M. S. Swaminathan: Tâm niệm và bài học để lại

Bình luận · 254 Lượt xem

Người dân Ấn Độ và nhiều nơi trên thế giới bàng hoàng và bày tỏ lòng thương tiếc người kiến tạo cuộc cách mạng xanh Ấn Độ - Tiến sĩ M. S. Swaminathan qua đời.

Trưa 28/9/2023, thông tin Tiến sĩ M. S. Swaminathan qua đời ở tuổi 98 tại Chennai, Ấn Độ được truyền qua mạng xã hội. Người dân Ấn Độ và nhiều nơi trên thế giới bàng hoàng và bày tỏ lòng thương tiếc người kiến tạo cuộc cách mạng xanh Ấn Độ, đưa đất nước đông dân này vượt qua tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng trở nên tự chủ lương thực và từ đó vươn lên thành nước xuất khẩu lương thực hàng đầu của thế giới. Từ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã gửi thư chia buồn đến ngành nông nghiệp, nhân dân và gia quyến TS. Swaminathan.

Ra đi bình yên về cõi vĩnh hằng, TS. Swaminathan không để lại hào quang của cá nhân của mình, mà ông để lại những điều tâm niệm lắng đọng trong chặng đường 70 năm gắn bó với nắng mưa đồng ruộng. Một chàng trai trẻ sinh ra trong gia đình khá giả chọn vào đại học nông nghiệp; sau này ông nói mẹ ông bất ngờ và buồn vì muốn ông theo học ngành y, kế nghiệp nghề bác sĩ của cha. Điều gì đã xảy ra như vậy, nhiều người muốn biết, ông nói nạn đói ở bang Bengal (nay thuộc Bangladesh) năm 1943 với 3 triệu người chết đã tác động suy nghĩ của ông, đưa ông đến ngành nông nghiệp, ngành sản xuất ra lương thực cho con người.

Sau khi tốt nghiệp đại học, TS. Swaminathan được đào tạo sau đại học ở những trường nổi tiếng thế giới như Đại học nông nghiệp Wageningen (Hà Lan), Đại học Cambridge (Anh), Đại học Wisconsin (Mỹ). Sau 18 tháng ở Đại học Wisconsin nghiên cứu sau tiến sĩ, dù được trường mời tiếp tục công tác sẽ bổ nhiệm ngay là phó giáo sư, ông quyết định trở về quê hương mình bắt đầu một hành trình mới vào đầu năm 1954 ở tuổi 29, và hạt giống cách mạng xanh bắt đầu từ đây.

Swaminathan, người kiến tạo cách mạng xanh Ấn Độ, nhà khoa học của nông dân.

Swaminathan, người kiến tạo cách mạng xanh Ấn Độ, nhà khoa học của nông dân.

Đau đáu vì cuộc sống của nông dân 

Swaminathan, nhà khoa học nông nghiệp hàng đầu thế giới được Tạp chí Time bình chọn là một trong 20 nhân vật ảnh hưởng nhất ở châu Á trong thế kỷ 20, là người từ sâu thẳm đau đáu vì cuộc sống của nông dân. Con gái ông, bà Soumya Swaminathan, nguyên Phó Tổng giám đốc và nhà khoa học hàng đầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngay sau phút ly biệt cha mình đã thông báo tin buồn qua một video clip ngắn phát trên mạng xã hội. Với sự nghiệp to lớn của cha, bà chỉ nói “cho đến phút cuối đời, ông cống hiến cho cải thiện cuộc sống của nông dân và tạo cơ hội đi lên cho những người nghèo nhất trong xã hội; ông là người nhận ra rằng phụ nữ trong nông nghiệp đã bị quên lãng và ông đã cố gắng hết sức để đóng góp nâng cao vị thế của phụ nữ”.

Bài viết của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 7/10/2023 vinh danh TS. Swaminathan là nhà khoa học của nông dân thay vì nhà khoa học nông nghiệp. Thủ tướng Narendra Modi viết “trong tái tim ông (Swaminthan) có một nông dân”.

Swaminathan nói thành tựu của sản xuất nông nghiệp là do nông dân, người trực tiếp sản xuất ra lương thực, không có nông dân thì không có lương thực vì vậy nhà nước, nhà khoa học phải kết nối, thấu hiểu và đồng hành hỗ trợ nông dân. Ông nói khoa học công nghệ - chính sách nhà nước - kinh nghiệm nông dân phải được hòa quyện. Khi đảm trách Chủ tịch Ủy ban quốc gia về nông dân từ 2004-2006 để tham mưu cho chính phủ về chính sách cho nông dân và nông nghiệp, ông đã đệ trình 5 báo cáo.

