Ngành chăn nuôi dịch chuyển [Bài 4]: Thu hút chọn lọc các dự án chăn nuôi

Bình luận · 200 Lượt xem

Có tiềm năng phát triển các dự án chăn nuôi lợn hàng hóa quy mô lớn, nhưng tỉnh Bắc Kạn không thu hút ồ ạt mà có chọn lọc, đảm bảo đầu tư hiệu quả

16 dự án chăn nuôi lợn của 15 doanh nghiệp đăng ký đầu tư

Bắc Kạn là tỉnh miền núi nằm ở trung tâm vùng Đông Bắc Bắc Bộ, diện tích đất tự nhiên gần 486.000ha, trong đó đất lâm nghiệp chiếm hơn 85%. Trong định hướng phát triển kinh tế, nông lâm nghiệp đóng vai trò quan trọng, trong đó tập trung vào trồng rừng và phát triển công nghiệp chế biến gỗ.

 

Suốt thời gian dài, lĩnh vực chăn nuôi chưa phát triển, quy mô nhỏ lẻ, từ năm 2020 trở về trước, tỉnh Bắc Kạn chỉ có 2 doanh nghiệp và 30 hợp tác xã chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ. Nhưng từ năm 2021 đến nay chứng kiến làn sóng các doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi vào địa phương này.

 

Cụ thể, chỉ hơn 2 năm, đã có tới 16 dự án chăn nuôi lợn của 15 doanh nghiệp, hợp tác xã được UBND tỉnh Bắc Kạn chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 1.800 tỷ đồng. 16 dự án này có quy mô 20.000 lợn nái và 249.000 lợn thịt/năm.

 

Đến nay, toàn tỉnh Bắc Kạn có 8 dự án hoàn thành và đi vào hoạt động như: Dự án đầu tư chăn nuôi lợn sinh sản công nghệ cao của Công ty cổ phần đầu tư phát triển nông nghiệp Bắc Kạn; Dự án đầu tư trang trại nuôi lợn thương phẩm, lợn nái ngoại thuần của Công ty TNHH Nam Huế; Dự án trại lợn giống và lợn thịt siêu nạc của Công ty CP sản xuất vật liệu xây dựng Bắc Kạn…

 

Các dự án chăn nuôi lợn sau khi đi vào hoạt động, phần nào phát huy được hiệu quả, góp phần phát triển chăn nuôi lợn theo hướng tập trung trên địa bàn. Tổng đàn lợn của các doanh nghiệp, hợp tác xã chiếm hơn 20% tổng đàn lợn toàn tỉnh.

 

Lý giải về làn sóng đầu tư dự án chăn nuôi vào tỉnh Bắc Kạn, một số chuyên gia cho rằng, dư địa phát triển chăn nuôi lợn tại Bắc Kạn là khá lớn, quỹ đất còn tương đối nhiều. Đặc biệt, sau khi Luật Chăn nuôi năm 2018 ra đời và một số quy định về khoảng cách từ trang trại chăn nuôi đến khu dân cư xa hơn (Từ trang trại chăn nuôi quy mô lớn đến khu dân cư tối thiểu là 400 mét. Đối với trường học, bệnh viện, chợ, nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho cộng đồng dân cư tối thiểu là 500 mét) khiến cho nhiều doanh nghiệp tìm đến Bắc Kạn đầu tư vì các tỉnh miền xuôi có mật độ dân số cao khó đáp ứng quy định này.

 

Ông Đinh Quang Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Bắc Kạn đánh giá, hiện Bắc Kạn là tỉnh có dư địa phát triển chăn nuôi lớn trong khu vực và cả nước. Bắc Kạn có điều kiện đất đai rộng, quỹ đất dành cho chăn nuôi lớn, dân cư thưa, tỷ lệ che phủ rừng cao (hơn 73%) nên sẽ giảm được mức độ ảnh hưởng đến môi trường so với các tỉnh khác. Do đó, thời gian qua có nhiều doanh nghiệp tìm đến để đầu tư, chủ yếu là các dự án chăn nuôi lợn.

Thực tế còn nhiều bất cập

Dù đã đạt được kết quả nhất định, nhưng thực tế cho thấy, phát triển chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Tỉnh chưa có quy hoạch chi tiết vùng chăn nuôi tập trung để các chủ đầu tư chủ động trong việc lựa chọn địa điểm thực hiện dự án.

