Dịch tai xanh, tả lợn Châu Phi tái phát ở Quảng Bình

Bình luận · 212 Lượt xem

Huyện Minh Hóa đã công bố ổ dịch tả lợn Châu Phi, dịch tai xanh trên địa bàn xã Thượng Hóa và Hóa Sơn.

Người dân xã Thượng Hóa vận chuyển lợn bị mắc bệnh đến địa điểm tiêu hủy. Ảnh: T. Phùng.

Người dân xã Thượng Hóa vận chuyển lợn bị mắc bệnh đến địa điểm tiêu hủy. Ảnh: T. Phùng.

Ngày 5/10, ông Nguyễn Bắc Việt, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình cho biết, UBND huyện Minh Hóa vừa công bố ổ dịch tả lợn Châu Phi, dịch tai xanh trên địa bàn xã Thượng Hóa và Hóa Sơn.

Theo quyết định được công bố, từ ngày 29/9, tại các thôn Khai Hóa, Quyền, Hát (xã Thượng Hóa) và Đặng Hóa (xã Hóa Sơn), đã xảy ra tình trạng lợn mắc bệnh, chết với số lượng khá nhiều, khiến các hộ chăn nuôi lo lắng.

Chính quyền địa phương phối hợp với cơ quan chức năng, lực lượng thú y tiến hành các biện pháp ngăn chặn dịch lây lan và thực hiện tiêu hủy số lợn bị mắc bệnh. Các xã Thượng Hóa và Hóa Sơn đã tiêu hủy trên 235 con lợn chết và nghi nhiễm bệnh.

Trước đó, ngày 19/9, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Trường Xuân cung ứng cho 102 hộ dân ở các xã Thượng Hóa và Hóa Sơn tiếp nhận lợn để nuôi thương phẩm. Đã có 408 con lợn giống cung ứng cho 50 hộ dân ở xã Thượng Hóa (200 con) và 52 hộ ở xã Hóa Sơn với 208 con. 

Sau một tuần tiếp nhận, một số lợn giống có hiện tượng ốm và chết. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Minh Hóa đã tiến hành lấy mẫu gửi xét nghiệm để xác định bệnh. Kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh dịch tả lợn Châu Phi và tai xanh. Sau đó, UBND huyện Minh Hóa quyết định công bố ổ dịch tả lợn Châu Phi, dịch tai xanh trên địa bàn xã Thượng Hóa và Hóa Sơn. 

Ngay sau khi dịch bệnh xảy ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đã đề nghị huyện Minh Hoá chỉ đạo, triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm khống chế, không để dịch bệnh lây lan sang các địa phương khác.

Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình cho biết: “Chúng tôi cũng đã kịp thời thông báo tình hình dịch bệnh gia súc tại xã Thượng Hóa, Hóa Sơn để người dân chủ động phòng bệnh trên đàn lợn. Thực hiện công tác tiêm phòng vacxin bao vây ổ dịch và triển khai tiêm phòng vacxin đợt  2 năm 2023”.

Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình, nguyên nhân phát sinh bệnh dịch tả lợn Châu Phi và tai xanh trên đàn lợn ở xã Thượng Hoá, Hoá Sơn (huyện Minh Hoá) là do  Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Trường Xuân cung ứng nhập lợn giống vào địa bàn là ổ dịch cũ của bệnh dịch. Ngoài ra, lợn giống nhập vào chưa được tiêm vacxin tai xanh, các hộ dân chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi.

Cán bộ thú y Quảng Bình phun tiêu độc, khử trùng ở khu vực chăn nuôi, nơi phát sinh ổ dịch tả lợn Châu Phi tại huyện Minh Hóa. Ảnh: T. Phùng.

Cán bộ thú y Quảng Bình phun tiêu độc, khử trùng ở khu vực chăn nuôi, nơi phát sinh ổ dịch tả lợn Châu Phi tại huyện Minh Hóa. Ảnh: T. Phùng.

Cũng như một số địa phương khác, hiện huyện Minh Hóa không có Trạm Thú y. Vì vậy, công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực thú y gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn như toàn bộ số lợn giống do Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Trường Xuân cung cấp đã không được cơ quan thú y cơ sở kiểm soát.

“Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát gia súc nhập vào địa bàn và triển khai phòng chống dịch bệnh còn nhiều bất cập, gần như bị bỏ ngỏ. Đây là lỗ hổng lớn để các loại dịch bệnh, hoặc mầm mống dịch bệnh trên đàn vật nuôi lây lan trên diện rộng”, ông Trần Công Tám nhìn nhận.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 146 hộ ở các huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa và Bố Trạch. Cơ quan chức năng đã thực hiện tiêu hủy 958 con lợn.

Hiện, 3 xã có dịch tả lợn Châu Phi chưa qua 21 ngày là thị trấn Đồng Lê (huyện Tuyên Hoá); xã Thượng Hóa, Hóa Sơn (Minh Hoá). Bệnh tai xanh trên lợn xảy ra trên địa bàn hai xã Hóa Sơn và Thượng Hóa.

Sau khi huyện Minh Hóa công bố về dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình đã tăng cường cán bộ về cơ sở để phối hợp cùng chính quyền địa phương và người dân khẩn trương triển khai các biện pháp phun tiêu độc khử trùng, ngăn chặn việc vận chuyển lợn vào, ra trên địa bàn có dịch và vùng lân cận. Hiện, chưa phát hiện dịch bệnh lây lan ra địa bàn khác.

Bình luận