Những thất thu không đáng có trong sản xuất giống rau

Bình luận · 230 Lượt xem

Tỷ lệ thất thu trong sản xuất giống rau ở nước ta vào khoảng 30% tổng giá trị sản xuất do rất nhiều nguyên nhân không đáng có.

Nhiều vườn ươm thất thu lớn

Lâu nay các hộ sản xuất giống rau đã mặc nhiên thừa nhận, số lượng cây giống xuất tại vườn đạt khoảng 60% so với số hạt giống gieo ươm được coi là thành công. Nhiều khi với những giống rau có giá trị kinh tế cao như dưa lưới, ớt chuông, cà chua... tỷ lệ này chỉ đạt 30 - 40% cũng hài lòng, vì những cây rau này dễ bị nhiễm các bệnh "nan y", dẫn đến đội giá thành sản xuất, giảm thu nhập.

 

Trong khuôn khổ dự án "Nông nghiệp thông minh cho thế hệ tương lai" do Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) hỗ trợ triển khai ở Mộc Châu (Sơn La), 2 vườn gieo ươm giống rau của ông Nguyễn Trọng Tú (thị trấn Nông Trường) và Thái Thị Vân (xã Đông Sang) cũng bị thiệt hại hàng vạn cây rau giống do thời tiết và sâu bệnh hại, mặc dù đã được dự án tập huấn kỹ thuật ghép để nhân giống cây rau và hỗ trợ nâng cấp nhà lưới, nhà màng, cùng các thiết bị và đồ dùng gieo ươm rau giống.

 

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Yên Phú (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) cho biết cách nay 2 năm, HTX trồng giống ớt chuông cũng bị thất thu hơn 10 triệu đồng, nên từ đó tới nay, HTX nghỉ hẳn việc đưa vào cơ cấu gieo trồng ớt chuông.

 

Ông Lê Văn Nghiêm (cùng ở xã Yên Phú) là hộ sản xuất giống rau lâu năm cũng bị chết toàn bộ 360m2 ớt chuông đang thời kỳ đơm hoa, kết trái. Ngoài ra, với các cây rau giống thông dụng khác như bắp cải, su hào, sup lơ... ông Nghiêm cũng chỉ đạt được tỷ lệ xuất vườn chừng 60 - 70% so với số lượng hạt giống được gieo. "Vào những mùa vụ thời tiết xấu, tỷ lệ này thậm chí chỉ còn 40 - 50%, kể cả đã làm mái che hoặc vòm phủ vải không dệt", ông Nghiêm cho biết.

 

Ông Nguyễn Thái Thịnh, chuyên gia kỹ thuật của dự án FAO cho biết, không riêng ở miền Bắc, sản xuất cây rau giống ở Đà Lạt (Lâm Đồng) cũng không phải ngoại lệ nêu trên, nhất là với các cây rau có giá trị kinh tế cao. 

 

Nguyên nhân không đáng có

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến giảm tỷ lệ sống của cây rau giống, như chất lượng hạt giống kém, tỷ lệ nảy mầm thấp... Bên cạnh đó, còn một phần nguyên nhân do sử dụng các giống rau truyền thống, không sạch bệnh, nhưng cơ bản vẫn do nguồn giống từ các công ty cung ứng không đảm bảo chất lượng, cũng có thể do hạt giống tốt nhưng khả năng kháng bệnh kém.

 

Cùng với đó, còn do các nhà vườn gieo ươm giống trực tiếp trên nền đất và gieo trên giá thể chưa qua vệ sinh, khử trùng hết mầm bệnh, bao gồm cả việc chưa khử trùng các dụng cụ, vật tư sản xuất (phân bón, nước tưới, khay và đồ dùng gieo hạt, nhà màng, nhà lưới...) dẫn đến nấm bệnh lưu cữu trong nhà vườn, trên đồng ruộng suốt từ mùa vụ này sang mùa vụ khác.

 

Mức độ thiệt hại đặc biệt lớn đối với các loại rau có giá trị kinh tế cao, kể cả khi chất lượng các loại hạt giống này tốt nhưng không có khả năng kháng các loại bệnh trong đất thì nguy cơ bị bệnh sau xuống giống là rất lớn.

 

Cây ghép cũng có thể bị chết do điều kiện thời tiết bất thuận và canh tác không đúng quy trình kỹ thuật. Ngoài ra còn do sử dụng thuốc BVTV phòng bệnh không đúng lúc, đúng thuốc, đúng cách và đúng liều lượng khuyến cáo. Trong đó có một số bệnh khó khắc phục nhất trên cây rau gồm: Bệnh héo cây do nấm Fusarium gây hại; bệnh héo xanh do vi khuẩn Ralstonia gây nên; bệnh xoăn vàng lá trong nhóm rau họ cà do virus (TYLCV) gây ra. Các bệnh này thường lưu truyền qua nước tưới, tàn dư thực vật và đất trồng.

