Đáp ứng được tiêu chí xuất khẩu
Hiện nay, nông sản Việt Nam được xuất khẩu đi khắp các thị trường trên thế giới. Tuy nhiên, mỗi thị trường có một tiêu chí chất lượng riêng. Vì vậy, tiêu chuẩn đặt ra chính là sản xuất theo tiêu chuẩn cao nhất của mỗi loại nông sản.
Theo ông Phạm Quốc Liêm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Unifarm, để sản xuất được những sản phẩm nông nghiệp đủ điều kiện phục vụ thị trường nội địa cũng như xuất khẩu, đặc biệt là xuất sang các thị trường khó tính, khâu đầu tiên là người dân cần phải biết trồng cây gì.
Đồng thời, phía doanh nghiệp xuất khẩu muốn chọn lựa được sản phẩm để sản xuất, cần tiến hành khảo sát nhu cầu thị trường và sản xuất những sản phẩm mà thị trường cần. Một sản phẩm được chọn phải vừa có thế mạnh để cung ứng tại thị trường trong nước, vừa đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần có chiến lược thâm nhập sâu và rộng hơn vào thị trường xuất khẩu. Doanh nghiệp có thể áp dụng mở rộng thị trường theo chiều sâu như đẩy mạnh lượng tiêu thụ và kim ngạch xuất khẩu đối với các đối tác truyền thống của mình.
Tại thị trường doanh nghiệp đã có sẵn đối tác cần gia tăng số lượng khách hàng bằng việc nâng cao chất lượng, mẫu mã hàng nông sản, có chính sách đãi ngộ... thể hiện ưu thế sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Với mở rộng thị trường theo chiều rộng, doanh nghiệp cần có hoạt động nghiên cứu, dự báo nắm bắt được đặc điểm, thị hiếu của từng thị trường để chào bán các sản phẩm nông nghiệp phù hợp.
Khi thực hiện các tiêu chuẩn cao nhất, nông sản Việt Nam sẽ tăng thêm cơ hội được khách hàng ưu tiên lựa chọn. Điển hình như thị trường Trung Quốc, ngay từ 10 năm trước, thị trường này là một thị trường khá dễ tính trong nhập khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam, nhưng đến thời điểm này, thị trường này đã dần nâng chất, đặt ra nhiều yêu cầu về vệ sinh thực phẩm để bảo vệ người tiêu dùng sở tại. Chính vì vậy, nếu không thực hiện tiêu chuẩn chất lượng cao, sạch, an toàn thì nông sản Việt xem như dậm chân tại chỗ trước bước tiến của người tiêu dùng, ông Phạm Quốc Liên chia sẻ thêm.
Nhiều cơ hội từ cấp mã số
Vấn đề được người tiêu dùng quan tâm lớn nhất khi chấp nhận một sản phẩm thực phẩm vẫn là truy xuất nguồn gốc. Từ đây, độ an toàn của sản phẩm sẽ được xác thực và niềm tin được xây dựng. Do đó, các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cao nhất gắn liền với một vùng chuyên canh có mã số vùng trồng sẽ được khách hàng thế giới nhớ đến lâu hơn, gợi nhắc trong giỏ hàng nhiều hơn.
Nói đến điều này, hiện nay, Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã tiến hành ban hành văn bản về quản lí vùng trồng nhãn và thanh long xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Thị trường Nhật Bản được xếp vào thị trường khó tình nhất nhì trên thế giới. Mỗi loại sản phẩm muốn tiến vào thị trường này phải đảm bảo đáp ứng hơn 100 tiêu chí về an toàn thực phẩm và vi sinh do thị trường này đưa ra.
Đại diện Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, 2 vùng trồng nhãn xuất khẩu tại huyện Xuyên Mộc với tổng diện tích hơn 40 ha đã đáp ứng yêu cầu nhập khẩu của Nhật Bản và được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng nhãn xuất khẩu thị trường Nhật Bản. Đây là tín hiệu đáng mừng cho những nỗ lực sản xuất sạch của nông dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong thời gian qua.
