Về quản lý thuế thương mại điện tử ở Việt Nam hiện nay

Bình luận · 187 Lượt xem

Hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) trong những năm qua có sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ đã đặt ra bài toán về công tác quản lý cho ngành Thuế. Bài viết này nghiên cứu thực trạng hoạt động quản lý thuế TMĐT để xác

Thuế thương mại điện tử và quản lý thuế thương mại điện tử

 

TMĐT là một mô hình kinh doanh cho phép các công ty, cá nhân mua và bán hàng hóa và dịch vụ qua Internet. TMĐT đã thay đổi hoàn toàn phương thức mua sắm truyền thống, trở nên phổ biến với sự tiện lợi, giá cả và chất lượng đa dạng. Theo Sách trắng TMĐT Việt Nam 2022 do Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) công bố, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ Việt Nam đạt 16,4 tỷ USD, với khoảng 60% dân số tham gia mua sắm tương đường khoảng 57 - 60 triệu người tiêu dùng mua sắm trực tuyến.

 

Quản lý thuế là việc Nhà nước xác lập cơ chế, biện pháp để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của chủ thể nộp thuế, cơ quan thu thuế và các tổ chức cá nhân có liên quan trong quá trình thu, nộp thuế. Đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại quốc gia sở tại thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại quốc gia sở tại.

 

Thực trạng quản lý thuế thương mại điện tử tại Việt Nam

 

Chính sách thuế TMĐT giúp nhà quản lý thuế xác định được các giao dịch trực tuyến phải nộp thuế và xác định được thông tin của thông tin của các đối tượng phải nộp thuế nhằm thu đúng thu đủ, tránh bỏ sót các đối tượng nộp thuế.

 

Xác định các giao dịch trực tuyến phải nộp thuế thương mại điện tử

 

Tại Việt Nam, chính sách thuế hiện hành không phân biệt hoạt động kinh doanh theo phương thức truyền thống và hoạt động kinh doanh theo phương thức TMĐT. Việc thu thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT đang được thực hiện theo đúng quy định của các Luật Thuế (Giá trị gia tăng, Thu nhập doanh nghiệp, Thu nhập cá nhân), Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành. Nguồn thu thuế TMĐT chủ yếu từ 3 loại giao dịch gồm: Bán hàng qua mạng xã hội hoặc các sàn TMĐT (Shopee, Lazada, Tiki…); Thu nhập từ hoạt động viết các ứng dụng trò chơi, quảng cáo qua: Facebook, Google, YouTube...; Các tổ chức, gia đình có hoạt động cho thuê nhà thông qua các trang mạng điện tử (Agoda, Booking...)

 

Xác định thông tin đối tượng phải nộp thuế thương mại điện tử

 

Trong những năm qua, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính đã ban hành một số quy định nhằm xác định nguồn thu ngân sách trên thu nhập của các tổ chức nước ngoài, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh trên nền tảng số tại Việt Nam như: Nghị định số 91/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế; Nghị định số 91/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP. Theo đó, quy định tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam là chủ sở hữu sàn TMĐT có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác và đúng hạn theo quy định cho cơ quan thuế thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn giao dịch TMĐT. Điều này có nghĩa là sàn TMĐT chỉ có trách nhiệm cung cấp thông tin, xuất hóa đơn trên sàn TMĐT cho cơ quan chức năng mà không cần có nghĩa vụ nộp thuế thay người bán.

 

Quản lý kê khai, nộp thuế thương mại điện tử ở Việt Nam

 

Thực tế, ngày càng có nhiều cá nhân kiếm được thu nhập từ Youtube, Google, Facebook và các chợ ứng dụng như: Playstore, Appstore. Theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) và Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh, các cá nhân có thu nhập từ kinh doanh mà doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên phải nộp thuế theo quy định. Điều này có nghĩa là các cá nhân nhận thu nhập từ tổ chức như: Facebook, Google, Youtube... được xếp là cá nhân kinh doanh, phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN.