 

Giải pháp phòng ngừa

Trước thực trạng trên, Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) đã hoàn thiện quy trình công nghệ canh tác một số giống rau cà chua, ớt chuông, dưa lê Hàn Quốc, cải canh, xà lách. Bước đầu, Viện đã phối hợp với FAO nghiên cứu và đề xuất được một số loại giống gieo làm cây gốc ghép trên cây rau, đi kèm nhà ghép rau giống công nghệ cao, cho phép ghép các giống rau có giá trị kinh tế cao đạt tỷ lệ sống trên 90% như cà chua, ớt chuông và dưa lưới.

 

Qua sự thành công của quy trình công nghệ này cho thấy, để việc gieo ươm cây giống rau đạt hiệu quả cao, giảm tỉ lệ thiệt hại, quan trọng nhất vẫn cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của "4 nhà".

 

- Nhà khoa học, bao gồm cán bộ khuyến nông các cấp cần tăng cường công tác tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất rau giống cho người dân và xây dựng kịp thời các quy trình công nghệ canh tác sản xuất các cây giống nói chung, cây rau giống nói riêng. Đặc biệt là kỹ thuật ghép cây giống đối với các loại rau có giá trị kinh tế cao, kết hợp chọn tạo, đề xuất được các cây gốc ghép chuyên biệt trên cây rau giống, có khả năng chống chịu cao với những bệnh hại do nấm, vi khuẩn và virus trong đất, qua đó phổ biến ra sản xuất đại trà và khuyến khích sử dụng cây giống rau ghép trong sản xuất thương phẩm.

 

- Các cơ sở sản xuất cây rau giống ngoài việc áp dụng công nghệ sản xuất giống ghép, cần vệ sinh, khử trùng triệt để vườn ươm, giá thể và dụng cụ gieo ươm như phân bón, xơ dừa, đất trộn vào giá thể, khay đựng cây, dụng cụ cắt ghép, thiết bị tưới nước, bón phân. Cần đầu tư nhà lưới làm vườn ươm cách ly với các nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài. Tốt nhất nên đầu tư thiết bị xử lý diệt trùng giá thể ươm giống, giúp đảm bảo nguồn vật tư đầu vào sạch bệnh.  

 

Đối với người sản xuất rau thương phẩm, phải tuân theo nguyên tắc không canh tác liên tục các loại rau cùng họ để tránh truyền cùng một loại bệnh từ cây trồng vụ trước sang vụ sau. Thu gom, xử lý triệt để mọi tàn dư thực vật. Nên sử dụng cây giống chất lượng cao, khoẻ, sạch bệnh. Đặc biệt với các loại rau có giá trị kinh tế cao phải sử dụng cây giống ghép có khả năng kháng hoặc chống chịu tốt các đối tượng dịch hại nguy hiểm.

 

Lưu ý: Tốt nhất nên thiêu đốt các tàn dư thực vật sau vệ sinh vườn, ruộng thay vì chôn lấp, đặc biệt là đối với các cây rau họ cà (cà chua, khoai tây, cà bát, cà pháo, cà tím, ớt chuông, ớt cay); họ bầu bí (bầu, bí, mướp, dưa chuột, dưa hấu); họ rau thập tự (súp lơ, bắp cải, su hào, cải thảo, cải bẹ, cải ngồng, cải canh, cải xoăn, cải ngọt, cải mào gà).

 

- Nhà nước cần tăng cường công tác khảo nghiệm, đánh giá, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc cung ứng giống và các loại vật tư phục vụ sản xuất rau như phân hữu cơ vi sinh, trùn quế, xơ dừa, thuốc BVTV các loại... và có chế tài xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức cung ứng giống và vật tư sản xuất rau không đảm bảo chất lượng.

 

- Doanh nghiệp phải đảm bảo chất lượng hạt giống và vật tư phục vụ sản xuất trước khi đưa ra thị trường. Đồng thời tích cực phối hợp với các cấp ngành chuyên môn, hướng dẫn, phổ biến quy trình kỹ thuật gieo trồng rau giống và rau thương phẩm tới các hộ dân.

 

Nếu các cấp ngành, các vùng sản xuất giống rau, rau thương phẩm trong cả nước cùng đồng hành thực hiện tốt các giải pháp nêu trên, tỷ lệ xuất vườn của cây rau giống sẽ đạt từ 90 - 95%, tương ứng nhà nông sẽ tăng thêm giá trị lợi nhuận khoảng 30%. Đây là con số có ý nghĩa lớn, giúp giảm giá thành cây giống, tăng hiệu quả sản xuất, thúc đẩy ngành sản xuất rau nước ta phát triển bền vững.

Nguyễn Hải Tiến

 

Bình luận