xã, thị trấn 115 cơ sở. Các đoàn kiểm tra đã tiến hành lấy 124 mẫu nông, lâm, thủy sản tại 21/23 chợ trên địa bàn. Ngoài ra, huyện phối hợp với ngành Nông nghiệp Hà Nội tổ chức lấy 106 mẫu thực phẩm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn.

Đánh giá về công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, các đơn vị của Sở NN&PTNT Hà Nội đã khuyến khích, hỗ trợ triển khai 58 mô hình, cơ sở sản xuất nông nghiệp an toàn, như: Sản xuất rau theo hướng hữu cơ, VietGAP, ứng dụng công nghệ cao (sản xuất măng tây hữu cơ), cây dược liệu (cúc chi)..

Cùng với đó, phát triển, vận hành 49 mô hình áp dụng hệ thống bảo đảm có sự tham gia (PGS), đã làm tăng giá trị sản xuất rau an toàn, cao hơn các vùng sản xuất thông thường khác từ 10 đến 20%. Ngành Nông nghiệp Hà Nội cũng đã tổ chức lấy 862 mẫu để kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm, hiện đã có kết quả 658 và 204 mẫu chờ kết quả phân tích; trong đó có 632 mẫu nông, lâm, thủy sản bảo đảm an toàn thực phẩm (chiếm 96,02%)... Qua công tác giám sát đã kịp thời phát hiện, cảnh báo các nguy cơ về an toàn thực phẩm; các ngành chức năng đã ban hành văn bản cảnh báo nguy cơ, yêu cầu khắc phục và truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân tại cơ sở có mẫu vi phạm.

Nhìn chung, công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố đã đi vào nền nếp; đặc biệt, công tác thanh, kiểm tra được tập trung có trọng tâm, trọng điểm và đột xuất vào các ngành, nhóm sản phẩm, khâu có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm. Qua đó, kịp thời kiểm tra, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm gây mất an toàn thực phẩm, ngăn chặn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt”, bà Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết thêm.

Hiện việc quản lý an toàn thực phẩm ở các địa phương còn khó khăn, do các xã, thị trấn chưa bố trí được cán bộ quản lý an toàn thực phẩm và quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt. Công tác quản lý an toàn thực phẩm đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, công tác hậu kiểm đối với các cơ sở sau ký cam kết còn hạn chế. Nhận thức của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm về an toàn thực phẩm đã có chuyển biến, song còn hạn chế, ý thức lựa chọn thực phẩm của người tiêu dùng vẫn tùy tiện, dễ dãi, tạo điều kiện cho thực phẩm không an toàn lưu thông trên thị trường...

Để nâng cao chất lượng nông sản, thực phẩm trên thị trường, Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Tống Văn Thái cho biết, trong thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền về an toàn thực phẩm, đặc biệt là tuyên truyền về các chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm. Huyện cũng tăng cường công tác kiểm tra, hậu kiểm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn huyện; đồng thời, triển khai ứng dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, để kiểm soát chặt chẽ chất lượng nông sản, thực phẩm bán trên thị trường, từ nay đến cuối năm, các địa phương cần bố trí ổn định lực lượng cán bộ làm công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản từ cấp quận, huyện, thị xã tới các xã, phường, thị trấn. Tăng cường phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT giám sát, cảnh báo các nguy cơ về an toàn thực phẩm, nếu phát hiện cần xử lý theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT Hà Nội kiến nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Y tế rà soát, bổ sung ban hành danh mục, chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật đối với sản phẩm thực phẩm, nhằm phục vụ công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Bộ NN&PTNT cũng cần quan tâm giới thiệu các doanh nghiệp lớn, có năng lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, giết mổ, chế biến, chợ đầu mối nông sản... trên địa bàn thành phố.

Bình luận