Voi nhà đang dần được cởi trói

Bình luận · 237 Lượt xem

Tỉnh Đăk Lăk đang thực hiện các chương trình du lịch thân thiện với voi để bảo vệ đàn voi nhà ngày càng suy giảm trong những năm gần đây.

 

Nhiều chính sách hỗ trợ để giữ đàn voi nhà ở Đăk Lăk

Hình ảnh đàn voi nằm nghỉ trong hành trình di cư gây sốt

Đàn voi rừng lại xuất hiện ở Quảng Nam

Đàn voi rừng liên tục xuất hiện khiến người dân lo lắng

Voi nhà Đăk Lăk đang được cởi trói sau hàng chục năm oằn mình phục vụ du lịch. Đia phương này đang hướng đến du lịch thân thiện để bảo vệ đàn voi nhà đang ngày càng suy giảm.

 

Bỏ cưỡi voi

Vừa qua, Chi nhánh Du lịch và Khách sạn Biệt Điện (Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đăk Lăk) đã chấm dứt hoạt động cưỡi voi tại Trung tâm Du lịch Cầu treo Buôn Đôn. Đây là một trong 2 khu du lịch tại Đăk Lăk có loại hình du lịch cưỡi voi tồn tại hàng chục năm qua.

 

Theo bà Trần Thị Kim Ánh, Giám đốc Chi nhánh Du lịch và Khách sạn Biệt Điện, Trung tâm Du lịch Cầu treo Buôn Đôn hiện có 6 con voi phục vụ du lịch. Trong đó, 2 con là của đơn vị quản lý và hợp đồng thêm 4 con của người dân xung quanh. Hiện 6 con voi này chưa nhận kinh phí hỗ trợ theo quyết định của UBND tỉnh Đăk Lăk về việc phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi trên địa bàn.

 

Đàn voi nhà đang được cởi trói sau hàng chục năm bị vắt kiệt sức cho du lịch. Ảnh: Quang Yên.

 

“Trong thời gian qua, tại Trung tâm Du lịch Cầu treo Buôn Đôn đã xảy ra một số vụ việc không mong muốn liên quan đến voi nhà. Sau khi xảy ra sự cố, đơn vị đã họp bàn và kết hợp làm việc với cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết kịp thời và sẽ loại bỏ mô hình du lịch cưỡi voi. Để thu hút du khách, đơn vị sẽ thay thế là bộ sản phẩm du lịch mới đậm nét văn hóa địa phương gắn liền với hệ sinh thái độc đáo Làng Đảo Buôn Đôn và liên kết cộng đồng cùng phát triển”, bà Ánh nói.

 

Theo báo cáo của Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng tỉnh Đăk Lăk gần 40 năm trở lại đây, voi nhà không sinh sản được voi con nào. Nguyên nhân voi nhà không thể sinh sản là do môi trường nuôi nhốt, phục vụ du lịch quá sức...

 

“Hiện Đăk Lăk chỉ còn 37 con voi nhà và khoảng 80 - 100 con voi rừng, giảm khoảng 90% so với năm 1980. Những năm qua, cùng với chính sách hỗ trợ và ý thức của người nuôi, voi Đắk Lắk được tạo điều kiện hơn trong việc sinh sản nhưng vẫn bất thành. Hy vọng rằng, với mô hình giúp voi được về với thiên nhiên, có sức khỏe tốt, voi sẽ sinh sản được. Mô hình mới nếu phát huy tốt không chỉ mang lại nguồn lợi mà còn bảo vệ loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng ở nước ta”, lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng tỉnh Đăk Lăk nói.

 

Du lịch thân thiện với voi

Vườn Quốc gia Yók Đôn là đơn vị đầu tiên tại Đăk Lăk tổ chức mô hình du lịch thân thiện với voi nhà. Theo đó, năm 2018, đơn vị này nhận 13.000 USD kinh phí hỗ trợ cho 5 năm đầu tiên để thực hiện mô hình thân thiện cùng voi từ Tổ chức Động vật Châu Á.

 

Ông Trần Đức Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ Vườn Quốc gia Yók Đôn cho biết, từ khi chuyển đổi loại hình du lịch voi được thả trong môi trường tự nhiên, tự do đi lại, ăn uống. Ở trong rừng voi được ăn cây cỏ tự nhiên nên tránh được các bệnh tật. Từ đó, cuộc sống của voi được cải thiện về sức khỏe cũng như tinh thần.

 

“Thời điểm triển khai mô hình voi có nhiều bệnh tật nhưng sau đó được ăn các loại cây cỏ trong rừng, sức khỏe được cải thiện. Việc này giúp cho voi được sống lâu hơn so với việc nuôi nhốt tại nhà”, ông Phương nói.

