Tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Giang đang hình thành những vùng trồng cây đặc sản chuyên canh cho giá trị kinh tế cao. Đó phần lớn là những giống cây bản địa như mận máu ở Hoàng Su Phì, lê ở Đồng Văn, chè Shan tuyết tập trung nhiều ở vùng cao nguyên phía Tây... Đây là thành quả từ Nghị quyết số 17 ngày 10/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.
Ông Hoàng Hải Lý, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang cho biết, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết, bước đầu đã xác định được vùng sản xuất tập trung. Trong đó nhiều giống cây bản địa đặc sản đã cho giá trị kinh tế cao. Các địa phương cũng xây dựng được thương hiệu và khai thác chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chè Shan tuyết, hồng không hạt, gạo già dui, thảo quả; chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm mận máu Hoàng Su Phì, sản phẩm lê Đồng Văn...
Cây mận máu là giống cây bản địa đang được phát triển, mở rộng diện tích tại 2 huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần. Hiện nay, toàn tỉnh Hà Giang có khoảng 685ha mận máu, tăng 218ha so với năm 2020. Diện tích mận cho thu hoạch gần 200ha, sản lượng 838 tấn, tăng gần 104 tấn so với năm 2020; giá trị sản xuất ước đạt hơn 25 tỷ đồng, giá trị tăng thêm hơn 10 tỷ đồng so với thời điểm năm 2020.
Hiện nay, huyện Hoàng Su Phì có trên 400ha mận máu, sản lượng bình quân đạt khoảng 700 tấn/vụ. Diện tích mận tập trung ở các xã có khí hậu mát mẻ như Chiến Phố, Thàng Tín, Pố Lồ, Đản Ván, Thèn Chu Phìn. Mận máu Hoàng Su Phì quả mọng, vỏ đỏ, vị ngọt thanh, ít chua nên rất được thị trường ưa chuộng. Vào vụ thu hoạch, mận máu Hoàng Su Phì thường được bán với giá từ 30.000 - 50.000 đồng/kg.
Gia đình bà Tải Thị Chúm ở thôn Sưi Thầu, xã Chiến Phố (huyện Hoàng Su Phì) có hơn 2ha mận máu. Bà Chúm cho biết, trước đây khi đường giao thông đi lại khó khăn, mận máu của địa phương chưa được thị trường biết đến nhiều nên rất khó bán. Đến mùa mận chín chủ yếu phục vụ nhu cầu của gia đình và bà con hàng xóm.
Những năm gần đây, việc xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm được đẩy mạnh, giá bán mận máu cao hơn nên gia đình chủ động chăm sóc để vườn mận cho năng suất, chất lượng tốt hơn. Nhờ đó khoảng 3 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm, vườn mận máu cho gia đình bà thu nhập hơn 50 triệu đồng.
Cùng với cây mận máu Hoàng Su Phì, những giống cây bản địa đặc sản cũng được nhiều địa phương ở Hà Giang mở rộng diện tích. Như cây hồng không hạt phát triển tại huyện Yên Minh, Quản Bạ, diện tích 768ha. Cây lê được mở rộng diện tích tại 4 huyện vùng cao nguyên đá và 2 huyện phía tây với tổng diện tích hơn 1.300ha. Cây chè Shan tuyết được duy trì ổn định vùng sản xuất tập trung tại 43 xã đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý tại 6 huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Xín Mần, TP Hà Giang. Tổng diện tích chè Shan tuyết hiện có là 13.295ha…
Ngoài ra, các loài cây dược liệu, cây gia vị, lúa đặc sản… cũng được ngành NN-PTNT và các địa phương của tỉnh Hà Giang khôi phục phát triển, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm.
Ông Hoàng Hải Lý, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang cho biết, trên cơ sở vùng sản xuất, các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hàng hóa đã được tỉnh Hà Giang xác định đến năm 2025. Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương hỗ trợ người dân phát triển vùng nguyên liệu bằng các giống cây bản địa, vật nuôi có nguồn gen tốt, sản xuất tập trung thành vùng nguyên liệu, đầu tư thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ đối với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng theo chuỗi giá trị; chú trọng việc quản lý và cấp quyền khai thác có hiệu quả các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể đã được chứng nhận cho tổ chức sử dụng nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm...
Ngành nông nghiệp Hà Giang sẽ phối hợp với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam triển khai các đề tài, dự án khoa học và tiếp nhận kết quả các đề tài phục vụ cho công tác bảo tồn nguồn gen và sản xuất giống tốt; xây dựng kế hoạch hàng năm triển khai thực hiện đề án hữu cơ, trong đó tập trung sản xuất và chứng nhận tiêu chuẩn GAP và các tiêu chuẩn khác phù hợp với yêu cầu của thị trường cho các sản phẩm đã được xác định trong Nghị quyết số 17.