 

Tổng cục Thuế cho biết, đến hết năm 2022, Việt Nam đang có 139 đơn vị chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT, trong đó 41 sàn bán hàng, 98 sàn cung cấp dịch vụ; 3 công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài... Số lượng khách hàng trung bình truy cập các sàn ước tính tương ứng khoảng 3,5 triệu lượt mỗi ngày. Số thu từ hoạt động TMĐT thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai nộp thay nhà thầu từ 2018 luỹ kế đến cuối năm 2022 là trên 5.500 tỷ đồng (trung bình khoảng trên 1.200 tỷ đồng một năm). Trong đó, với Facebook là 2.076 tỷ đồng, Google là 2.040 tỷ đồng, Microsoft là 699 tỷ đồng. Số thu thuế từ mô hình hoạt động kinh doanh dịch vụ trực tuyến của các tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như Google, Youtube, Facebook… năm 2020 là 1.143 tỷ đồng. Con số này tăng 133 tỷ đồng so với 2019, và tăng 1.096,14 tỷ đồng so với 2016. Tức đã tăng 24 lần trong 4 năm từ 2016 đến 2020.

 

Đối với các mô hình này, cơ quan thuế thực hiện quản lý thuế đối với thu nhập phát sinh thông qua các đối tác hoặc đại lý quảng cáo, hoặc các doanh nghiệp mua dịch vụ trực tiếp của các công ty này tại Việt Nam.

 

Về quản lý thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ hoạt động kinh doanh TMĐT, cung cấp dịch vụ số, lũy kế hết cuối năm 2022, cơ quan thuế đã thu được từ xử lý vi phạm, chống thất thu khoảng 1.100 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều cá nhân thực hiện các giao dịch mua bán tiền “ảo”, chuyển nhượng các vật phẩm “ảo” trong game hay cho thuê ứng dụng để đặt quảng cáo trực tuyến có doanh thu lên đến hàng chục tỷ đồng, thậm chí hàng trăm tỷ đồng nhưng không kê khai, nộp thuế đầy đủ.

 

Quản lý thông tin đối tượng quản lý thuế thương mại điện tử ở Việt Nam

 

Mô hình quản lý và thu thuế chung hiện nay là đăng ký thuế; xử lý tờ khai và chứng từ nộp thuế; quản lý thu nợ thuế; xét hoàn thuế; quyết toán thuế; miễn, giảm thuế. Đối với hoạt động giao dịch TMĐT trên Internet, có nhiều vấn đề xuất hiện khi thực hiện các hoạt động này. Các giao dịch kinh doanh qua Internet thì các hóa đơn, sổ sách truyền thống hầu như không được sử dụng mà dữ liệu kỹ thuật số được sử dụng nhiều hơn. Tuy nhiên, các phương pháp quản lý thuế hiện hành không thể thích ứng với sự thay đổi này, và quy trình kiểm toán và thu thập thông tin truyền thống khó thực hiện trong các doanh nghiệp Internet.

 

Theo Tổng cục Thuế, tính đến ngày 6/2/2023 đã có 258 sàn TMĐT cung cấp thông tin trên Cổng thông tin TMĐT của Tổng cục Thuế gồm các sàn lớn như: Shopee, Lazada, Sendo, chưa bao gồm Tiki. Dữ liệu khai thác được từ Cổng thông tin TMĐT tại quý IV/2022 cho thấy: tổng số tổ chức trong nước đăng ký bán hàng trên sàn TMĐT là 14.875; tổng số tổ chức nước ngoài đăng ký bán hàng trên sàn là 8; tổng số cá nhân trong nước đăng ký bán hàng trên sàn là 53.208; tổng số cá nhân nước ngoài đăng ký bán hàng trên sàn là 4. Như vậy, đã có hơn 68.000 tổ chức, cá nhân đăng ký bán hàng trên sàn TMĐT với số lượt giao dịch trên sàn TMĐT là 14.503.719; tổng giá trị giao dịch khoảng 4.500 tỷ đồng. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để các tổ chức và cá nhân có thu nhập từ hoạt động giao dịch TMĐT thực hiện đúng nghĩa vụ phải nộp thuế của mình.

 

Một số khó khăn trong quản lý thuế thương mại điện tử ở Việt Nam

 

Khó khăn lớn nhất là quản lý đầy đủ đối tượng nộp thuế và các nguồn thu thuế. Các doanh nghiệp, cá nhân chưa tự giác kê khai nộp thuế. Các nhà cung cấp dịch vụ trên nền tảng số có hành vi cơ hội để trốn thuế; các doanh nghiệp kinh doanh TMĐT có hành vi gian lận thuế TMĐT như không đăng ký kinh doanh/đăng ký nộp thuế; các doanh nghiệp kinh doanh TMĐT có hành vi gian lận thuế TMĐT như không kê khai hoặc kê khai thấp giá trị giao dịch/thu nhập để trốn thuế.