 

Theo ông Phương, vườn có 8 con voi thực hiện mô hình du lịch thân thiện. Mô hình thực hiện theo hình thức du khách vào rừng thăm quan, tìm hiểu các hoạt động, sinh hoạt hàng ngày của voi. Du khách được ngắm voi từ xa, theo dõi voi ăn, tắm, ngủ, đi dạo cùng voi trong rừng... Bên cạnh đó, các hoạt động du lịch truyền thống, trực tiếp tác động đến voi như cưỡi, tiếp xúc trực tiếp với voi sẽ bị cấm, để tránh ảnh hưởng đến voi.  

 

Dự án nhằm chấm dứt các hoạt động du lịch cưỡi voi và nâng cao phúc lợi cho các cá thể voi nhà. Viện này giúp duy trì, bảo tồn quần thể voi nhà trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Sau 5 năm tổ chức mô hình, các tour đăng ký để trải nghiệm khám phá các hoạt động cùng voi tăng qua từng năm.

 

“Đây là tín hiệu đáng mừng của mô hình du lịch thân thiện cùng voi. Mô hình mới không chỉ cho du khách trải nghiệm mà còn góp phần giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật cho khách tham quan. Trong đó, số lượng du khách đăng ký loại hình du lịch này nhiều nhất là người nước ngoài. Tiếp đến là các bạn trẻ ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội.

 

Giới trẻ hiện nay có nhận thức về bảo vệ môi trường, không thích cưỡi voi nên đăng ký tham gia tour du lịch này”, ông Phương nói và cho biết thêm nhận thức của du khách đã ngày càng thay đổi. Việc này đã góp phần giúp bảo vệ đàn voi nhà đang ngày càng suy giảm.

 

Sau thời gian hoạt động hiệu quả, hiện Vườn Quốc gia Yók Đôn đang soạn thảo chương trình cho 5 năm tiếp theo để đề nghị Tổ chức Động vật hoang dã Châu Á tiếp tục tài trợ.

 

“Việc triển khai mô hình đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho đàn voi nhà. Tuy nhiên khi thực hiện cũng có một số khó khăn như, người quản tượng phải đi theo voi cả ngày trong rừng. Voi khi thả về tự nhiên sẽ phá hoại hoa màu của các hộ dân canh tác xung quanh Vườn Quốc gia. Thiếu hụt nguồn thức ăn, nước uống cho voi”, ông Phương chia sẻ.

 

Là một trong những người đầu tiên tham gia mô hình du lịch voi thân thiện, nài voi Y Vi Si Niê (ngụ xã Krông Ana) cho biết, sau 5 năm triển khai voi được sống trong tự nhiên sức khỏe đã cải thiện rõ rệt, khỏe mạnh hơn xưa.

 

Theo nài voi Y Vi Si Niê, việc chuyển đổi mô hình du lịch thì gia đình vẫn có thu nhập thường xuyên và bảo vệ sức khỏe cho voi. Vì voi lâu nay được gia đình xem như thành viên trong nhà.  

 

“Dịch vụ cưỡi voi có mức thu nhập nhiều hơn nhưng sức khỏe voi không đảm bảo. Mô hình du lịch thân thiện với voi thu nhập vẫn có mặt dù ít hơn mà sức khỏe voi được đảm bảo, tuổi thọ kéo dài. Nhận thức được lợi ích này, hiện nay có nhiều hộ dân xung quanh đã liên hệ với Vườn Quốc gia Yók Đôn để đưa voi tham gia mô hình”, nài voi Y Vi Si Niê nói.

 

Để bảo tồn đàn voi nhà, UBND tỉnh Đăk Lăk đã phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật hỗ trợ việc thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi trên địa bàn tỉnh. Dự án hướng đến kết quả chủ yếu là mô hình du lịch thân thiện với voi được thực hiện trên địa bàn huyện Buôn Đôn và huyện Lắk, thay thế hoàn toàn cho hình thức du lịch cưỡi voi; giúp đàn voi nhà được bảo tồn, chăm sóc, bảo đảm phúc lợi, kéo dài tuổi thọ.

 

Bên cạnh đó, chủ và đàn voi được bù đắp nguồn thu nhập bị thiếu hụt do dừng hoạt động phục vụ cưỡi voi cho du khách; các trung tâm du lịch được hỗ trợ kỹ thuật để chuyển đổi sang mô hình du lịch thân thiện với voi; thành lập hợp tác xã du lịch nhằm quản lý, vận hành mô hình du lịch thân thiện với voi tại huyện Lăk; hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ và bảo tồn loài voi được phổ biến lan tỏa hiệu quả cao tới các tầng lớp xã hội, cộng đồng.

 

Trước đó, UBND tỉnh Đăk Lăk phê duyệt khoản viện trợ hỗ trợ của Tổ chức Động vật châu Á với tổng giá trị hơn 55,4 tỉ đồng, tương đương 2,43 triệu USD để hỗ trợ việc thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi.

Bình luận