Theo ông Phan Thế Hoành, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Nhân Tâm, với sự hướng dẫn của Chi cục trồng trọt tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, các thành viên trong hợp tác xã sẽ được Chi cục trồng trọt tập huấn, hướng dẫn về các quy định của Nhật Bản về các yêu cầu nhập khẩu đối với trái nhãn
Người trồng nhãn phải có sự liên kết, phối hợp, chung tay để bảo đảm các điều kiện duy trì mã số, đảm bảo sản phẩm sản xuất ra phải đồng đều về chất lượng và mẫu mã. Những đối tượng sinh vật gây hại mà phía Nhật Bản quan tâm, từ cán bộ kỹ thuật, người trồng phải nắm rất rõ và có biện pháp phòng chống ngay từ khâu trước khi thu hoạch.
Không riêng nông dân tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hướng đến các tiêu chuẩn sản xuất cao để phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu. Tại tỉnh Đồng Nai, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cũng đang hướng đến xây dựng những vùng chuyên canh cây trồng theo hướng GAP (thực hành nông nghiệp tốt) và hướng hữu cơ.
Cụ thể, nhiều người dân tại tỉnh Đồng Nai đang ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để chuyển đổi, phát triển sản xuất an toàn, theo hướng hữu cơ để đạt nhiều mục tiêu lớn như: đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng và cải thiện môi trường tự nhiên; sản phẩm có đầu ra bền vững hơn...
Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Công Khánh, Phó giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phương Nam (xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất) cho biết, đặc điểm của cây rau cần nước là phải sống trong môi trường nước sạch, nước càng sạch thì rau càng đẹp và ngon. Các thành viên trong hợp tác xã tích cực tham gia phát triển cánh đồng rau cần nước được cấp chứng nhận VietGAP. Trước đây, rau do Hợp tác xã Nông nghiệp Phương Nam sản xuất chủ yếu bán cho thương lái. Hiện nay, nhờ sản phẩm có chứng nhận sản xuất an toàn, hợp tác xã cũng có thêm kênh tiêu thụ ổn định là chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây
Bước tiếp theo của Hợp tác xã Phương Nam là xây dựng thương hiệu rau cần nước Gia Kiệm bằng chất lượng để có cơ hội mở rộng kênh tiêu thụ cho sản phẩm này như: siêu thị, các doanh nghiệp chế biến rau, thậm chí có thể xuất khẩu. Đồng thời, hợp tác xã cũng đang tìm hiểu để tham gia các sàn thương mại điện tử để quảng bá và tìm thêm kênh tiêu thụ cho sản phẩm. Với chất lượng sản xuất đạt tiêu chuẩn này, hợp tác xã cũng dần hướng đến các tiêu chuẩn cao hơn để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, ông Nguyễn Công Khánh cho biết thêm.
Ông Nguyễn Đình Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai cho biết, huyện Thống Nhất tập trung sản xuất nhiều loại cây trồng cung ứng cho xuất khẩu như hồ tiêu, mít, chôm chôm,… Trong giai đoạn 2021-2030, huyện Thống Nhất quy hoạch 23 vùng sản xuất tập trung, diện tích gần 3 ngàn ha, 5 vùng sản suất nông nghiệp công nghệ cao, diện tích 15ha, 9 vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, diện tích gần 71 ha.
Trên cơ sở quy hoạch các vùng sản xuất tập trung đạt chuẩn an toàn, địa phương rất quan tâm hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác làm chứng nhận sản phẩm GAP, hữu cơ, đạt chứng nhận OCOP… Với những vùng sản xuất này, huyện Thống Nhất có thể góp phần thêm nguồn nông sản chất lượng cho ngành nông nghiệp phục vụ xuất khẩu trong thời gian tới.