 

Khó khăn khác là trong hoạt động quản lý thông tin người nộp thuế đối với các giao dịch trực tuyến trong nội địa trên các sàn TMĐT cũng như các giao dịch TMĐT xuyên biên giới.

 

Ngoài ra còn khó khăn trong việc kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT. Do chủ thể kinh doanh TMĐT không cần đến cửa hàng, cửa hiệu theo cách truyền thống, các giao dịch hoàn toàn thực hiện bằng phương thức điện tử, máy chủ có thể đặt tại nước ngoài, một đối tượng có thể có nhiều gian hàng trên một sàn giao dịch TMĐT, và cùng lúc trên nhiều sàn giao dịch TMĐT, cùng lúc trên nhiều trang mạng xã hội.

 

Nguyên nhân

 

Hành lang pháp lý đối với quản lý hoạt động xuyên biên giới của các nhà cung cấp nước ngoài tại Việt Nam chưa hoàn thiện

 

Đối với hoạt động TMĐT xuyên biên giới, doanh nghiệp nước ngoài thường viện dẫn theo hiệp định thuế, xác định không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam nên không kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Các hoạt động kinh doanh chủ yếu thông qua các ứng dụng số trên mạng internet và chuyển hàng qua chuyển phát nhanh. Do đó, việc thu thuế gặp khó khăn do thiếu cơ chế ràng buộc khi yêu cầu các doanh nghiệp cá nhân này phải có sự tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế tại Việt Nam. Đó là chưa kể đến thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt, không có hóa đơn cũng rất khó làm cơ sở đánh thuế, còn nếu thanh toán qua ngân hàng sử dụng các tài khoản ngân hàng không đăng ký với cơ quan thuế.

 

Từ phía các cá nhân, doanh nghiệp là đối tượng nộp thuế thương mại điện tử ở Việt Nam

 

Hoạt động quản lý kê khai, nộp thuế TMĐT khó xác định được tính chính xác trong bản kê khai của người nộp thuế do nhiều đối tượng kinh doanh TMĐT khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ không xuất hóa đơn hoặc xuất hóa đơn không đúng thực tế. Phương thức thanh toán bằng tiền mặt là chủ yếu hoặc nếu thanh toán qua ngân hàng thì sử dụng các tài khoản ngân hàng không đăng ký với cơ quan thuế. Tính tự giác kê khai thuế và nộp thuế của các cá nhân, doanh nghiệp rất thấp.

 

Các nguyên nhân khác

 

Các giao dịch TMĐT có tính chất đặc thù như quy mô hoạt động rộng trên môi trường internet có tính phi biên giới, dễ dàng thay đổi, che dấu hoặc xóa dữ liệu giao dịch. Trên thực tế, bán hàng trên mạng xã hội hiện nay có tới hàng triệu cá nhân, hộ kinh doanh đang bán, trao đổi hàng hoá trên Facebook, nhưng thông tin của tổ chức, cá nhân không rõ ràng, giao dịch bằng tiền mặt, chỉ sử dụng các trang mạng hoặc mạng xã hội làm nơi quảng cáo… nên việc xác định các giao dịch chịu thuế và thông tin của đối tượng nộp thuế rất khó khăn.

 

Kết luận

 

Bối cảnh toàn cầu hóa và dịch bệnh COVID-19 tạo điều kiện cho Việt Nam từng bước trở thành một trong những thị trường TMĐT tiềm năng của khu vực và thế giới. Về nguyên tắc, việc xây dựng khung pháp lý để tạo ra sân chơi TMĐT bình đẳng và đảm bảo nguồn thu ngân sách cho Nhà nước là việc làm đúng đắn và hết sức cấp thiết hiện nay. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý thuế cũng như các cơ quan ban ngành có liên quan cần cân nhắc xây dựng các cơ chế và các giải pháp nhằm đảm bảo đồng thời việc tối ưu hóa mục tiêu quản lý thuế và trách nhiệm tối thiểu hóa những nguồn lực, thời gian và tài nguyên của các sàn TMĐT hay các tổ chức tín dụng nhằm tạo điều kiện lý tưởng nhất để các tổ chức này tập trung vào thế mạnh kinh doanh của mình.

Bình luận