Ba mục tiêu khi chuyển đổi sang nền kinh tế xanh

Bình luận · 124 Lượt xem

Tái cấu trúc lại nền kinh tế, giảm phát thải khí nhà kính và giảm nghèo là ba mục tiêu chính các quốc gia cần hướng đến khi chuyển sang nền kinh tế xanh.

Tại diễn đàn "Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cho phát triển bền vững" sáng 30/9. Diễn đàn thuộc khuôn khổ sự kiện Sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam (Techconnect & Innovation Vietnam 2023), GS.TS Nguyễn Văn Phước, Ủy viên Đoàn chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP HCM có những chia sẻ về các giải pháp liên quan đến việc xây dựng cơ chế hỗ trợ các ngành chuyển đổi xanh.

Theo chuyên gia, chuyển đổi xanh hay xây dựng nền kinh tế xanh hướng đến ba mục tiêu. Đầu tiên là phát triển kinh tế, tức cần tái cơ cấu lại hoạt động kinh tế và cơ sở hạ tầng để thu được kết quả tốt hơn từ các khoản đầu tư cho tài nguyên, nhân lực và tài chính. Thứ hai là bảo vệ môi trường, tức giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, khai thác và sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên hơn, tạo ra ít chất thải hơn. Thứ ba là mục tiêu xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và giảm sự mất công bằng trong xã hội.

 

Các hoạt động chuyển đổi xanh gồm: chuyển dịch năng lượng, chuyển đổi công nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững và kinh tế tuần hoàn. "Chuyển đổi xanh là mục tiêu thiên niên kỷ của toàn thế giới, làm thế nào để giảm thiểu tác động đến môi trường", ông nhấn mạnh.

Để minh chứng cho việc chuyển dịch năng lượng, ông dẫn số liệu: tháng 5 năm nay hệ thống điện Việt Nam có tổng công suất lắp đặt nguồn điện là hơn 80.700 MW. Nhiệt điện than hơn 32%; thủy điện khoảng 28,5%; điện mặt trời (bao gồm điện mặt trời mái nhà) 20,5%; tuabin khí 9,2%; điện gió 6,3%; các nguồn khác bao gồm nhiệt điện dầu, điện sinh khối và nhập khẩu khoảng 2.600 MW tương đương 3,2%.

 

Hiện nay tổng công suất điện mặt trời và điện gió trên bờ, gần bờ của Việt Nam đạt được khoảng 21.600 MW, đứng thứ nhất khu vực Đông Nam Á. "Như vậy, tỷ lệ sản lượng điện từ năng lượng tái tạo qua các năm 2019-2023 có tăng nhưng không ổn định", ông nói.

 

Với chuyển đổi công nghiệp xanh, hiện theo quy hoạch Việt Nam có khoảng 563 khu công nghiệp tại 61 tỉnh thành: 397 khu công nghiệp đã được thành lập, trong đó chỉ có khoảng 7 khu công nghiệp sinh thái. Tuy nhiên, 7 đơn vị này hoạt động chưa thực sự hiệu quả, chưa thu hút đầu tư nước ngoài, tăng trưởng chậm.

 

Trong khi đó, việc chuyển đổi công nghiệp xanh có thể giúp ngành quy hoạch theo hướng đồng bộ, hiện đại, thu hút FDI; tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế; phát triển đô thị; thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng; mở rộng quan hệ ngoại giao...

 

Ông Nguyễn Văn Phước cho rằng, tiến trình phát triển chuyển đổi công nghiệp xanh gồm: kiểm soát ô nhiễm, sản xuất sạch hơn, hiệu quả sinh thái, tư duy vòng đời, sản xuất khép kín và công nghiệp sinh thái.

 

Trong trường đại học và các công ty, với sự đồng hành của các tổ chức quốc tế, Việt Nam đã có nhiều cơ sở xử lý phát thải cao. Tuy nhiên, khi triển khai đến từng nhà máy, hiệu quả lại rất thấp. Các nhà máy, doanh nghiệp hiện nay chỉ tiếp thu quản lý nội vi, thay vì đầu tư công nghệ để tăng tính hiệu quả.

Hiện nông nghiệp bền vững Việt Nam đang có sự cải thiện rõ rệt nhưng vẫn còn nhiều rủi ro, thiếu bền vững do thị trường, tính ổn định về chất lượng sản phẩm, chưa kiểm soát được thuốc bảo vệ thực vật...

 

Về khía cạnh kinh tế tuần hoàn, vị giáo sư nhận định, kinh tế tuần hoàn đã được nhiều doanh nghiệp triển khai và có chiến lược sản xuất, tận dụng từ nguồn năng lượng tự nhiên đến tái sử dụng chất thải.

 

"Doanh nghiệp là nhóm đóng vai trò tiên phong trong quá trình chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, đóng vai trò then chốt để triển khai thành công cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050", ông nói thêm và đề xuất các cơ quan xây dựng chính sách cần xây dựng cơ chế hỗ trợ các ngành. Mục tiêu cuối cùng là thúc đẩy các doanh nghiệp trong từng lĩnh vực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, đạt mục tiêu chung của quốc gia.

 

Sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam (Techconnect & Innovation Vietnam 2023) có chủ đề "Đổi mới sáng tạo - Phát triển bền vững". Sự kiện năm nay do Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân Quảng Ninh chỉ đạo, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh là đơn vị tổ chức.

 

Chương trình diễn ra trong 2 ngày 29 và 30/9, được thiết kế với các hoạt động gồm các diễn đàn, hội nghị trao đổi thông tin về chủ đề kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo, trình diễn sản phẩm và tiêu điểm công nghệ, kết nối thúc đẩy hợp tác đầu tư, nghiên cứu.

Bình luận