Đập Bàn Vàng ở xã Tiến Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An bị nước lũ cuốn trôi. |
Theo thống kê, cả nước đã xây dựng được 7.342 đập, hồ chứa thủy lợi, trong đó có 592 đập dâng có chiều cao hơn 5 m và 6.750 hồ chứa với tổng dung tích trữ khoảng 14,5 tỷ m3, tạo nguồn nước tưới cho gần 1,1 triệu ha đất nông nghiệp, cấp khoảng 1,5 tỷ m3 nước cho sinh hoạt, công nghiệp.
Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, từ năm 2003 đến nay, cả nước đã sửa chữa khoảng 1.500 hồ chứa với tổng kinh phí khoảng 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn 337 hồ chứa ở 33 địa phương bị hư hỏng nặng chưa được bố trí nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp, trong đó, tỉnh Hòa Bình có 44 hồ chứa, Tuyên Quang 17, Thanh Hóa 16, Quảng Trị 25, Hà Tĩnh 45, Lâm Đồng 19…
Nghệ An là một trong những địa phương có hệ thống hồ, đập khá lớn nhưng phần lớn trong số này là hồ đập nhỏ, được xây dựng thủ công từ những năm 1970 và 1980. Mặc dù những năm qua, từ nguồn hỗ trợ của Trung ương, cùng tỉnh và các địa phương đã dành một khoản ngân sách không nhỏ cho việc sửa chữa, nâng cấp, nhưng đến nay vẫn còn hơn 700 hồ chưa có kinh phí để sửa chữa, nâng cấp. Trong số đó có nhiều hồ, đập bị xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão.
Theo Cục Thủy lợi, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được bố trí 3.800 tỷ đồng để sửa chữa nâng cấp 30 công trình hồ chứa thủy lợi, đập. Trong khuôn khổ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Chính phủ hỗ trợ các địa phương sửa chữa, nâng cấp 68 hồ với kinh phí 1.000 tỷ đồng.
Tại huyện Tân Kỳ, trong 100 hồ đập, phần lớn đều xây dựng từ thế kỷ trước nên nhiều hồ, đập đang bị xuống cấp, hư hỏng. Điển hình như hồ chứa Mai Tân ở xã Nghĩa Hoàn có dung tích khoảng 0,9 triệu m3, phục vụ nước tưới cho gần 100 ha lúa. Tuy nhiên, hồ chứa được xây dựng từ những năm 1980, thân đập chủ yếu đắp thủ công, hiện nay mái kè xuất hiện nhiều điểm sụt lún và hở hàm ếch. Vào mùa mưa, nguy cơ vỡ đập đe dọa 800 hộ dân hạ lưu của các xóm Tiến Thành, Đồng Tâm, Mai Tân, Xuân Sơn.
Ông Nguyễn Tiến Thành, xóm Đồng Tâm cho biết: “Cứ đến mùa mưa bão là những gia đình sống dưới vùng hạ lưu đều lo lắng và luôn phải chuẩn bị phương án sơ tán”. Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hoàn Nguyễn Đình Hưng thông tin thêm: “Địa phương có ba hồ, đập tưới cho 200 ha lúa và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân cũng như gia súc trên địa bàn. Hiện hồ chứa Rú Mồ đang được nạo vét, tu sửa thân đập, hai hồ, đập còn lại lớn hơn đã xuống cấp, trong đó có hồ chứa Mai Tân. Mỗi khi mùa mưa bão đến, lực lượng thường trực của địa phương phối hợp ngành thủy lợi canh gác các đập này để đề phòng bất trắc cùng phương án bốn tại chỗ nếu khi có sự cố xảy ra…”.
Cục Thủy lợi cho rằng, các hồ chứa xuống cấp, hư hỏng nặng tập trung vào nhóm hồ vừa và nhỏ. Các hồ này chủ yếu được xây dựng đã lâu, từ những năm 1970 và 1980, trong điều kiện kinh tế khó khăn, kỹ thuật hạn chế, thiếu kinh phí bảo trì, sửa chữa nâng cấp; việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật về quản lý an toàn hồ chứa nước, đập còn hạn chế. Năng lực chuyên môn của cán bộ khai thác hồ chứa, đập đối với các doanh nghiệp cơ bản có năng lực, được đào tạo đáp ứng các yêu cầu quản lý, khai thác nên bảo đảm an toàn, phát huy tối đa hiệu quả trong phục vụ sản xuất, dân sinh.
Tuy nhiên, với cấp huyện, xã được giao khai thác đập, hồ chứa thủy lợi lớn, vừa và nhỏ, nhiều nơi chưa thành lập được tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý, khai thác theo quy định; lực lượng cán bộ, công nhân quản lý, vận hành còn thiếu và năng lực hạn chế.
Để bảo đảm an toàn hồ chứa thủy lợi, đập trong mùa mưa lũ 2023 và những năm sau đó, Cục trưởng Thủy lợi Nguyễn Tùng Phong cho rằng, các địa phương cần tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng các đập, hồ chứa thủy lợi; bố trí kinh phí sửa chữa ngay các công trình, hạng mục công trình có nguy cơ mất an toàn cao; sắp xếp thứ tự ưu tiên để sửa chữa nâng cấp các công trình, hạng mục công trình còn lại.
Đồng thời rà soát phương án ứng phó thiên tai, tình huống khẩn cấp cho công trình và vùng hạ du đập; trong đó, lưu ý các kịch bản vận hành hồ chứa ứng phó mưa, lũ xảy ra với cường độ lớn, cực đoan; thực hiện chuyển đổi số trong quản lý, điều tiết nguồn nước; ứng phó thiên tai liên quan nước, thích ứng biến đổi khí hậu; giám sát, quan trắc an toàn cho hệ thống hồ, đập; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý, vận hành các hồ chứa, đập bảo đảm an toàn công trình và hạ du; nâng cao chất lượng kiểm định, đánh giá an toàn đập; đánh giá khả năng thoát lũ vùng hạ du đập, giải pháp ứng phó, nhất là các hồ chứa lớn mà hạ du không bảo đảm khả năng thoát lũ; đẩy nhanh sửa chữa nâng cấp hồ chứa thủy lợi, đập do địa phương quản lý...■