Viện Lúa ĐBSCL - Trung tâm khoa học lúa gạo quốc gia

Bình luận · 205 Lượt xem

Vượt khó khăn, vững vàng trở thành trung tâm khoa học lúa gạo cả nước, TS Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL có những chia sẻ về quá trình xây dựng, phát triển.

Viện Lúa ĐBSCL thành lập năm 1977, thế hệ cán bộ chủ chốt “đầu đàn” được điều động từ Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm. Dần sau đó còn có những cán bộ trẻ mới ra trường từ TP Hồ Chí Minh, phía Bắc và Trường Đại học Cần Thơ về gắn bó với Viện.

 

Giai đoạn đầu, Viện Lúa ĐBSCL nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ chương trình đào tạo của Chính phủ Ấn Độ, hàng loạt cán bộ của Viện được gửi đi đào tạo tại quốc gia này. Có thể nói, những chuyên gia, các nhà khoa học của Ấn Độ có đóng góp rất lớn đối với sự phát triển của Viện. Họ cử chuyên gia sang ở, làm việc và hướng dẫn trực tiếp cho đội ngũ nhà khoa học.

 

Thứ hai, phải kể đến là vai trò rất lớn của các nhà khoa học từ Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI). Từ trao đổi vật liệu cho đến gửi cán bộ của Viện Lúa ĐBSCL sang IRRI học tập ngắn hạn, dài hạn.

 

Các thế hệ cán bộ khoa học sau này, được đào tạo bài bản, mở rộng hơn. Các nhà khoa học của Viện có điều kiện nhận học bổng, trau dồi tiếng Anh, du học tại Philippines, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Ý, Mỹ, Úc, New Zealand... thông qua những chương trình hợp tác quốc tế, liên Chính phủ. Tạo thành nếp truyền thống của Viện trong đào tạo con người. Nếu không có sự hỗ trợ đào tạo này, Viện Lúa ĐBSCL sẽ bị thiếu hụt một lượng cán bộ rất lớn.

 

Từ đây, Viện đã xây dựng được đội ngũ nhà khoa học rất mạnh về nghiên cứu di truyền, chọn tạo giống. Đến nay, lực lượng nhà khoa học trình độ tiến sĩ giữ ở mức 30 cán bộ. Phần lớn tập trung vào chuyên ngành di truyền chọn giống, công nghệ sinh học hoặc những lĩnh vực liên quan đến công tác giống.

Trong bối cảnh tự chủ nguồn kinh phí hoạt động, Viện tiếp tục nâng chất, tái cấu trúc lại tổ chức bộ máy, tinh gọn đội ngũ nhân sự, mở rộng nhiệm vụ để bao trùm tất cả các lĩnh vực của Viện.

 

Giai đoạn trước năm 2016, Viện Lúa ĐBSCL có một sự thay đổi nhân lực lớn, khi hơn 80 cán bộ lứa đầu tiên nghỉ hưu. Đến giai đoạn từ 2016 - 2020, Viện thực hiện cơ cấu lại tổ chức với quy mô 130 - 140 cán bộ. Trong đó có 30 tiến sĩ, gần 80 thạc sĩ, còn lại là trình độ đại học, cao đẳng.

 

Công tác nghiên cứu di truyền, chọn tạo và chuyển giao giống lúa của Viện Lúa ĐBSCL là thành tựu, tác động hiệu quả đến tăng trưởng sản lượng lúa ở ĐBSCL. Ông có thể chia sẻ sự chuyển dịch trong công tác chọn tạo giống lúa như thế nào để đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, phù hợp với điều kiện sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu và xu hướng tiêu dùng thế giới?

 

Nguồn kinh phí nhà nước tập trung cho Viện Lúa ĐBSCL thời gian đầu rất đa dạng, nhưng gần đây chủ yếu tập trung cho lĩnh vực giống. Vì thế mảng chọn tạo giống hiện nay phát triển rất mạnh và trở thành lĩnh vực nổi bật ở Việt Nam.

 

Trước đây, tại ĐBSCL, có 3 bộ giống nổi trội nhất là MTL của Trường Đại học Cần Thơ; OM của Viện Lúa ĐBSCL và IR du nhập từ IRRI. Trường Đại học Cần Thơ rất nổi tiếng khi cho ra đời giống lúa MTL. Nhưng sau này trường tập trung nhiều về mảng giảng dạy, nên mảng giống MTL cũng giảm dần và bộ giống OM của Viện Lúa ĐBSCL bắt đầu được nâng lên.

