Xây dựng nông thôn mới ở Hòa Bình: Chính sách đã khơi đúng lòng dân

Bình luận · 193 Lượt xem

Chương trình nông thôn mới triển khai đến đâu là bản trên, bản dưới có sự thay đổi lớn về cơ sở hạ tầng. Bà con người Kinh, người Mường, người Thái ở vùng thấp hay bà con người Mông sống ở bản cao trên đất Hòa Bình

Vào đầu thập niên 1990, các xã vùng cao của tỉnh Hòa Bình còn muôn vàn gian khó, đặc biệt là các huyện vùng cao như Đà Bắc, Lạc Sơn, Mai Châu, Tân Lạc. Cơ sở hạ tầng hầu như chưa được đầu tư xây dựng nên cuộc sống của bà con dân tộc còn lạc hậu, vất vả, thiếu thốn...

 

Khi chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai trên diện rộng ở Hòa Bình đã thực sự là cú hích lớn cho các xã vùng cao phát triển. Giờ đây đường ô tô đã đến tận những bản làng xa xôi nhất của đất Mường. Vui hơn cả là ở trong mỗi nếp nhà, bà con đã có sự thay đổi về nếp nghĩ và cách làm cùng nhau góp sức người, sức của sớm đưa đất Mường được công nhận chuẩn NTM.

 

Dân đồng lòng góp sức người, sức của làm đường

Xóm Đon, xã Mỹ Hòa từng được biết đến như một ốc đảo của huyện Tân Lạc vì đường xá đi lại khó khăn. Nhưng từ khi xã tham gia xây dựng chương trình NTM, Mỹ Hòa lại nổi lên là đơn vị làm hiệu quả và sớm cán đích xã NTM đầu tiên của huyện. Đến các xóm của bà con người Mường nơi đây mới cảm nhận được sự thành công đó của xã đều bắt nguồn từ sự đồng thuận của bà con nhân dân. Nhà cụ Đinh Thị Thụ (xóm Đon) nằm ngay cạnh đường. Ngày ngày cụ đi lại thăm nom con cháu trên con đường bê tông sạch sẽ mà lòng vui phơi phới. Cụ Thụ bảo: "Cách đây 5 năm, xã bàn việc mở đường dẫn vào xóm rộng ra gấp 3 lần so với con đường cũ. Ai cũng lo làm sao mà làm nổi, vì con đường sẽ đi qua vườn tược, nhà cửa của bà con. Cái khó là việc này cần phải giải phóng mặt bằng rất lớn. Hơn nữa nguồn ngân sách của xã không có đủ kinh phí để đền bù đất cho bà con. Trước khó khăn chung ấy, tôi đã không ngần ngại hiến mấy trăm mét vuông đất của gia đình để làm đường".

 

Sau lời nói và việc làm tiên phong của cụ Thụ, nhiều hộ dân khác của xóm cũng nhận thấy lợi ích của việc mở đường và đồng lòng hiến đất làm đường. Nhờ thế mà con đường bê tông rộng 5m chạy qua xóm được thực hiện trong vài hôm đã xong. Không dừng lại ở đó, bà con còn góp công sức cùng với xã xây dựng con đường mới. Từ khi con đường này hoàn thành, xe tải, xe ôtô chở nguyên vật liệu, thu mua nông sản… chạy bon bon ra vào xóm. Bà con buôn bán cái gì cũng tiện, chứ không tay xách nách mang hay khiêng vác mệt nhọc như những năm trước nữa.

 

Suốt nhiều năm rong ruổi ở đất Mường, điều mà phóng viên Báo NTNN dễ nhận ra nhất khi tiếp xúc với bà con người vùng cao là sự nhiệt tình cũng như khi đã tin vào chủ trương của Nhà nước thì hết lòng tham gia. Nhớ những ngày đầu, các xã vùng cao vận động bà con xây dựng NTM, ai cũng nghĩ nó là cái gì đó cao siêu và tốn kém. Nhưng khi chủ trương đã đi vào lòng dân, bà con hiểu việc xây dựng này bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như vệ sinh nhà cửa, tách khu chăn nuôi ra khỏi chỗ ở, rồi bà con góp công, góp đất để mở rộng đường xá... Những việc làm tưởng như đơn giản đó giờ đã quen thuộc, ăn sâu vào tâm trí của mỗi người dân nơi đây.

Đến xã vùng cao Pà Cò và Hang Kia (huyện Mai Châu) mới cảm nhận rõ hơn chương trình xây dựng NTM đã được bà con nhiệt tình hưởng ứng. Những con đường mòn lên bản đã được thay thế bằng con đường bê tông phẳng lỳ. Bà con đi lại dễ dàng, nên nông sản cũng bán được giá hơn. Trao đổi với phóng viên, ông Sùng A Sía - Chủ tịch UBND xã Pà Cò không giấu được niềm vui: "Ngày đầu triển khai xây dựng chương trình NTM, cán bộ xã như gà mắc tóc. Vậy mà khi đưa chương trình này đến các bản xa, không ngờ bà con lại sẵn sàng hưởng ứng. Đến nay, tất cả các bản của xã đã có đường bê tông kiên cố. Hệ thống điện, trường, trạm cũng được xây dựng khang trang. Nếu không có chương trình xây dựng NTM, xã Pà Cò đã không có diện mạo như ngày hôm nay".

 

Chính quyền và nhân dân đồng lòng

Cụm từ xây dựng NTM ở xứ Mường giờ đã trở lên thiết thực hơn bao giờ hết. Từ vùng cao đến vùng thấp, bà con đồng lòng góp công, góp của cùng với chính quyền xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong thời buổi tấc đất, tấc vàng mà nhiều hộ gia đình đã không ngần ngại góp cả nghìn m2 đất. Những con đường dẫn lên xã, đến bản, bà con nông dân sẵn sàng dịch bờ rào, phá công trình phụ, thậm chí phá cả nhà để nhường đất. Điều đó thêm một lần khẳng định chính sách đã khơi đúng lòng dân.

 

Từ tỉnh cho đến các xã đều thành lập các ban để chỉ đạo cũng như giải quyết những vướng mắc liên quan đến chương trình xây dựng NTM. Trước đó, công tác tuyên truyền, vận động bà con cùng tham gia xây dựng NTM là phục vụ chính cho bản làng và gia đình mình. Người dân hiểu được lợi thế, khó khăn của địa phương mà cùng nhau tìm ra hướng xây dựng cho phụ hợp. Nói như ông Lê Văn Thạch - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình: "Khi lòng dân đồng thuận thì việc khó làm trở lên nhẹ nhàng. Nhà nhà cùng tham gia xây dựng NTM đã tạo thành phong trào thiết thực và sâu rộng nhất từ trước đến nay".

 

Sau mỗi năm, ở các huyện, các xã vùng cao đều xuất hiện những cách làm, mô hình mới trong việc xây dựng NTM. Những tiêu chí mà chương trình đề ra, các xã cũng từng bước đạt được. Với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị các cấp, các lực lượng xã hội và sự hưởng ứng, chung tay góp sức của nhân dân, tỉnh Hòa Bình đã đạt được những thành tựu tích cực. Khu vực nông thôn đã có những chuyển biến rõ nét trên hầu hết các lĩnh vực, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, cải thiện đời sống của nông dân, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bình luận