HTX nâng giá trị cây cau bản địa giúp người dân Tiên Phước vươn lên làm giàu

Bình luận · 113 Lượt xem

Ở “thủ phủ cau” của tỉnh Quảng Nam là huyện Tiên Phước đang có những HTX đi đầu trong việc nâng giá trị cho cây cau bản địa thông qua chế biến, tận dụng triệt để nguồn phế phẩm, phát triển cau giống bản địa như: HTX

Vùng Tiên Phước vốn nổi tiếng với những vườn cau được trồng rộng khắp, mang lại giá trị kinh tế cao. Đón trước cơ hội từ trái cau, cách đây 5 năm người dân ở xã Tiên Lãnh (huyện Tiên Phước) đã liên kết thành lập HTX Cau sấy Tiên Phước, xem đó như bước ngoặt để mở hướng kinh doanh theo phương thức mới.

 

Mở đường đưa cau sấy xuất khẩu

 

Từ 9 thành viên ban đầu, đến nay HTX này có đến 29 thành viên liên kết phát triển, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Trong quá trình phát triển, HTX liên kết với 20 nhóm thu gom nguyên liệu từ hơn 200 hộ sản xuất cau trên địa bàn huyện và các vùng lân cận. Mỗi năm HTX thu mua khoảng 1.600 tấn quả cau tươi, xuất khẩu 400 - 500 tấn cau khô ra thị trường quốc tế.

Chị Trần Thị Luân, Giám đốc HTX, cho biết sản phẩm cau của HTX chủ yếu là xuất khẩu sang thị trường các nước Ấn Độ, Trung Quốc…nên việc đảm bảo chất lượng luôn được đặt lên hàng đầu. Nhất là công đoạn sấy khô cau được áp dụng công nghệ hiện đại. 

 

Theo chị Luân, HTX đầu tư máy móc hiện đại nhằm nâng cao chất lượng, giá trị cau Tiên Phước, mở rộng xuất ra các thị trường trên thế giới. Không chỉ sấy khô, tương lai cau còn được chế biến thành sản phẩm kẹo xuất khẩu ra thị trường các nước.

 

HTX này cũng đang ấp ủ ý tưởng đầu tư thêm công nghệ chế biến sâu từ cau, góp phần nâng giá trị chuỗi chất lượng cao từ sản vật đặc trưng của vùng. Không chỉ sấy khô, tương lai cau còn được chế biến thành sản phẩm kẹo, xuất khẩu ra thị trường các nước.

 

Với việc xuất khẩu hàng trăm tấn cau khô ra thị trường quốc tế mỗi năm đã giúp HTX Cau sấy Tiên Phước mở rộng quy mô sản xuất chế biến. Đây cũng được xem là “bà đỡ” giúp cho người dân ở xã Tiên Lãnh thoát nghèo và vươn lên làm làm giàu từ cây cau.

 

Cần lưu ý thêm, Tiên Phước có diện tích trồng cau khá lớn, hằng năm người dân thu hàng tỷ đồng từ bán quả cau tươi, nhưng chưa ai thu lợi từ việc bán mo cau. Chính vì vậy, cách đây 3 năm HTX Nông nghiệp kỹ nghệ Quảng Nam đi vào hoạt động ở xã Tiên Mỹ (huyện Tiên Phước) nhằm tận dụng thu mua mo cau để chế biến các sản phẩm gia dụng như chén, dĩa, muỗng, tô, ly…, góp phần tăng thu nhập cho người dân.  

 

Hái ra tiền từ mo cau

 

HTX Nông nghiệp kỹ nghệ Quảng Nam đã sử dụng mo cau tự nhiên được thu gom từ các hộ dân địa phương về rửa sạch, phơi khô, đầu tư vào máy móc công nghệ để ép ở nhiệt độ cao nhằm chế biến ra các sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cao, tinh xảo và đẹp mắt, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng yêu thiên nhiên trong và ngoài nước. 

Sản phẩm mo cau xứ Tiên của HTX này cách đây 2 năm đã có mặt tại Hà Lan với hàng chục nghìn sản phẩm và nhận được tín hiệu tích cực, thị trường tiêu thụ tốt, thị hiếu người tiêu dùng cũng cao. Từ đó đã mở ra cánh cửa thị trường xuất khẩu cho HTX, nhất là mở rộng, tiếp cận thị trường một số nước khác ở châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…với những sản phẩm mới, có giá trị xuất khẩu cao hơn.

 

Trong mỗi quý, giá trị thu mua bẹ, mo cau của HTX Nông nghiệp kỹ nghệ Quảng Nam là 200 triệu đồng, qua đó dự tính trung bình một năm HTX thu mua từ các hộ dân từ 300.000 – 400.000 bẹ, mo cau nhằm mang lại lợi ích kinh tế, góp phần nâng cao giá trị phế phẩm nông dân trồng cau cải thiện đời sống cho người dân trên địa bàn. Giải quyết trực tiếp cho 4-6 lao động nữ tại địa bàn.