 

Sau khi thế hệ đội ngũ nhà khoa học trẻ của Viện Lúa ĐBSCL được đào tạo bài bản, Viện bắt đầu tập trung sưu tập những giống lúa mùa, nhập nội các giống lúa cải tiến từ nước ngoài, cải thiện quy trình canh tác, bắt đầu thiết lập chương trình lai tạo riêng, tập trung vào các yếu tố thời gian sinh trưởng, năng suất và khả năng chống chịu sâu bệnh. Từ đó, Viện đã làm chủ hoàn toàn công nghệ từ phục tráng, lai truyền thống, sử dụng dấu chỉ thị phân tử, biến nạp gen cho đến chỉnh sửa gen...

 

Những năm 1990, Viện Lúa ĐBSCL bắt đầu cho ra đời những giống lúa đầu tiên và phát huy được vai trò né lũ, mặn như giống OMCS có thời gian sinh trưởng cực ngắn từ 85 - 90 ngày, giúp nông dân linh hoạt trong việc bố trí thời vụ. Giai đoạn sau này, công tác nghiên cứu, lai tạo giống lúa quan tâm, tập trung nhiều hơn đến yếu tố hạn, mặn, ngập. Đến nay, Viện Lúa ĐBSCL đã chọn tạo và đưa vào sản xuất hơn 180 giống lúa các loại, trong đó diện tích gieo trồng giống lúa OM (OM5451, OM18) là phổ biến, chiếm từ 60 - 75% ở ĐBSCL, đóng vai trò chủ lực trong xuất khẩu gạo của Việt Nam.

 

Nhìn lại giai đoạn năm 2010 trở về sau, có những cá nhân, doanh nghiệp thành lập nên các viện, cơ sở nghiên cứu khoa học để tham gia vào quá trình lai tạo giống, từ đây công tác chọn tạo giống sôi động hẳn lên.

 

Tuy nhiên với Viện Lúa ĐBSCL, công tác chọn tạo giống được kế thừa qua nhiều thế hệ và có sự khác biệt nhờ hệ thống nguồn vật liệu được lưu trữ qua nhiều năm, đội ngũ nhà khoa học được đào tạo bài bản, trang thiết bị đủ để tạo ra những giống có tính ổn định và bền vững. Các giống lúa mới được đưa vào sản xuất đảm bảo các điều kiện: chịu phèn mặn, hạn, nóng, ngập, cho năng suất cao, phẩm chất tốt thích ứng với BĐKH.

 

Từ đó, vai trò của Viện tiếp tục được khẳng định, nhiều giống lúa đã được phát triển từ nguồn gen lúa mùa địa phương và lúa hoang trong bộ sưu tập hơn 3.000 mẫu đang được lưu trữ và khai thác tại Viện. Các giống lúa này có thời gian sinh trưởng ngắn từ 85 - 100 ngày, tiềm năng năng suất cao và thích nghi với các tiểu vùng sinh thái ở ĐBSCL và một số địa phương khác.

 

Công tác chọn tạo giống cũng đang được điều chỉnh theo hướng đa dạng về chất lượng gạo phục vụ nhu cầu của thị trường và thích ứng với điều kiện của môi trường. Sự chuyển đổi này đã giúp nâng tỉ lệ giống lúa thơm và lúa chất lượng cao sử dụng trong sản xuất ở ĐBSCL lên khoảng 70% như hiện nay và năng suất lúa đạt bình quân gần 6 tấn/ha.

 

Hiện nay, Viện đang tiếp tục thu thập và duy trì gần 2.000 giống lúa mùa địa phương, 2.000 - 3.000 giống cải tiến, triển vọng tạo nên ngân hàng gen rất lớn. Định kỳ các giống lúa được mang ra trồng và khai thác trong các chương trình lai tạo của Viện.

 

Giai đoạn đầu dù còn nhiều khó khăn, Viện đã vượt qua và vững vàng trở thành đơn vị tiên phong trong nghiên cứu khoa học trên cây lúa ở ĐBSCL. Đó là thành quả lao động miệt mài của các cán bộ, nhà khoa học Viện Lúa ĐBSCL bền bỉ qua nhiều thế hệ.