 

Hiện nay, đầu tư chăn nuôi lợn được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn, giảm tiền thuê đất nên đóng góp cho ngân sách địa phương không đáng kể.

 

Ông Nông Quang Nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, hai năm trở lại đây, khi làn sóng đầu tư chăn nuôi dịch chuyển từ các tỉnh miền xuôi lên các tỉnh miền núi, ban đầu Bắc Kạn chưa có nhiều sự lựa chọn.

 

Hầu hết, những dự án đã triển khai vẫn có quy mô vừa và nhỏ, chưa thu hút được những doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Các doanh nghiệp mới chỉ dừng ở việc chăn nuôi, chưa có khu giết mổ, chế biến sâu các sản phẩm từ thịt lợn để gia tăng giá trị, trên địa bàn tỉnh cũng chưa có nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi.

 

Trong một khảo sát mới đây, HĐND tỉnh Bắc Kạn đánh giá, do lao động địa phương chưa được đào tạo kỹ thuật chăn nuôi nên các doanh nghiệp hầu hết sử dụng lao động là người ngoài tỉnh. Mục tiêu tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương chưa thực hiện được.

 

Khi mà các dự án chăn nuôi lợn chưa có nhiều đóng góp, lo ngại về môi trường luôn thường trực. Theo kết quả giám sát của HĐND tỉnh Bắc Kạn, kiểm tra 5 dự án đang hoạt động có 4 dự án thuộc đối tượng chăn nuôi quy mô lớn nhưng chỉ duy nhất 1 dự án được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi quy mô lớn.

 

Hầu hết, các trang trại nuôi lợn đã đi vào hoạt động đều có kiến nghị của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường. Trong đó, cử tri đã nhiều lần phản ánh Dự án đầu tư trang trại nuôi lợn thương phẩm, lợn nái ngoại thuần tại tổ 1A, phường Đức Xuân (TP. Bắc Kạn) gây ô nhiễm không khí.

 

Dự án trại lợn giống và lợn thịt siêu nạc tại thôn Nà Ngài, xã Thanh Thịnh (huyện Chợ Mới) không đủ điều kiện về khoảng cách với khu dân cư; Dự án trại lợn thịt siêu nạc tại xã Mỹ Thanh (huyện Bạch Thông) không đủ điều kiện về cách xa nguồn nước, có nguy cơ cao gây ô nhiễm dòng sông Cầu. Mặc dù Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra và xử lý vi phạm, doanh nghiệp đã khắc phục nhưng vẫn chưa được triệt để.

Không thu hút quá nhiều dự án chăn nuôi lợn

Thời gian gần đây, huyện Na Rì là địa phương được nhiều doanh nghiệp tìm hiểu thực hiện dự án chăn nuôi lợn. Đến nay, đã có 4 dự án được cấp phép, trong đó 1 dự án đã hoạt động (quy mô 2.500 lợn nái/năm), 2 dự án đang triển khai thi công các hạng mục và 1 dự án đang hoàn thiện thủ tục về đất đai.

 

Ông Lương Thanh Lộc, Phó Chủ tịch UBND huyện Na Rì cho biết, huyện đang trong giai đoạn đánh giá hiệu quả của những dự án đã cấp phép sau đó mới có chủ trương tiếp theo. Quan điểm của huyện là không thu hút quá nhiều dự án chăn nuôi lợn, chỉ những khu vực xa khu dân cư, đảm bảo về môi trường, khu vực đất sản xuất nông, lâm nghiệp hiệu quả thấp huyện mới xem xét cho các doanh nghiệp đầu tư.

 

Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Kạn cũng cho biết, đơn vị đã kiến nghị hạn chế hoặc không chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án chăn nuôi lợn chưa có trong quy hoạch. Đối với các dự án triển khai chậm, hoặc không triển khai sẽ đề nghị tỉnh chấm dứt hoạt động, thu hồi đất đã giao để thực hiện dự án ở lĩnh vực khác.

 

Ông Nông Quang Nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn thông tin, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành rà soát toàn bộ các dự án chăn nuôi lợn, đánh giá cụ thể hiệu quả, hạn chế trong thời gian qua để xây dựng quy định cụ thể các tiêu chí, điều kiện trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Bình luận