SGI Capital: Thị trường sẽ bước vào giai đoạn phân hoá

Bình luận · 186 Lượt xem

Trong vài tuần tới, thị trường vẫn sẽ thận trọng khi chưa đánh giá được việc hút thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước (SBV) sẽ làm tăng các lãi suất ngắn hạn lên bao nhiêu, kéo dài trong bao lâu, tác động như thế nào tới lãi

Theo SGI Capital, thị trường chứng khoán toàn cầu tháng 9 có sự đồng pha với: S&P 500 của Mỹ giảm 4,87%, Châu Âu Stoxx 50 giảm 2,85%, Kospi (Hàn Quốc) giảm 3,57%, Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 0,3% trong khi VN-Index giảm mạnh nhất với mức giảm 5,71%.

 

Thị trường tài chính thế giới bắt đầu chuyển tâm điểm trong tháng vừa qua vào USD index và lợi tức trái phiếu của các quốc gia phát triển. Cả hai đều đã tăng mạnh trong bối cảnh FED và ECB vẫn đang hút tiền về ở tốc độ cao nhất. Hệ quả điều kiện tài chính trở nên khó khăn, tác động trước hết vào các nhóm doanh nghiệp nhỏ và những cá nhân không cố định được khoản vay lãi suất thấp trong giai đoạn COVID.

 

Những vết rạn nứt đang dần xuất hiện trong thị trường lao động Mỹ, qua đó ảnh hưởng trực tiếp tới tiêu dùng và thị trường nhà đất (vốn đang đóng băng do lãi suất mortgage cho người mua mới ở mức cao lịch sử). Trước hết, số việc làm mở mới đang dần ít đi trong khi đình công và áp lực tăng lương ở nhiều ngành đã xuất hiện do người lao động đã tiêu hết phần trợ cấp của giai đoạn COVID. Hệ quả sau đó nếu thất nghiệp tăng sẽ làm giảm chi tiêu, tạo sức ép bán nhà và tài sản tài chính.

 

Trong ngắn hạn, diễn biến giá dầu tăng mạnh gần đây đang tạo sức ép lạm phát cho nhiều quốc gia, hạn chế đáng kể khả năng giảm lãi suất để kích cầu của các NHTW. Mặc dù còn có nhiều quan điểm, nhưng SGI duy trì kịch bản cơ sở của SGI từ ba tháng trước là FED sẽ không tiếp tục nâng lãi suất.

 

Tuy nhiên, lợi tức trái phiếu Mỹ vẫn chịu sức ép tăng và neo cao do lượng phát hành rất lớn của chính phủ Mỹ bù đắp cho thâm hụt ngân sách kỷ lục. Cả USD Index và lợi tức trái phiếu cùng tăng đang hút dòng vốn toàn cầu về Mỹ, gây sức ép lên dòng vốn FII tại các thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam.

 

Đối với thị trường Việt Nam, trong khi một số chỉ tiêu vĩ mô bắt đầu có cải thiện như cán cân xuất nhập khẩu, FDI, doanh số bán lẻ, thì lạm phát 3 tháng qua đã tăng mạnh trở lại cùng với lạm phát lõi neo cao đang thu hẹp dư địa hỗ trợ kinh tế qua chính sách tiền tệ của SBV. Thâm hụt ngân sách tăng về cuối năm theo đà giải ngân đầu tư công cũng sẽ khiến nhu cầu phát hành trái phiếu dự kiến tăng 10% trong 2024 và lợi suất TPCP tăng lên trong những tháng tới.

 

Lãi suất ngắn và dài hạn hạ nhanh đã tạo chênh lệch gap âm lớn giữa lãi suất VND với lãi suất các đồng tiền mạnh như USD, EUR và cả các đồng tiền trong khu vực. Điều này góp phần, cùng với đà tăng của USD index, tạo áp lực lên tỷ giá trong suốt 2 tháng qua. Để giảm bớt áp lực này, SBV đã chủ động sử dụng công cụ phát hành tín phiếu và đẩy tăng lãi suất ngắn hạn từ tuần cuối tháng 9 để hạn chế các hoạt động carry trade tỷ giá. Trên thị trường trái phiếu, các lãi suất trái phiếu dài hạn cũng tạo đáy và nhích lên. Điều kiện tài chính trong quý IV sẽ không còn ở trạng thái dư thừa và nới lỏng như quý III.

 

Các diễn biến mới trên thị trường tiền tệ đã làm giảm sự hưng phấn của dòng tiền vào thị trường chứng khoán, khiến lực mua thận trọng và thanh khoản thị trường giảm dần từ cuối tháng 09/2023. Trên một nền tảng không còn thuận lợi, những cổ phiếu hút mạnh dòng tiền đầu cơ vào đẩy giá lên cao như bất động sản, chứng khoán đã giảm mạnh. Áp lực bán ròng của NĐT nước ngoài đồng thời gây sức ép lên nhóm cổ phiếu lớn khiến VNindex giảm mạnh trong tháng qua.

 

Sau pha điều chỉnh hiện tại VN-Index về sát 1.100, SGI Capital cho rằng thị trường sẽ bước vào giai đoạn phân hoá bởi: định giá thị trường đã về vùng hợp lý khi P/B ở mức 1.6x và P/E giảm về 13 lần; lãi suất vẫn còn ở vùng thấp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi; một số doanh nghiệp đã liên tục cải thiện những yếu tố cơ bản, đi qua đáy khó khăn, và tiếp tục duy trì tăng trưởng trong 2024.

 

Trong vài tuần tới, thị trường vẫn sẽ thận trọng khi chưa đánh giá được việc hút thanh khoản của SBV sẽ làm tăng các lãi suất ngắn hạn lên bao nhiêu, kéo dài trong bao lâu, tác động như thế nào tới lãi suất trái phiếu dài hạn và cả lãi suất huy động (có mối quan hệ chặt chẽ với dòng tiền và định giá thị trường).

 

Quý IV sẽ là một môi trường không quá dư thừa thanh khoản, cũng không quá tích cực về tăng trưởng, nhưng phù hợp cho sự phân hóa trong cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như diễn biến giá cổ phiếu. Nhiều cổ phiếu sẽ có đáy mới trong 2024, nhưng cũng không ít cổ phiếu có lợi nhuận và giá vượt đỉnh lịch sử. Nhịp điều chỉnh này của VN-Index sẽ mở ra cơ hội mới để lựa chọn và tích lũy cổ phiếu tốt ở định giá rẻ cho năm đầu tư mới 2024.

Bình luận