SÓC TRĂNG: SẢN LƯỢNG XUẤT KHẨU GẠO TĂNG, NHƯNG GIÁ TRỊ XUẤT KHẨU GIẢM

Bình luận · 280 Lượt xem

Giá gạo xuất khẩu thấp hơn giá tiêu thụ nội địa

Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng Lê Thành Thanh cho biết, diện tích trồng lúa của tỉnh hàng năm khoảng 350.000 ha, sản lượng đạt trên 2 triệu tấn/năm. Trong đó diện tích lúa đặc sản các loại được gieo trồng từ 150.000-170.000 ha, sản lượng ước đạt từ 900 tấn-1 triệu tấn.

Mở rộng vùng sản xuất lúa ST25. Ảnh: Hữu Đức.

Hiện nay trên toàn tỉnh có 2 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Cũng theo ông Lê Thành Thanh, trong 6 tháng đầu năm 2019, sản lượng xuất khẩu tăng mạnh, gần bằng mức của cả năm 2018, tuy nhiên giá trị xuất khẩu lại giảm.

Cụ thể, năm 2018, tổng sản lượng xuất khẩu của tỉnh là 144,7 tấn, giá trị kim ngạch đạt 69,8 triệu USD. Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng xuất khẩu đạt 108,9 tấn, tức là đạt 75% so với sản lượng xuất khẩu của cả năm 2018, nhưng giá trị kim ngạch chỉ đạt 42 triệu USD, tức là bằng 60% so với giá trị kim ngạch năm 2018.

Lý giải cho nguyên nhân giảm giá trị xuất khẩu, đại diện Sở Công thương cho biết, năm 2018, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 71,57% tổng sản lượng gạo xuất khẩu của tỉnh, kim ngạch xuất khẩu chiếm 75,16% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của tỉnh, giá bình quân xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là 506,76 USD/ tấn, cao hơn giá xuất khẩu bình quân chung của tỉnh là 23,09 USD/tấn.

Tuy nhiên, sang năm 2019, Trung Quốc giảm đột ngột nhập khẩu gạo từ Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2019, sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ chiếm 12,91%, kim ngạch xuất khẩu là 17,3%. Thị trường xuất gạo trong 6 tháng phần lớn là xuất sang Philippines, chiếm 68,25 sản lượng, 63,14% kim ngạch xuất khẩu. Giá xuất khẩu sang Philipines thấp hơn giá xuất khẩu sang Trung Quốc, do đó kéo giá trị xuất khẩu giảm.

Hiện cả nước có 19 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu gạo sang Trung Quốc. Tại Sóc Trăng chỉ có 1 doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn.

Cũng theo đại diện Sở Công thương, giá gạo xuất khẩu  đang thấp hơn giá tiêu thụ trong nước. Giá gạo xuất khẩu  là 7 nghìn đồng/kg, còn giá tiêu thụ trong nước là 9-10 nghìn đồng/kg. Điều này dẫn đến tình trạng doanh nghiệp tiêu thụ gạo nội địa làm ăn có lãi hơn doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Trúng mùa lúa thơm ST25 ở Sóc Trăng. Ảnh: Hữu Đức.

 

Cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp

Theo ông Thanh, Nhà nước cần có chính sách kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tại các địa phương vùng sâu, vùng xa. Hiện địa phương chỉ có 2 doanh nghiệp xuất khẩu gạo mà không có doanh nghiệp nơi khác đến, lý do vì cơ sở hạ tầng giao thông kém, không có cảng vận chuyển.

Ngoài ra, để đẩy mạnh thị trường tiêu thụ lúa gạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có cơ chế hỗ trợ địa phương phát triển cánh đồng mẫu lớn, phát triển theo tiêu chuẩn VietGap để nâng cao chất lượng gạo.

Cùng với đó, cần có chính sách để khuyến khích nhân dân tham gia vào cánh đồng mẫu lớn, vào hợp tác xã. Trong thời gian qua, việc sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, tiết kiệm chi phí vật tư nông nghiệp, dễ dàng tiêu thụ, lợi nhuận thu được lớn hơn.

Tuy nhiên, do tập quán canh tác mà nhiều người dân vẫn chưa tham gia vào cánh đồng mẫu lớn. Theo đại diện của Sở Công thương, Nhà nước phải có chính sách hấp dẫn, người dân thấy có lợi thì họ sẽ tự động gia nhập vào cánh đồng mẫu lớn, từ đó thuận tiện cho việc quy hoạch vùng, cơ giới hóa và đẩy mạnh xuất khẩu.

Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng, Nhà nước cần đầu tư vào khâu chế biến lúa gạo, từ lúa gạo chế biến ra nhiều sản phẩm. Nếu chỉ xuất khẩu gạo thô thì không thể tăng giá trị được.

Còn theo ông Huỳnh Ngọc Vân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nhà nước nên có chính sách bình ổn giá lúa gạo. Từ chính sách bình ổn, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân có thể tính toán được lời, lãi, từ đó có hướng đi lâu dài và có chiến lược liên kết lại, hình thành nên chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ gạo.

Bình luận