Ngày 2/10, Sở NN-PTNT Thanh Hóa phối hợp Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT cùng các tổ chức liên quan triển khai Hội thảo tham vấn Dự thảo phương án chuyển hạng thành Vườn quốc gia Xuân Liên.
Hội thảo nhằm tham khảo, lấy ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, tổ chức xã hội trong lộ trình xây dựng Vườn quốc gia Xuân Liên, dựa trên những Quyết định số 3239/QĐ-UBND ngày 23/8/2021, số 2346/QĐ-UBND ngày 3/7/2023 và số 2806/QĐ-UBND ngày 7/8/2023 của UBND tỉnh Thanh Hóa.
Ông Phạm Anh Tám, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên cho biết, khu bảo tồn được thành lập theo Quyết định số 1476/QĐ-UBND ngày 15/6/2000 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Hiện Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên được giao quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên diện tích 24.728,60 ha; trong đó, 23.816,23 ha rừng đặc dụng và 912,37 ha rừng sản xuất.
"Đây là trung tâm đa dạng sinh học đại diện cho khu vực Tây Bắc, Bắc Trung bộ và phía đông nước Lào", ông Tám chia sẻ.
Theo kết quả điều tra, Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên có 1.228 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 659 chi, 181 họ, trong đó có 56 loài thực vật rừng quý hiếm, có 11 loài thuộc danh mục của IUCN, 39 loài thuộc Sách Đỏ Việt Nam, 22 loài thuộc danh mục của Nghị định 84/2021/NĐ-CP.
Hệ động vật ở Xuân Liên gồm 1.811 loài, thuộc 241 họ, 46 bộ; có 94 loài nguy cấp, quý hiếm, có 34 loài ở mức đe dọa toàn cầu thuộc Danh mục Đỏ IUCN, 56 loài trong Sách Đỏ Việt Nam. Trong đó, có 3 loài đặc hữu hẹp, gồm: Vượn đen má trắng, Mang pù hoạt, Rùa hộp trán vàng bắc.
Bên cạnh những giá trị về đa dạng sinh học, Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên còn lưu giữ nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, độc đáo như các thác nước, nhà sàn cổ, một số khu làng nguyên sơ còn gìn giữ được các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc của các dân tộc Thái - Mường. Khu vực còn có lòng hồ Cửa Đạt rộng hơn 3.000 ha có giá trị to lớn về hệ sinh thái rừng ngập nước...
Hội thảo đã nhận 12 bài tham luận của các đại biểu là các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn, các nhà hoạt động xã hội và nhà báo đều nhất trí, rằng việc chuyển hạng khu bảo tồn thành Vườn quốc gia Xuân Liên là cần thiết, nhằm nâng cao công tác bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, giá trị đa dạng sinh học, các loài động, thực vật nguy cấp, quý, hiếm, đặc hữu.
Trải qua 23 năm hình thành và phát triển, đây cũng là lúc thích hợp để Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng, phòng hộ đầu nguồn, khai thác tiềm năng lợi thế của tài nguyên thiên nhiên, phát triển kinh tế bền vững.
Rừng Xuân Liên có nhiều cây sa mu, pơ mu quý hiếm, đặc biệt một số cây đã hơn nghìn năm tuổi. Ảnh: Khu BTTN Xuân Liên.
Rừng Xuân Liên có nhiều cây sa mu, pơ mu quý hiếm, đặc biệt một số cây đã hơn nghìn năm tuổi. Ảnh: Khu BTTN Xuân Liên.
Phát biểu kết luận hội thảo, Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa cảm ơn những ý kiến đóng góp quý báu, đồng thời nhấn mạnh rằng các đóng góp này là cơ sở quan trọng để hoàn thiện phương án chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên. "Chúng ta phải đặt lợi ích, đời sống và sinh kế của người dân sinh sống xung quanh rừng Xuân Liên lên trên hết. Sở NN-PTNT luôn cam kết đồng hành, hỗ trợ để việc chuyển hạng trong thời gian tới sẽ đi cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh", ông Cường nhấn mạnh.