Nông dân Đại Từ ấm no nhờ cây chè sạch

Bình luận · 113 Lượt xem

Kinh doanh xanh | Thứ hai, 2/10/2023 | 07:49 GMT+7 Xác định phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, là trụ đỡ kinh tế trong giai đoạn hiện nay, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục khai thác tối đa lợi thế của huyện trong

Với diện tích trên 6.600ha, từ nhiều năm nay, chè đã trở thành cây trồng chủ lực trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở huyện Đại Từ. Thời gian qua, huyện luôn dành những nguồn lực đáng kể hỗ trợ các chủ thể sản xuất - kinh doanh chè, nhất là các HTX, góp phần đưa cây chè Đại Từ phát triển về diện tích và nâng cao chất lượng, giúp xóa đói, giảm nghèo từ sản phẩm chủ lực này.

"Điểm tựa" giảm nghèo, làm giàu

Xác định xây dựng và phát triển chuỗi liên kết sản phẩm nông nghiệp chủ lực là giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, huyện Đại Từ đã hỗ trợ các HTX hệ thống máy sao chè bằng gas, lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm. Qua đó góp phần nâng tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu chế biến chè của toàn huyện đạt 100%, khâu bảo quản sản phẩm đạt trên 65%.

Là một trong số các HTX được hỗ trợ, chị Hà Thị Yến, Giám đốc HTX chè Hải Yến, xã Phú Thịnh, chia sẻ: Thông qua Dự án, các thành viên HTX được tập huấn nâng cao kiến thức, hỗ trợ kinh phí để thực hiện quy trình trồng, chăm sóc, thu hái chè theo quy chuẩn VietGAP.

-3204-1695952992.jpg

Các HTX, góp phần đưa cây chè Đại Từ phát triển, giúp xóa đói, giảm nghèo cho người dân.

Kết quả, năm 2020, HTX đã xây dựng thành công 2 sản phẩm chè đạt 4 sao OCOP. Từ khi có thương hiệu OCOP, sản phẩm của HTX đã được người tiêu dùng ở nhiều tỉnh, thành biết đến và lựa chọn... Hiện nay, trên 10ha chè của HTX vẫn đang duy trì sản xuất theo quy trình VietGAP. Trung bình mỗi năm, sản lượng chè búp tươi của HTX đạt khoảng 121 tấn, cho doanh thu trên 1,2 tỷ đồng.

Theo báo cáo của UBND huyện Đại Từ, đến nay, toàn huyện có trên 1.600ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 15ha chè thuộc xã La Bằng, Phú Xuyên được công nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam.

Đặc biệt, 7 vùng chè của HTX chè La Bằng (xã La Bằng), HTX chè Hải Yến (xã Phú Thịnh), HTX chè sạch Quang Minh (xã Phú Cường), HTX nông nghiệp Hoàng Hải (xã Tiên Hội), HTX chè Cầu Đá (xã Hoàng Nông), HTX chè Nhật Thức (xã Phục Linh), HTX chè Tuất Thoi (xã Phú Xuyên) đã được cấp mã số vùng trồng…

Đây chính là tiền đề quan trọng để các HTX có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chè trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

Cùng với việc chú trọng nâng cao chất lượng, năng suất cây chè, nhiều HTX, tổ hợp tác cũng đã chủ động đầu tư, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Tính đến nay, toàn huyện Đại Từ có 6 HTX chè đã đăng ký mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm; 11 HTX thiết kế logo, bao bì, nhãn mác riêng; 5 HTX xây dựng website để quảng bá, giới thiệu sản phẩm... Nhiều HTX cũng đẩy mạnh ứng dụng số hóa trong khâu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Chè hữu cơ giúp hộ nghèo thoát nghèo

Sản xuất chè hữu cơ sẽ tạo ra các sản phẩm trà chất lượng cao, an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng, chinh phục thị trường quốc tế.