Ngay sau khi ông mất, truyền thông Ấn Độ tập trung nhắc đến đề nghị của báo cáo về mức giá hỗ trợ tối thiểu (MSP - minimum support price) cho nông sản trồng trọt bằng chi phí sản xuất được tính đầy đủ cộng thêm 50%. Theo mức này, nông dân luôn có lời vì đây là mức tối thiểu nhà nước thu mua nông sản dự trữ hoặc định hướng thị trường (khi thị trường biến động dưới mức giá này nhà nước sẽ hỗ trợ).

Nhiều ý kiến từ Ấn Độ cho rằng chính phủ để tưởng nhớ ông, cách thiết thực nhất là thực hiện đầy đủ đề nghị này vì mức MSP chính phủ áp dụng cho đến nay chưa đạt theo công thức của TS. Swaminathan.

Swaminathan (trái) đến tìm hiểu cuộc sống hộ nông dân.

Swaminathan (trái) đến tìm hiểu cuộc sống hộ nông dân.

Khởi xướng cách mạng xanh bền vững

Swaminathan đã sớm nhận ra những mặt hạn chế của cách mạng xanh do sự lạm dụng các yếu tố đầu vào (thuốc hóa học trừ sâu bệnh, cỏ dại, phân bón hóa học, nguồn nước ngầm,…) ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái và làm giảm đa dạng sinh học nên ông đã khởi xướng chuyển đổi từ cách mạng xanh đến cách mạng xanh bền vững (evergreen revolution) dựa theo nguyên tắc nông nghiệp sinh thái nhằm đạt hiệu quả sản xuất lâu dài, không gây tổn hại đến môi trường và xã hội. Trong điều kiện Ấn Độ, cách mạng xanh bền vững nhấn mạnh các khía cạnh như:

- Đặt nặng sự công bằng xã hội và bình đẳng giới trong mục tiêu phát triển bền vững. 

- Nâng an ninh lương thực đồng nghĩa với an ninh dinh dưỡng, đưa nông nghiệp, y tế, dinh dưỡng cùng hoạt động thống nhất vì sức khỏe con người và không những đạt ở cấp độ quốc gia, địa phương mà đến từng gia đình.

- Đánh giá tiến bộ của nông nghiệp không chỉ qua con số thống kê tăng trưởng sản xuất mà còn phải được thể hiện qua chỉ số gia tăng thu nhập của nông dân.

Nguyên tắc cách mạng xanh bền vững được TS. Swaminathan thể hiện bằng hành động cụ thể của ông. Sau khi từ Viện IRRI về nước năm 1988, ông đã dùng toàn bộ tiền thưởng từ giải thưởng Lương thực thế giới để xây dựng Quỹ nghiên cứu M.S Swaminathan ở Chennai, Ấn Độ; hoạt động của Quỹ hướng đến sự ủng hộ dành cho (1) thiên nhiên, môi trường (2) người nghèo (3) phụ nữ và (4) việc làm ở nông thôn. Nhiều sáng kiến ông thực hiện ở đây như phát triển Làng sinh thái, Trung tâm thông tin làng, phục hồi rừng ngập mặn và các nghiên cứu tạo giống cây chịu mặn... Ông thúc đẩy nâng cao năng lực nông dân nhờ các tiện ích công nghệ thông tin đến tận làng và từng mỗi hộ. Ông nhấn mạnh cần giữ độ phì nhiêu của đất lâu dài, ông nói “nếu đất đói (do thoái hóa) và khát (thiếu nước) thì làm sao nuôi được con người”.

Tầm nhìn khoa học

Swaminathan cho rằng tiến bộ khoa học công nghệ có đặc điểm trung tính (neutral), một tiến bộ nếu sử dụng đúng sẽ hữu ích, nếu sử dụng sai hoặc lạm dụng sẽ nguy hại. Giữa đúng và sai chủ yếu do chính sách nhà nước, chính sách tốt sẽ phát huy tác dụng tốt của khoa học, mặt tích cực của công nghệ hoặc ngược lại.

TS. Swaminathan luôn nhấn mạnh khoa học công nghệ và chính sách nhà nước phải đi song song cùng nhau. Ông có nhắc một kinh nghiệm, khi khởi đầu cách mạng xanh nếu không có chính sách của Thủ tướng Jawaharlal Nehru về đề cao vị trí nông nghiệp và Thủ tướng Indira Gandhi về an ninh lương thực thì cách mạng xanh có thể đã không xảy ra. Thủ tướng Nehru đã nói “mọi việc có thể chờ nhưng nông nghiệp thì không”; và ông nhớ lại Thủ tướng Indira Gandhi trước nạn đói cận kề, trăn trở hỏi ông “có cách nào chấm dứt tình trạng thiếu lương thực không”.

