Cây đa cổ thụ gần 1.000 năm tuổi là cây cổ thụ đầu tiên tại Đà Nẵng được công nhận là Cây di sản, có ý nghĩa lớn trong việc nâng cao giá trị của khu rừng tự nhiên trên Bán đảo Sơn Trà.
Được phát hiện vào năm 1771, qua nhiều khảo cứu, đánh giá của giới chuyên môn, các nhà khoa học, cây Đa trên Bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng được khẳng định là 1 trong những cây đa có hình dáng hùng vĩ bậc nhất Việt Nam, với chu vi thân 10m, 26 rễ phụ, mỗi rễ cao khoảng 25m. Và để đi vòng hết gốc đa này, phải cần đến nhiều người kết nối.
Nằm ở độ cao 700m so với mực nước biển, cây đa cổ thụ xanh mát bốn mùa, đứng hùng vĩ, hướng về phía biển. Năm 2014, sau khi được được các nhà khoa học xác định tuổi thọ khoảng 800 năm, vào tháng 6/2014, cây đa này đã chính thức được đưa vào trong hệ thống Cây di sản của Việt Nam và là cây cổ thụ di sản đầu tiên của thành phố Đà Nẵng.
Với tuổi thọ gần một nghìn năm tuổi, cây đa di sản Sơn Trà được đánh giá là thực thể sống động, độc nhất mà thiên nhiên đã ban tặng cho Thành phố Đà Nẵng. Và trong hành trình khám phá, tìm về vẻ đẹp của Bán đảo Sơn Trà, du khách sẽ cảm nhận trọn vẹn giá trị tuyệt vời mà thiên nhiên đã ban tặng.
Ngoài các giá trị về tuổi thọ, hình dáng, cây đa di sản Sơn Trà còn có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng và xây dựng quê hương của người dân Quảng Nam-Đà Nẵng từ xưa đến nay.
Năm 2014, ngay sau khi cây chính thức được đưa vào trong hệ thống Cây di sản của Việt Nam và là cây cổ thụ di sản đầu tiên của thành phố biển Đà Nẵng chính quyền thành phố Đà Nẵng đã giao các ngành chức năng căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ, tổ chức xây dựng kế hoạch bảo vệ bảo tồn nguồn gene quý, phát huy giá trị của cây đa di sản Sơn Trà.
Ngắm cây đa di sản từ nhiều góc nhìn, dù là tán cây với mặt trời chiếu sáng, hay những cột rễ tích tụ trầm tích nghìn năm, và cả những thảm lá đa vàng trải đều mặt đất, tất cả đều để lại cảm nhận không thể quên đối với người dân, du khách.