Vụ xả thải ra sông Sa Lung: Chủ tịch huyện Vĩnh Linh không nghe điện thoại người dân

Bình luận · 203 Lượt xem

QUẢNG TRỊ Tại Quảng Trị, người dân đang thấy việc thiếu trách nhiệm trước sự quặn đau của dòng sông, tiếng kêu khóc của dân chúng trước sự thờ ơ của những quan chức huyện Vĩnh Linh.

Đây không phải là lần đầu Công ty Đức Hiền vi phạm các quy định của Pháp luật về bảo vệ môi trường. Ảnh: Võ Dũng.

Đây không phải là lần đầu Công ty Đức Hiền vi phạm các quy định của Pháp luật về bảo vệ môi trường. Ảnh: Võ Dũng.

Doanh nghiệp nhiều lần vi phạm

Ngày 3/10/2023, ông Thái Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh ra quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH MTV Đức Hiền Quảng Trị (Công ty Đức Hiền) số tiền 50 triệu đồng vì đã “vi phạm các quy định về xả nước thải ra môi trường”.

Theo Quyết định của Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh, Công ty Đức Hiền (địa chỉ tại thôn Quảng Xá, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) đã thải lưu lượng nước ra sông Sa Lung <5m3/ngày. Trong nước thải có chứa Coliform vượt quy chuẩn cho phép 5,08 lần.

Cùng với việc xử phạt hành chính, UBND huyện Vĩnh Linh yêu cầu Công ty Đức Hiền thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường theo quy định, xây dựng đường thoát nước mưa mới có hệ thống bể lắng trước khi thải ra môi trường…

Trước đó, từ nguồn tin của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, trưa 19/9/2023, UBND huyện Vĩnh Linh, Chi cục Bảo vệ môi trường (thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường Quảng Trị) đã cử đoàn công tác đến hiện trường.

Tại hiện trường, một dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối nồng nặc chảy từ hệ thống đường dẫn bằng bê tông ngầm xuất phát từ phía sau lưng nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty Đức Hiền chảy thẳng ra. Lúc đầu, ông Nguyễn Văn Đức, đại diện Công ty Đức Hiền khẳng định, không có chuyện nhà máy xả thẳng nước chưa qua xử lý ra sông; đường ống bê tông ngầm này công ty xây dựng để gom nước mưa, nước sinh hoạt của các hộ dân (?).

Công ty Đức Hiền đã xả thẳng nước thải độc hại ra sông Sa Lung. Ảnh: Võ Dũng.

Công ty Đức Hiền đã xả thẳng nước thải độc hại ra sông Sa Lung. Ảnh: Võ Dũng.

Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng phát hiện phía trên khu vực bể chứa nước thải của Công ty Đức Hiền một ống nước bằng nhựa nối với đường bê tông ngầm được chôn dưới khu vực vườn sản xuất của người dân, chảy ra sông Sa Lung, ông Đức biện minh, đây chỉ là ống nối nguồn nước mưa trong công ty ra sông. Việc nguồn nước này có màu đen, bốc mùi hôi thối, theo ông Đức chỉ là sự cố.

Sau khi kiểm tra, cơ quan chức năng đã lấy 4 mẫu nước tại 4 vị trí xả thải của Công ty Đức Hiền để quan trắc.

Theo kết quả quan trắc nguồn nước xả thải của Công ty Đức Hiền do Trung tâm Quan Trắc (Thuộc chi Cục Bảo vệ môi trường Quảng Trị) thực hiện, các thông số nước thải đều ở ngưỡng cho phép. Riêng chỉ số Coliform vượt 5,08 lần theo các quy chuẩn hiện hành.

Đây là cơ sở để Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh ra quyết định xử phạt doanh nghiệp số tiền 50 triệu đồng. Quyết định xử phạt của UBND huyện Vĩnh Linh không áp dụng tình tiết tăng nặng đối với doanh nghiệp.

Trong các cuộc tiếp xúc với phóng viên, ông Lê Văn Năm, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường; ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh nhiều lần cho biết, đây không phải là lần đầu Công ty Đức Hiền vi phạm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Đường ống này dù đã được phá bỏ sau lần kiểm tra của cơ quan chức năng nhưng Công ty Đức Hiền lắp đặt lại khi đoàn công tác rời đi không lâu. Ảnh: Võ Dũng.

Đường ống này dù đã được phá bỏ sau lần kiểm tra của cơ quan chức năng nhưng Công ty Đức Hiền lắp đặt lại khi đoàn công tác rời đi không lâu. Ảnh: Võ Dũng.

Theo Giấy phép bảo vệ môi trường do UBND tỉnh Quảng Trị cấp, toàn bộ nước sản xuất, nước mưa trong Công ty Đức Hiền sẽ được gom vào hệ thống xử lý sau đó tái sử dụng. Dù phát hiện Công ty Đức Hiền nối hệ thống nguồn nước trong nhà máy ra bờ sông Sa Lung nhưng lực lượng chức năng chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở, yêu cầu phá bỏ đường ống dẫn nước nói trên và doanh nghiệp đã chấp hành. Tuy nhiên, đến thời điểm phát hiện vi phạm vào trưa 19/9, đường ống này đã được nối lại để xả nước ra sông Sa Lung.

Chủ tịch huyện Vĩnh Linh không nghe điện thoại người dân

Sau sự việc trên, ngày 26/9, cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện nhà máy sản xuất giấy của Công ty CP Bắc Trung bộ tại thôn Tân Lập, xã Vĩnh Long có hành vi xả thải nước chưa qua xử lý ra nhánh sông Sa Lung.

Hàng trăm ha tôm nuôi chết nhưng chỉ có 38 ha xác định là do bệnh hoại tử gan tụy. Ảnh: Võ Dũng.

