Thúc đẩy kinh tế nông nghiệp

Bình luận · 110 Lượt xem

Kỳ họp HĐND tỉnh mới đây đã thông qua nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách mới hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Vấn đề đặt ra là cần làm thế nào để đưa nhanh các cơ chế, chính sách này vào cuộc sống, mang lại hiệu q

Những năm qua, nhờ những chủ trương, cơ chế sát, đúng thực tiễn, nông nghiệp Bắc Giang có những bước tiến mạnh mẽ. Kinh tế nông nghiệp đã đem lại nguồn thu nhập ngày càng cao cho người dân, thu nhập từ trồng cây ăn quả, điển hình là vải thiều, cam, bưởi… tăng mạnh; các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP ngày càng đa dạng, phong phú, từng bước chiếm lĩnh, mở rộng thị trường.

 

Có thể dễ dàng nhận thấy nông nghiệp đã đóng góp tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội. Nhiều hộ dân đã vươn lên làm giàu từ kinh tế nông nghiệp.

 

Tuy nhiên, phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng. Nhiều loại cây trồng, vật nuôi phát triển chưa bền vững. Đầu ra nhiều loại sản phẩm còn khó khăn, lĩnh vực chế biến nông sản còn nhiều hạn chế, sản phẩm chủ yếu bán thô, sức cạnh tranh trên thị trường chưa cao.

 

Nguyên nhân của tình trạng trên là do sản xuất nông nghiệp còn manh mún, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật từ sản xuất, thu hoạch đến chế biến còn chậm, các mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ còn ít; bao bì mẫu mã chưa đa dạng, phong phú, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều…

 

Xây dựng các cơ chế, chính sách mới được xác định là một trong những khâu đột phá phát triển KT – XH của tỉnh. Tại kỳ họp vừa qua, HĐND tỉnh đã thông qua các nghị quyết số 25, 26, 27 có các cơ chế, chính sách mới về phát triển nông nghiệp như: Quy định mức chi hỗ trợ sản xuất giống; quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, bảo quản; quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản.

 

Tại các nghị quyết mới này có nhiều điểm được điều chỉnh, bổ sung từ những cơ chế, chính sách đã được thực hiện nhiều năm trước; nhiều nội dung bảo đảm phù hợp với các cơ chế, chính sách chung của Nhà nước và phù hợp với thực tiễn từng địa phương.

 

Những gợi ý để thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách trên đó là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ dân nông thôn. Tăng cường sự tham gia của ngân hàng để khơi thông vốn vay với lãi suất ưu đãi cho các nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng về nước sạch, điện và hệ thống giao thông trong nông thôn. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân trong việc vận chuyển, tiếp cận thị trường và phát triển sản xuất.

 

Phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ, gắn với phát triển các chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nhằm tăng giá trị hàng hóa và giảm thiểu rủi ro trong quá trình sản xuất và tiêu thụ.

 

Gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, tạo giá trị gia tăng, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững.

Bình luận