Giữ vững chất lượng vùng rau màu xuất khẩu của Hải Dương

Bình luận · 212 Lượt xem

Chủ động xây dựng được vùng nguyên liệu rau màu xuất khẩu là một trong những thành công của ngành nông nghiệp Hải Dương.

Vừa kết thúc đợt mưa lớn, vùng sản xuất cà rốt ngoài bãi sông của xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng) nhộn nhịp hơn hẳn những ngày trước đó. Tiếng máy làm đất vang vọng khắp cánh đồng báo hiệu một mùa vụ mới bắt đầu.

Tranh thủ thời tiết nắng ráo, ông Phạm Văn Hùng ở thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn nhanh chóng trồng cà rốt cho kịp thời vụ. “Cây cà rốt chủ yếu phục vụ xuất khẩu nên nông dân chúng tôi đã thay đổi cách sản xuất. Nếu như trước đây, việc phun thuốc bảo vệ thực vật không được kiểm soát, cũng không chú ý đến tên các loại thuốc thì nay đã khác. Chủ các cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật hướng dẫn nông dân chỉ phun các loại thuốc trong danh mục cho phép nhằm kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật”, ông Hùng nói.

Xã Cẩm Văn có hơn 150 ha trồng cà rốt, trong đó có gần 100 ha sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, các diện tích còn lại đều sản xuất theo tiêu chuẩn này. Vụ này, nông dân trồng cà rốt muộn hơn trước. Ngoài nguyên nhân do thời tiết đầu vụ có mưa thì trồng cà rốt sớm thường gặp phải các trận mưa lớn, nhiều đợt nông dân phải gieo trồng lại. Rút kinh nghiệm từ các vụ trước nên vụ này nông dân chỉ tập trung cho trà cà rốt chính vụ. Ông Nguyễn Văn Mịch, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Cẩm Văn cho biết: "Sản xuất cà rốt chính vụ an toàn và có chi phí ít hơn trà cà rốt sớm. Đặc biệt, khác với các loại rau màu khác, cà rốt có thể thu hoạch rải nên ít áp lực thời vụ".

Xã Lê Lợi là vùng chuyên canh rau màu lớn của huyện Gia Lộc. Xã có khoảng 100 ha trồng màu, trong đó gần 30 ha rau màu đạt chất lượng xuất khẩu, chủ yếu là su hào, cải bắp và su lơ. Hằng năm, nông dân thường trồng từ 2 - 3 vụ rau màu và 1 vụ lúa để cải tạo đất. Việc sản xuất thường theo đơn đặt hàng của thương lái và doanh nghiệp. Vùng trồng được cấp mã số để tiện quản lý, quy trình và kỹ thuật sản xuất đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu của Trung Quốc và một số nước ở khu vực Đông Nam Á.

Anh Nguyễn Văn Hoạt, Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Lê Lợi cho biết: “Rau vụ đông sớm do có giá bán cao nên thường được tiêu thụ trong tỉnh và các tỉnh, thành phố lân cận. Còn rau chính vụ thường được các thương lái thu mua để phục vụ xuất khẩu vì giá "mềm" hơn rau vụ đông sớm. Trung bình nông dân thu lãi từ 3 – 5 triệu đồng/sào trồng rau, có thời điểm cao hơn

Đến thời điểm này, nông dân trong tỉnh mới trồng được khoảng 4.000 ha cây vụ đông. Trong đó mới gieo trồng được gần 100 ha cây cà rốt, muộn hơn nhiều so với cùng kỳ nhiều năm trước. Cây cà rốt là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Nông dân đang dần thay đổi từ trà cà rốt sớm sang gieo trồng chính vụ. Điều này cho thấy, thay vì mạo hiểm với các trà rau sớm, nông dân đang quay trở lại với trà rau chính vụ, vừa an toàn, giảm chi phí và hiệu quả hơn.

Trong số các mặt hàng nông sản xuất khẩu thì cà rốt là sản phẩm chủ lực của tỉnh. Năm 2022 - 2023, khoảng 65.000 tấn cà rốt được xuất khẩu, chiếm 80% tổng sản lượng cà rốt. Ngoài thị trường chính là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, các nước khu vực Trung Đông... cà rốt còn được xuất khẩu vào các thị trường mới như Mỹ, Pháp và một số nước châu Âu với số lượng ít. Năm nay, các doanh nghiệp tiếp tục đặt mục tiêu tăng sản lượng xuất khẩu vào thị trường khó tính và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Ông Nguyễn Đức Đoàn, Giám đốc Công ty CP Chế biến nông sản Tân Hương (Cẩm Giàng), một doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản cho biết hiện thị trường chính của công ty là Hàn Quốc và một phần xuất sang Nhật Bản. Năm nay, trong bối cảnh chung của thế giới gặp nhiều khó khăn, nhất là xuất khẩu nhưng do cà rốt của Hải Dương đã từng "mở cửa" thành công tại nhiều thị trường khó tính nên doanh nghiệp cũng đặt mục tiêu xuất khẩu sang nhiều thị trường mới.

Bình luận