Hàng trăm ha tôm nuôi chết nhưng chỉ có 38 ha xác định là do bệnh hoại tử gan tụy. Ảnh: Võ Dũng.

Cơ quan chức năng đã lấy hai mẫu nước, niêm phong, bàn giao cho Trung tâm Quan trắc môi trường thuộc Chi cục Bảo vệ môi trường Quảng Trị để phân tích. Công an huyện Vĩnh Linh cũng đã lấy mẫu nước để giám định, quan trắc độc lập.

Trước đó, khi tôm nuôi chết hàng loạt, nước sông liên tục đổi màu, mùi hôi thối nồng nặc bay xa hàng chục km người dân xã Vĩnh Sơn đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương và ngành chức năng tỉnh Quảng Trị. UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã có nhiều văn bản yêu cầu làm rõ nguyên nhân tôm chết, nguyên nhân gây ô nhiễm sông Sa Lung. Nhưng phải đến ngày 19/9, từ nguồn tin của Báo Nông nghiệp Việt Nam, lãnh đạo xã Vĩnh Long, UBND huyện Vĩnh Linh, ngành chức năng mới ghi nhận vụ xả thải đầu tiên kể từ từ tháng 4/2023.

Những ngày cuối tháng 9/2023, cá trên sông Sa Lung cũng nổi chết hàng loạt. Ảnh: Người dân cung cấp.

Những ngày cuối tháng 9/2023, cá trên sông Sa Lung cũng nổi chết hàng loạt. Ảnh: Người dân cung cấp.

Đại diện UBND xã Vĩnh Long thời điểm đó cho biết, địa phương đã nhiều lần kiểm tra nhưng không phát hiện hệ thống xả thải do Công ty Đức Hiền lắp đặt.

Người dân xã Vĩnh Sơn đặt nhiều nghi vấn khi cho rằng, việc xả thải của Công ty Đức Hiền hết sức liều lĩnh nhưng cơ quan chức năng không sớm phát hiện. Lãnh đạo huyện và các phòng ban huyện Vĩnh Linh có thái độ thờ ơ khi tiếp nhận thông tin nước sông ô nhiễm.

Một người nuôi tôm tại thôn Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn (xin giấu tên) cho hay, chiều 5/9, người dân Vĩnh Sơn đã lên chân đập Sa Lung. Thời điểm đó, nước từ đập Sa Lung xả xuống hạ nguồn đen ngòm, nổi bọt, bốc mùi hôi thối, nghi vấn có doanh nghiệp xả thải. Người này đã gọi điện cho ông Thái Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh; ông Lê Văn Năm, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện… đề nghị cử lực lượng đến hiện trường ghi nhận sự việc, tìm ra thủ phạm đầu độc sông Sa Lung.

Tiếc thay, trong khi nước sông Sa Lung đang bị đầu độc bởi những doanh nghiệp làm ăn coi thường pháp luật thì những người có chức trách của huyện Vĩnh Linh chỉ bắt máy 1 lần, hứa hẹn nhưng vẫn không có lực lượng chức năng nào đến hiện trường. Người dân tiếp tục gọi điện, đề nghị sự có mặt của cơ quan chức năng và chính quyền nhưng ông Thành và ông Năm không nghe máy. Chờ từ 14h đến 16h chiều, người dân Vĩnh Sơn đành quay về trong ấm ức. Thông tin này được nhiều người dân xác nhận với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Một sự thiếu trách nhiệm trước sự quặn đau của dòng sông và tiếng kêu khóc của dân chúng và sự thờ ơ của những quan chức huyện Vĩnh Linh.

Người nuôi tôm xã Vĩnh Sơn cho rằng, chính quyền, ngành chức năng huyện Vĩnh Linh không làm tròn trách nhiệm khi sông Sa Lung bị ô nhiễm. Ảnh: Võ Dũng.

Người nuôi tôm xã Vĩnh Sơn cho rằng, chính quyền, ngành chức năng huyện Vĩnh Linh không làm tròn trách nhiệm khi sông Sa Lung bị ô nhiễm. Ảnh: Võ Dũng.

Thực tế, việc tiếp cận kết quả quan trắc cũng như câu trả lời về mức độ nguy hại nguồn nước thải ra từ Công ty Đức Hiền Quảng Trị của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn. Phải sau rất nhiều lần liên hệ, qua nhiều người có chức trách, ngày 27/9/2023, ông Võ Văn Dũng, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường mới gửi phiếu kết quả thử nghiệm mẫu nước tại các điểm xả thải của Công ty Đức Hiền. Tương tự là việc tiếp cận Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường gửi UBND tỉnh Quảng Trị về sự việc. Chi khi ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trực tiếp gọi điện cho Chi cục Bảo vệ môi trường thì ông Võ Văn Dũng mới chịu cung cấp văn bản cho phóng viên.

Từ tháng 4/2023, trên 360 ha tôm nuôi của người dân Quảng Trị chết nhưng chỉ có 38 ha xác định được nguyên nhân là do bệnh hoại tử gan tụy. Người nuôi tôm hạ nguồn sông Sa Lung tại huyện Vĩnh Lĩnh cho rằng, việc xả thải của các nhà máy thượng nguồn sông Sa Lung là nguyên nhân khiến nước sông bị ô nhiễm dẫn đến tôm chết. Những ngày cuối tháng 9/2023, sau những trận mưa to, nước từ thượng nguồn đổ về với lưu lương lớn, đập ngăn mặn Sa Lung xả tràn thì nước sông hạ nguồn đen ngòm, bốc mùi hôi thối, cá trên sông chết trắng, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Bình luận