Ổn định kinh tế từ mô hình trang trại tổng hợp

Bình luận · 181 Lượt xem

Được xác định là mũi nhọn trong phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn... Những năm gần đây, kinh tế trang trại của tỉnh

HTX Trung Kiên, xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy có khoảng 25ha trang trại, với 5 dịch vụ. HTX có các dịch vụ như: cung ứng con giống, thức ăn đầu vào, đồng thời bao tiêu sản phẩm đầu ra cho thành viên.

HTX liên kết các trang trại

HTX đang sản xuất bán con giống mỗi ngày khoảng 6.000 – 6.500 gà con và 3.000 – 3.500 vịt con, mỗi tháng cung ứng 50 – 70 tấn thức ăn chăn nuôi các loại. Cùng với dịch vụ bao tiêu sản phẩm trứng, gà vịt hết tuổi sinh sản, HTX còn làm các dịch vụ chăn nuôi lợn thương phẩm, lợn giống, chăn nuôi cá theo mô hình VAC.

-9991-1696387909.jpg

Mô hình kinh tế trang trại đã góp phần tích cực đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

HTX giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 thành viên và lao động chuyên chăn nuôi và chăm lo khâu tiêu thụ sản phẩm. HTX đạt tổng doanh thu trên 10 tỷ đồng/năm, lợi nhuận bình quân 10%, nộp đầy đủ nghĩa vụ ngân sách với nhà nước.

Anh Nguyễn Văn Kiên, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Trung Kiên chia sẻ, để làm được dịch vụ cung cấp thức ăn chăn nuôi, con giống và bao tiêu đầu ra, HTX thường xuyên trao đổi, nắm bắt nhu cầu thực tế của từng thành viên, thống nhất chi tiết kế hoạch cung ứng vật tư con giống, phương thức giao nhận và thanh toán cho từng nhu cầu, từng thời gian cụ thể.

Trường hợp có hộ thành viên khó khăn, HTX có thể thanh toán một phần, cho nợ trong thời gian nhất định hoặc đối ứng thanh toán qua việc bao tiêu sản phẩm… Chính sự linh hoạt trong tổ chức thực hiện đã giúp HTX và các hộ thành viên vượt qua khó khăn để hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Anh Nguyễn Văn Kiên cho biết, các thành viên HTX đều làm trang trại theo mô hình tổng hợp, nên hầu hết đều có nhu cầu hợp tác và sử dụng dịch vụ, sản phẩm của HTX mang lại hiệu quả cao hơn tự mỗi thành viên thực hiện. Hơn nữa, HTX rất dân chủ bàn bạc và công khai, minh bạch mọi hoạt động, nhất là các hoạt động kinh doanh. Từ đó, các hộ thành viên đều tự nguyện góp vốn và thực hiện nghiêm chỉnh điều lệ HTX đã ban hành. Hoạt động của HTX đã thực sự hỗ trợ cho các hộ trang trại có điều kiện thuận lợi làm ăn và làm giàu, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Khẳng định hiệu quả

Tại huyện Tân Sơn, ông Nguyễn Duy Nho, Giám đốc HTX Dịch vụ Đồng Văn, xã Văn Luông cho biết, hiện nay HTX đang sở hữu mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp gồm hàng nghìn con lợn, ao nuôi cá và sản xuất giống cây trồng các loại…

Hiện nay, HTX đã đầu tư xây dựng trại lợn có quy mô diện tích là 5.600m2 với trên 4.000 con/lứa. Song song với đó, HTX cũng đã ký kết hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm với Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, đầu tư chuồng trại hiện đại, mở rộng quy mô sản xuất theo mô hình trang trại chăn nuôi lợn thịt theo hướng hàng hóa.

Đã xây dựng hệ thống lọc gió, giàn phun thuốc khử trùng, hệ thống quạt điều hòa không khí cho trang trại để tránh cho lợn tiêu hao năng lượng và phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả, góp phần bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chia sẻ về phương pháp chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao, ông Nho cho biết: Trước hết phải quy hoạch hệ thống chuồng trại bảo đảm khoa học, đầu tư kỹ lưỡng từ kỹ thuật đến công chăm sóc, lựa chọn con giống thật tốt, bảo đảm chất lượng. Khi nuôi lợn trong môi trường khép kín thì chất lượng giống tốt, năng suất sinh sản cao, thời gian tăng trưởng ngắn hơn so với nuôi đại trà.