 

HTX hiện có 16 mẫu sản phẩm gồm khay, chén, đĩa, muỗng, hộp và quạt làm hoàn toàn từ bẹ, mo cau tự nhiên, thay thế hộp xốp, nhựa giúp giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường. Bộ sản phẩm gia dụng được chế biến từ mo cau của HTX cũng đã được công nhận là sản phẩm OCOP của huyện Tiên Phước.

 

Chị Phan Vũ Hoài Vui, Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp kỹ nghệ Quảng Nam, cho biết người làm việc tại HTX có hơn 80% là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Việc phát triển của HTX sẽ tăng nguồn thu nhập cho các thành viên giúp cho chị em phụ nữ có thêm nguồn thu nhập ổn định và giúp phụ nữ tự tin hơn trong cuộc sống của mình. HTX cũng trích một phần lợi nhuận giúp đỡ chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trong xã Tiên Mỹ.

 

Chị Vui tin tưởng rằng sản phẩm chế biến từ mo cau của HTX - là tổ chức kinh tế tập thể của huyện Tiên Phước, đang đi đúng xu hướng của người tiêu dùng hiện nay, đó là sử dụng sản phẩm làm từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường, dần dần thay thế sản phẩm nhựa.

 

HTX này cũng đặt mục tiêu từ năm 2025 trở đi, khi quy trình ổn định, sẽ kết hợp các hộ nông dân mở rộng nguồn nguyên liệu để đảm bảo nguyên liệu đủ tiêu chuẩn cung ứng cho nhu cầu xuất khẩu và thâm nhập mạnh thị trường châu Âu.

 

Có thể thấy ngoài trái cau đã qua chế biến xuất khẩu thì các sản phẩm phụ như mo cau, tàu cau, thân cau đều được tận dụng làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm hàng thủ công, mỹ nghệ để tăng giá trị và thu nhập cho người dân Tiên Phước là rất đáng khích lệ.

 

Thu nhập ổn định nhờ giống cau bản địa

 

Huyện Tiên Phước được xem là “thủ phủ cau” của Quảng Nam với diện tích hiện có 1.002 ha, trong đó diện tích đã cho quả là 523 ha. Sản lượng năm đạt khoảng 2.664 tấn quả cau tươi, giá bán cau tươi biến động từ 30.000 – 90.000 đồng/kg tùy thời điểm. Sản phẩm xuất khẩu là quả cau sấy, thị trường tiêu thụ chủ yếu Trung Quốc. Giá trị thu nhập toàn huyện trên 100 - 200 tỷ đồng/năm.

Hàng chục năm qua, cây cau tre bản địa đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân Tiên Phước (Quảng Nam). Hiện nay người dân ở đây trồng chủ yếu trong vườn nhà, vườn đồi, địa bàn phân bố rộng ở 15 xã, thị trấn; vùng trồng tập trung nhiều nhất 2 xã Tiên Lãnh, Tiên Ngọc, với nhiều vườn cau quy mô 1-2ha, thu nhập mỗi năm lên đến hàng trăm triệu đồng.

 

Nhiều nông dân Tiên Phước hiện nay chặt bỏ cây keo để mở rộng trồng cau, do đặc tính của loại cây này dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, thời gian kiến thiết cơ bản ngắn nhưng thời kỳ kinh doanh dài (trên 50 năm). Mật độ trồng phổ biến từ 1.600 cây/ha đến 2.500 cây/ha.

 

Nắm bắt nhu cầu trồng cau bản địa, HTX Nông nghiệp hữu cơ Đất Quảng ở xã Tiên Cảnh (huyện Tiên Phước) đã đẩy mạnh ươm giống cau kịp thời cung cấp ra thị trường mỗi năm.

 

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc HTX, cho biết, nhu cầu trồng cau của người dân địa phương ngày càng tăng cao, vì thế, HTX không ngừng mở rộng diện tích vườn ươm.

 

Hiện tại, HTX Nông nghiệp hữu cơ Đất Quảng có hơn 3ha đất ươm cau giống, mỗi năm HTX ươm hơn 100.000 cây cau tre. Việc ươm cau bắt đầu từ tháng Giêng đến khoảng tháng 6 là xuất bán. Mỗi cây cau được HTX bán ra thị trường với giá 10 ngàn đồng/cây. Thị trường tiêu thụ cau giống chủ yếu ở các huyện Đại Lộc, Quế Sơn, Hiệp Đức và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Doanh thu đạt hơn 100 triệu đồng/năm.

 

Là một thành viên HTX, bà Nguyễn Thị Bình (xã Tiên Lãnh, Tiên Phước) phấn khởi cho biết, gia đình bà trồng hơn 1ha cau tre bản địa, mỗi năm thu được hơn 200 triệu đồng.

 

Có thể nói, cây cau không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo, bằng trí tuệ của những người tâm huyết với kinh tế hợp tác đã giúp cây cau ở huyện Tiên Phước ngày càng nâng cao được giá trị, qua đó giúp cải thiện đời sống cho người dân nơi đây, không còn cảnh nghèo khó và vươn lên làm giàu. Từ đó, góp phần đưa vùng quê này vững bước trên con đường xây dựng nông thôn mới. 

Bình luận