 

Chọn tạo những giống lúa doanh nghiệp chưa làm được

Như ông chia sẻ, các giống lúa do Viện Lúa ĐBSCL lai tạo chiếm tỷ lệ trên 70% diện tích gieo trồng ở ĐBSCL và đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Trong bối cảnh hiện nay, ngành hàng lúa gạo đứng trước nhiều cơ hội để nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, khẳng định thương hiệu gạo Việt trên thị trường quốc tế. Để thích ứng và phát huy sứ mệnh đó, Viện Lúa ĐBSCL cần hoạch định chiến lược phát triển như thế nào?

 

Trong bối cảnh tác động của BĐKH, chi phí vật tư nông nghiệp gia tăng, lực lượng lao động nông thôn ngày càng khan hiếm và nhu cầu nâng cao thu nhập của nông dân, đặt ra cho Viện Lúa ĐBSCL nhiều vấn đề cần giải quyết về mặt kỹ thuật. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi mô hình hoạt động theo cơ chế tự chủ, sự cạnh tranh trong nghiên cứu khoa học, yêu cầu ngày càng cao đối với các sản phẩm nghiên cứu trong sản xuất đòi hỏi Viện phải đổi mới tư duy quản lý, phương thức hoạt động và cách tiếp cận đa chiều trong nghiên cứu phù hợp với thực tiễn mới.

 

Hàng vụ, hàng năm, Viện đều tổ chức các chương trình trình diễn giống lúa mới, nhất là vụ đông xuân, cách làm này phát huy hiệu quả khá tốt. Mục đích của chương trình nhằm giới thiệu cho nông dân, HTX, cơ quan chuyên môn địa phương, doanh nghiệp sản xuất giống và kinh doanh xuất khẩu gạo các giống lúa có ưu điểm nổi trội, có thể đưa vào sản xuất. Đây là một kênh kết nối, tạo ra những tác động tích cực để đầu tư, phát triển các giống lúa mới. Và mỗi phân khúc gạo đều có những giống lúa triển vọng.

Nếu như trước đây chúng tôi cố gắng công nhận giống ào ạt, thì bây giờ quay lại câu chuyện chọn tạo giống phải phát huy hiệu quả cao trong sản xuất, không đưa ra những sản phẩm cạnh tranh lẫn nhau. Đồng thời, chúng tôi tập trung nghiên cứu, chọn tạo ra những giống lúa giải quyết những vấn đề doanh nghiệp chưa làm được như: lai tạo những giống lúa sử dụng phân bón hiệu quả hơn, thậm chí là những giống lúa trồng trong điều kiện ngập nước liên tục vẫn có thể giảm được phát thải khí nhà kính.

 

Hàng năm, Viện cung cấp khoảng 1.800 tấn giống các cấp (siêu nguyên chủng, nguyên chủng và xác nhận) sản xuất tại chỗ. Ngoài ra Viện có chương trình hợp tác với các doanh nghiệp, hợp tác xã lân cận, trong năm 2023 dự kiến cung cấp khoảng 7.000 tấn giống cho sản xuất ở ĐBSCL.

 

Hiện nay, Viện Lúa ĐBSCL đang sở hữu cũng như định hướng phát triển những giống lúa triển vọng nào thưa ông?

 

Hiện nay, bộ giống lúa đang tồn tại và phát triển tốt, đóng góp chủ lực là OM18 và OM5451. Ngoài ra trong phân khúc này, chúng tôi đang tiếp tục đưa vào phát triển giống OM429, OM34 đã được công nhận lưu hành.

 

Đối với chủng loại gạo Japonica, hiện nay DS1 đang được trồng khá nhiều, nhưng gặp một số vấn đề về thời gian sinh trưởng. Chúng tôi đang cố gắng hoàn thành thủ tục công nhận lưu hành giống OM46, đây là giống có thời gian sinh trưởng ngắn hơn, năng suất khá tốt và có tiềm năng phát triển, khắc phục được một số đặc tính còn hạn chế của giống DS1.

Với chủng loại nếp, hiện giống nếp Long An (IR4625) hay giống CK trồng chủ lực ở tỉnh An Giang bắt đầu có biểu hiện thoái hóa trong sản xuất. Chúng tôi đang lai tạo các giống nếp mô phỏng lại đặc tính và tìm ra những đặc tính nổi trội hơn để tạo ra những dòng nếp mới.

 

Đối với phân khúc gạo cao cấp, chúng tôi cũng vừa công nhận lưu hành giống OM8. Đặc tính của giống này là hạt dài, thơm, mềm cơm kỳ vọng sẽ đưa vào sản xuất.

Bình luận