Cùng với nuôi lợn, HTX đã nuôi cá nước ngọt thương phẩm, sản xuất phân mùn khoáng hữu cơ, sản xuất cây giống các loại để cung ứng cho bà con nhân dân trong xã và vùng lân cận. Các sản phẩm của HTX đều được đối tác đánh giá cao, được người dân đón nhận.

Năm 2022, HTX đã có doanh thu gần 1,5 tỷ đồng, không những vậy, HTX đã tạo được việc làm thường xuyên cho gần 20 thành viên, tạo việc làm thời vụ cho 40 lao động trong xã với mức lương trung bình 5 triệu đồng/người/tháng, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo từ mô hình trang trại tổng hợp của HTX.

Bà Trần Thị Thúy, thành viên HTX Dịch vụ Đồng Văn cho hay: Trước đây, gia đình bà làm ruộng và chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng thu nhập không ổn định. Sau khi HTX được thành lập, bà là người đầu tiên tham gia HTX. Công việc hiện nay của bà là chăm sóc đàn lợn theo mô hình khép kín. Theo bà Thúy, từ khi tham gia HTX điều kiện kinh tế của gia đình bà được nâng lên rõ rệt vì có thêm nguồn thu nhập ổn định. "Nếu làm đủ ngày công, trung bình mỗi tháng tôi thu nhập 6 triệu đồng", bà Thúy cho biết.

-2586-1696387909.jpg

Các HTX kiểu mới đã quy tụ các hộ dân sản xuất, kinh doanh, có liên kết tiêu thụ đầu ra, thích ứng với cơ chế thị trường.

Ngoài tham gia lao động nâng cao thu nhập cho gia đình, bà Thúy còn giới thiệu cho nhiều bà con tại địa phương có việc làm tại HTX, trong đó ưu tiên những lao động thuộc hộ nghèo.

Để kinh tế trang trại phát triển bền vững

Phát triển kinh tế trang trại tổng hợp là hướng đi đúng đắn của sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, là mũi nhọn trong phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, góp phần đắc lực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Những năm qua, tỉnh Phú Thọ cũng có nhiều giải pháp nhằm phát triển kinh tế trang trại, qua đó góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 400 trang trại đạt tiêu chí theo quy định tại Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/02/2020 của Bộ NN&PTNT quy định tiêu chí kinh tế trang trại, trong đó có gần 150 trang trại tổng hợp.

Nhằm triển khai, thực hiện có hiệu quả kinh tế trang trại tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, tỉnh Phú Thọ đã ban hành nhiều chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có kinh tế trang trại.

Theo đó, tỉnh đã triển khai các chính sách khuyến khích, thúc đẩy kinh tế trang trại phát triển như: Tích tụ, tập trung, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; giảm thuế thu nhập (cho những hộ làm kinh tế trang trại) đã sản xuất, kinh doanh ổn định, có giá trị hàng hóa và lãi lớn, miễn giảm tiền thuê đất và tài nguyên nước cho chủ hộ.

Ngoài ra, để khuyến khích mô hình kinh tế trang trại phát triển, tỉnh, ngành, địa phương có chính sách, cơ chế hỗ trợ lao động, khoa học công nghệ, thị trường, bảo hộ tài sản đã đầu tư của trang trại… Nhờ vậy, kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh bước đầu đã có hiệu quả, thu hút một bộ phận lao động tại chỗ, góp phần tạo việc làm và thu nhập cho người dân.

“Đặc biệt là việc phát triển các HTX kiểu mới đã quy tụ các hộ dân sản xuất, kinh doanh cùng chung một sản phẩm, có cùng sở thích, có liên kết tiêu thụ đầu ra, thích ứng với cơ chế thị trường. Qua đó, góp phần giúp cho nhiều nông dân vươn lên thoát nghèo, làm kinh tế giỏi mang lại thu nhập tốt”, ông Nguyễn Minh Tuấn cho hay.

Bình luận