Swaminathan đề cập đến 3 hướng nghiên cứu trong nông nghiệp cần tiến hành đồng thời (1) nghiên cứu có sự tham gia của nông dân, các tác nhân liên quan để giải quyết các tồn tại trong sản xuất (2) nghiên cứu đi trước cho tương lai và (3) nghiên cứu đột phá, dựa vào công nghệ cao. Ông cho rằng cần huy động nguồn lực công - tư trong nghiên cứu khoa học, trong đó ông lo ngại rằng nguồn lực công thời gian qua suy giảm ở Ấn Độ cũng như ở nhiều nước đang phát triển, trong khi đầu tư công là nguồn lực chính để phát triển khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển các vùng khó khăn, bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực nông dân và cộng đồng, nâng cao thu nhập nông dân sản xuất nhỏ, tạo việc làm ở nông thôn.

Swaminathan trong phòng thí nghiệm ở Trung tâm Quỹ nghiên cứu MS Swaminathan (Chennai, Ấn Độ).

Swaminathan trong phòng thí nghiệm ở Trung tâm Quỹ nghiên cứu MS Swaminathan (Chennai, Ấn Độ).

Ông cũng là người tiên phong trong chủ thuyết “kết hợp, hợp tác, chia sẻ” trong khoa học nông nghiệp. Ở trong nước là sự kết hợp giữ khoa học và tri thức bản địa, giữa khoa học và kinh nghiệm, tính sáng tạo, am hiểu thiên nhiên của nông dân. Với quốc tế, nhờ tầm nhìn hợp tác của ông với TS. Norman Borlaug, cha đẻ cách mạng xanh thế giới, nhà khoa học được Giải thưởng Nobel Hòa bình năm 1970 và với Viện IRRI, cách mạng xanh Ấn Độ đã ra đời. Khi làm Tổng giám đốc Viện IRRI (1982-1988), ông đã hợp tác, hỗ trợ nhiều nước trồng lúa trên thế giới trong đó có Việt Nam, đặc biệt chia sẻ nguồn gen cây lúa. Riêng Việt Nam luôn là trong ký ức của ông; theo ông ghi lại, sau khi Việt Nam thống nhất không lâu, ông được Chính phủ Ấn Độ cử đến Việt Nam để khảo sát xây dựng Viện Lúa ĐBSCL được Ấn Độ hỗ trợ theo thỏa thuận giữa hai Thủ tướng Indira Gandhi và Phạm Văn Đồng.

Sau cuộc khảo sát, ông được gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng để trực tiếp báo cáo kết quả chuyến đi trước khi về nước. Ông nhớ lại, Thủ tướng hỏi: “Việt Nam có thể tự túc được lương thực không”; ông trả lời qua chuyến đi ông thấy tiềm năng ĐBSCL rất lớn, chỉ trong thời gian ngắn Việt Nam chắc chắn tự túc được. Từ chuyến đi đó, ông đặt nền móng cho hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Ấn Độ, mà điểm sáng là sự hình thành và phát triển Viện Lúa ĐBSCL ngày nay. Cho đến ngày mất, ông trở lại Việt Nam hai lần, một lần năm 1984 để ký văn bản hợp tác giữa IRRI mà ông là Tổng giám đốc với Đại học Cần Thơ và Viện Lúa ĐBSCL và lần sau cùng vào năm 2000, ông về thăm lại Viện Lúa ĐBSCL cùng với một số chuyên gia Ấn Độ đã từng công tác dài hạn ở Viện Lúa thời kỳ đầu thành lập.     

Swaminathan (trái) và TS. Borlaug tại Ấn Độ, 1963

Swaminathan (trái) và TS. Borlaug tại Ấn Độ, 1963

Tầm nhìn tương lai nông nghiệp

Những năm cuối đời, nhiều người mong muốn được nghe ông nói về tầm nhìn tương lai nông nghiệp của Ấn Độ, ông đã nêu một số quan điểm gồm:

- Nhận thức đúng vai trò quan trọng của nông nghiệp; theo ông, nếu nông nghiệp sai mọi thứ sẽ sai; tương lai thuộc về đất nước có lương thực.

- Nông dân luôn là trung tâm của phát triển nông nghiệp, các giải pháp cần hướng đến nâng cao thu nhập và cuộc sống của nông dân.

- Bảo vệ tài nguyên và môi trường là nền tảng cho sự thịnh vượng của nông nghiệp và nông dân hôm nay và tương lai.

- Nông nghiệp thu hút thế hệ trẻ khi kết hợp được môi trường kinh doanh với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp.

Tầm nhìn trên của TS. Swaminathan có lẽ không chỉ riêng cho Ấn Độ mà còn phù hợp cho nhiều nước khác trên thế giới. Vĩnh biệt ông, một ngôi sao không bao giờ tắt trong trái tim người nông dân.

Bình luận