Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo liên tục “tăng tốc”, kể từ sau khi Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo tẻ thường, Việt Nam tận dụng tốt cơ hội thị trường trong tháng 8 và tháng 9 vừa qua.
GIÁ TRỊ TĂNG 40% SO VỚI CÙNG KỲ NĂM TRƯỚC
Trong tháng 8/2023, xuất khẩu gạo đạt 950.000 tấn với giá trị 553 triệu USD. Trong tháng 9, Việt Nam tiếp tục xuất khẩu hơn 800.000 tấn gạo với giá trị khoảng 490.000 USD. Việt Nam trở thành nguồn cung gạo lớn nhất thế giới trong 2 tháng vừa qua. Như vậy chỉ trong 2 tháng qua, Việt Nam đã cung cấp cho thị trường thế giới gần 1,8 triệu tấn gạo; vừa góp phần bảo đảm nguồn cung cho thế giới vừa mang lại lợi ích kinh tế cho người trồng lúa.
Lũy kế 9 tháng năm 2023, cả nước đã xuất khẩu 6,6 triệu tấn gạo, kim ngạch thu về đạt 3,66 tỉ USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong lịch sử xuất khẩu ngành lúa gạo 34 năm, đây lần đầu tiên ghi nhận con số này.
Xuất khẩu gạo từng thiết lập mốc kỷ lục giá trị kim ngạch 3,65 tỉ USD đạt được vào năm 2011, nhưng trên tổng sản lượng xuất khẩu cả năm đó đến 7,1 triệu tấn. Liên tục các năm 2012-2018, giá gạo xuất khẩu suy giảm, khiến kim ngạch xuất khẩu luôn ở dưới mức 2,5 tỉ USD.
Đến năm 2019, xuất khẩu gạo dần tăng trở lại và lấy lại mốc 2,7 tỷ USD. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 3,5 tỉ USD, tuy nhiên vẫn chưa phá được kỷ lục 3,65 tỉ USD của năm 2011.
Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, so với cơn sốt giá gạo năm 2008, năm 2023, Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội thị trường. Nhìn lại năm 2008, giá gạo 5% tấm xuất khẩu từng có lúc đã đạt đỉnh điểm 1000 USD/tấn, nhưng khi đó Chính phủ nước ta đã ra lệnh ngừng xuất khẩu gạo, nên gần như không có thương nhân nào xuất khẩu được với giá đó.
Thực tế, giá cao nhất mà các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nước ta đạt được là 700 USD/tấn. Năm 2008, cũng do việc phải dừng xuất khẩu gạo giữa chừng, nên Việt Nam chỉ xuất khẩu được 4,8 triệu tấn gạo, kim ngạch chỉ đạt 2,87 tỉ USD. Giá gạo xuất khẩu bình quân năm 2008 đạt 597 USD/tấn.
Trong 2 tháng vừa qua, giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam dao động trong khoảng từ 620 - 645 USD/tấn, ngoài ra gạo phẩm cấp thấp hơn là 25% tấm cũng có lúc lên tới mức 623 USD/tấn. Ở thời điểm cuối tháng 9/2023, giá gạo các nước đang có xu hướng giảm, gạo Việt Nam cũng đã giảm nhẹ so với tháng trước, nhưng vẫn đang ở mức cao nhất thế giới.
Cụ thể, giá gạo Thái Lan 590 USD/tấn còn Pakistan là 588 USD/tấn. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu 5% tấm ngày 30/9/2023 ở mức 613-617 USD/tấn; giá gạo 20% tấm ở mức 598-602 USD/tấn. Như vậy, hiện nay giá gạo Việt Nam vẫn cao nhất thế giới, cao hơn gạo Thái Lan khoảng 20 USD/tấn, cao hơn gạo Pakistan 15 USD/tấn.
DỰ BÁO 3 THÁNG CUỐI NĂM
Trong nước, tính đến ngày 3/10, giá lúa nông dân bán tại ruộng vẫn duy trì ổn định. Tại An Giang, giá lúa OM 18 ở mức 8.000 - 8.100 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; Đài thơm 8 tươi 7.800 - 8.100 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg so với tháng 9/2023.
Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu và thành phẩm không thay đổi. Theo đó, giá gạo nguyên liệu IR 504 dao động quanh mốc 12.000 - 12.100 đồng/kg; trong khi đó, gạo thành phẩm IR 504 dao động quanh mức 13.900 - 14.000 đồng/kg.
Đánh giá về sản xuất lúa gạo 3 tháng cuối năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết trong 3 quý, cả nước gieo cấy được 6.855,3 nghìn hecta lúa, sản lượng thu hoạch 33,6 triệu tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước.
Dự kiến cả năm 2023, sản lượng lúa đạt được từ 43-43,4 triệu tấn, tăng khoảng 650 -700 nghìn tấn so 2022, vượt 170 nghìn tấn so với kế hoạch của ngành nông nghiệp nông thôn đề ra từ đầu năm 2023.
Trong 3 tháng cuối năm, dự kiến sẽ thu hoạch gần 10 triệu tấn lúa mùa và vụ thu đông, tương đương với hơn 5 triệu tấn gạo. Với sản lượng này, ngoài việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, vẫn còn dư khoảng 1,5 triệu tấn gạo có thể xuất khẩu.
Để nắm bắt cơ hội tăng xuất khẩu gạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tăng cường các giải pháp ổn định năng suất, chất lượng lúa gạo, trong đó tăng diện tích trồng lúa vụ thu đông thêm 50.000ha.
Nhằm đảm bảo nguồn nước cho sản xuất lúa tại các tỉnh Bắc Trung Bộ và tăng cường công tác bảo vệ thực vật, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết sẽ chỉ đạo Cục Trồng trọt theo dõi sát tình hình thời tiết khí tượng, thủy văn để chỉ đạo thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp. Đồng thời triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024 để đảm bảo có lúa gạo thu hoạch liên tục để phục vụ xuất khẩu đầu năm 2024.
Về thị trường, trong những tháng cuối năm, thời điểm vào vụ thu hoạch chính của một số nước như: Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, Myanmar… có khả năng chính sách xuất nhập khẩu gạo có thể thay đổi ảnh hưởng đến giá gạo thế giới.
Một trong những chính sách được quan tâm nhất là thuế xuất khẩu 20% đối với mặt hàng gạo đồ của Ấn Độ sẽ hết hạn vào ngày 15/10. Hiện chưa biết chính sách này sẽ được tiếp tục duy trì hay chấm dứt? Đây là vấn đề lớn mà các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang rất quan tâm.
Theo ông Vũ Tuấn Anh, Chủ tịch Công ty GLE (đơn vị chuyên làm kết nối xuất nhập khẩu), cơ hội xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm vẫn còn rất lớn khi các nước vẫn đang tăng cường nhập khẩu gạo để dự trữ. Đặc biệt, hiện nay sản xuất lúa gạo tại Malaysia vẫn cần nhập khẩu tới 30% để đảm bảo yêu cầu tiêu dùng và dự trữ trong nước. Malaysia nhập gạo trắng chủ yếu từ Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, Việt Nam và Campuchia, hơn nữa, người tiêu dùng Malaysia lại tương đối thích gạo Việt Nam, đây chính là cơ hội cho gạo Việt.
Với Việt Nam, ở kịch bản cao nhất nếu thị trường tiếp tục thuận lợi, lượng gạo xuất khẩu vẫn duy trì được mức 800 nghìn tấn/tháng như tháng 9 vừa qua, thì trong 3 tháng cuối năm có thể xuất hơn 2 triệu tấn. Tuy nhiên, với nguồn cung trong nước được tính toán, cùng với dự báo thị trường sẽ không còn tốt như hai tháng vừa qua, thì trong quý 4 dự báo mỗi tháng sẽ xuất khẩu khoảng 500 nghìn tấn. Như vậy, khả năng cả năm sẽ xuất khẩu kỷ lục 8 triệu tấn gạo, lập kỷ lục kim ngạch 4,5 tỉ USD.