Việt Nam – UAE nắm bắt cơ hội, đẩy mạnh hợp tác song phương

Bình luận · 208 Lượt xem

Hai nước còn nhiều tiềm năng và dư địa để tiếp tục mở rộng, phát triển hợp tác, nhất là trong bối cảnh hai bên đang tích cực thúc đẩy đàm phán, sớm ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện...

Ngày 08/10, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Quốc vụ khanh phụ trách ngoại thương, Bộ Kinh tế UAE Thani bin Ahmed Al Zeyoudi đã đồng chủ trì Phiên toàn thể Kỳ họp lần thứ 5 Ủy ban liên Chính phủ (UBLCP) Việt Nam – UAE.

 

TRONG NHÓM ĐỐI TÁC THƯƠNG MẠI LỚN NHẤT CỦA VIỆT NAM TẠI TRUNG ĐÔNG

Phát biểu tại Kỳ họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên vui mừng chào đón Quốc vụ khanh Thani bin Ahmed Al Zeyoudi và đoàn UAE, khẳng định Kỳ họp là hoạt động quan trọng và có ý nghĩa nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước (1993-2023).

 

Bộ trưởng nhấn mạnh, trên nền tảng quan hệ chính trị, ngoại giao tốt đẹp, hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và UAE đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực và ngày càng được củng cố, phát triển.

Cả hai nền kinh tế đã và đang từng bước khẳng định được vị thế của mình tại khu vực và trên thế giới. Việt Nam hiện thuộc tốp 5 nền kinh tế lớn nhất ASEAN, là một trong 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế và được Hội nghị Liên Hợp quốc về Thương mại và Phát triển đưa vào danh sách 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới.

 

Trong khi đó, UAE được đánh giá là một trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính, du lịch, logistics hàng đầu tại Trung Đông và trên thế giới.

 

Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế UAE bày tỏ vui mừng và nhất trí với ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam trước những bước phát triển tích cực trong quan hệ song phương thời gian qua. Chính phủ UAE luôn coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực và đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai các biện pháp thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt trong thời gian tới.

 

Tại Kỳ họp, hai bên đã tiến hành kiểm điểm tình hình hợp tác song phương kể từ sau Kỳ họp lần thứ 4 (năm 2019). Theo đó, hợp tác thương mại, quy mô thương mại hai chiều được duy trì ổn định ở mức 5 tỷ USD mỗi năm từ năm 2019 đến nay.

 

Kết quả này, đưa Việt Nam vào top 10 đối tác nhập khẩu lớn nhất của UAE và UAE là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông.

 

Hai nước còn nhiều tiềm năng và dư địa để tiếp tục mở rộng, phát triển hợp tác, nhất là trong bối cảnh hai bên đang tích cực thúc đẩy đàm phán, sớm ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện.

 

Trong lĩnh vực đầu tư, các doanh nghiệp hai nước đã có dự án đầu tư trên lãnh thổ của nhau ở nhiều lĩnh vực. Tính lũy kế đến hết tháng 8/2023, UAE đứng thứ 43 trong 148 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam, với tổng số 38 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 71 triệu USD.

 

Ở chiều ngược lại, Việt Nam có 5 dự án đầu tư còn hiệu lực tại UAE với tổng vốn đăng ký hơn 1,8 triệu USD.

 

Ngoài ra, hợp tác hai bên trong các lĩnh vực khác như an ninh, vận tải và logistics, thông tin và truyền thông, giáo dục và đào tạo, lao động, giáo dục, văn hóa và du lịch… đã có nhiều khởi sắc.

 

5 GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH HỢP TÁC

Tại cuộc họp, lãnh đạo hai bên đều nhấn mạnh, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh hợp tác đầu tư để tương xứng với tiềm năng và nhu cầu phát triển của mỗi nước

Để nắm bắt các cơ hội đẩy mạnh hơn nữa hợp tác song phương, hai bên đã thảo luận và thống nhất 5 định hướng lớn.

 

Thứ nhất, cần tích cực thúc đẩy hoạt động trao đổi đoàn các cấp, nhất là đoàn cấp cao và tiếp tục tăng cường phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế.

 

Thứ hai, cần phối hợp chặt chẽ để rà soát, kiện toàn khuôn khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực như Hiệp định Kinh tế toàn diện, Hiệp định về hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan, Hiệp định về dẫn độ, Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù…

 

Thứ ba, cần nghiên cứu cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng tiềm năng như sản xuất hóa chất, phân bón, dệt may và giày dép, công nghiệp điện tử và cơ khí, ô tô, năng lượng...

 

Thứ tư, khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai nước tăng cường đầu tư và hợp tác trong các lĩnh vực như bưu chính, viễn thông và chuyển đổi số, logistics, văn hóa, du lịch...

 

Thứ năm, cần tăng cường trao đổi thông tin về danh mục các dự án tiềm năng tại mỗi nước để xem xét thúc đẩy hợp tác đầu tư, khuyến khích các hãng hàng không hai nước tiếp tục mở đường bay thẳng giữa hai nước nhằm đẩy mạnh hợp tác kinh tế, du lịch và giao lưu nhân dân

Bình luận