Với 2 sản phẩm là: Phú Đinh Trà và Tuất Thoi Trà được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, từ năm 2021 đến nay, HTX trà Tuất Thoi ở xã Phú Xuyên đã tham gia thực hiện mô hình sản xuất chè hữu cơ do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ.

Đến nay, toàn bộ 5ha tham gia mô hình đủ điều kiện để được cấp chứng nhận sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam. Toàn bộ sản phẩm của 22 hộ tham gia mô hình đều được HTX thu mua, bao tiêu sản phẩm. Đây là mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ đầu tiên được thực hiện trên địa bàn huyện Đại Từ.

Theo bà Đào Thị Thoi, Giám đốc HTX trà Tuất Thoi, sau một thời gian áp dụng sản xuất chè theo quy trình VietGAP, nắm bắt được nhu cầu của thị trường với những đòi hỏi ngày càng khắt khe, HTX trà Tuất Thoi đã chuyển đổi sang sản xuất chè theo hướng hữu cơ.

Để đảm bảo kiểm soát nghiêm ngặt quá trình sản xuất chè an toàn theo hướng hữu cơ, HTX tự xây dựng một chương trình theo hướng gắn kết với bà con nông dân để đảm bảo được vùng nguyên liệu an toàn và bền vững.

-5537-1695952992.jpg

Nhiều HTX đã từng bước thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, bước đầu mang lại kết quả khả quan.

"Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ nhiều hơn nữa trong việc ứng dụng khoa học, công nghệ cũng như tìm kiếm thị trường cho sản phẩm trà", bà Đào Thị Thoi bày tỏ.

Theo lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Đại Từ, đến nay, toàn huyện đã có 26 sản phẩm OCOP, trong đó có tới 24 sản phẩm chè. Năm nay, huyện phấn đấu có có 1 sản phẩm được công nhận OCOP 5 sao, đòi hỏi sự tiếp tục quan tâm, hỗ trợ của các cấp ngành liên quan.

"Huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ giống, phân bón, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất cho các hộ dân. Chúng tôi đã và đang tham mưu cho UBND huyện những cơ chế, chính sách có lợi cho việc phát triển cây chè cho người dân", lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Đại Từ cho hay.

Tạo động lực xóa đói, giảm nghèo

Xác định vị trí, vai trò quan trọng của cây chè trong phát triển kinh tế xã hội, huyện Đại Từ đã tiến hành quy hoạch phát triển cây chè và xác định bản đồ thổ nhưỡng cho phát triển cây chè đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Đồng thời, huyện xác định đưa giải pháp công nghệ để nâng cao giá trị cây chè nói chung, sản phẩm chè an toàn nói riêng. Đại Từ phấn đấu đến năm 2030, diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn GAP chiếm 60% tổng diện tích chè, diện tích sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ chiếm 5% tổng diện tích chè. Khi đó, chất lượng sản phẩm chè Đại Từ sẽ được nâng cao, đem lại lợi ích thiết thực về kinh tế.

Ông Phạm Quang Anh, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ chia sẻ, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX đã tạo việc làm ổn định cho khoảng 700 thành viên và 600 lao động địa phương. Thu nhập bình quân của thành viên và người lao động trong HTX hiện đạt từ 4,5 triệu đồng/người/tháng, tăng 11% so với năm 2021, nhiều thành viên HTX đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ chè.

Các HTX đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, 52% HTX nông nghiệp trên địa bàn đã ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều HTX đã từng bước thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, bước đầu mang lại kết quả khả quan, như: HTX chè La Bằng, HTX chè Nhật Thức, HTX rau an toàn thị trấn Hùng Sơn…

“Thời gian tới, huyện Đại Từ tiếp tục khuyến khích các HTX phát triển, huy động nguồn lực để đầu tư hỗ trợ về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các HTX. Địa phương phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả đạt trên 80%, thu nhập bình quân của thành viên và người lao động tại các HTX hằng năm tăng từ 10% trở lên. Đặc biệt là các HTX đã khẳng định được vai trò trong xóa đói, giảm nghèo ở địa phương”, ông Phạm Quang Anh nhấn mạnh.

Bình luận