Động lực phát triển nông nghiệp vùng đô thị, công nghiệp

Bình luận · 198 Lượt xem

Tốc độ đô thị và công nghiệp hóa diễn ra nhanh đã làm thu hẹp đáng kể diện tích đất nông nghiệp, song nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học và đưa những cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, gắn với nhu cầu thị trường

Tận dụng không gian, nâng cao giá trị

 

Là huyện trọng điểm phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ nhưng thời gian qua huyện Việt Yên vẫn xác định sản xuất nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng, với cây trồng chính gồm lúa, rau quả, lạc, ngô… Mặc dù diện tích trồng cây hằng năm trên địa bàn huyện giảm mạnh (giảm hơn 2,2 nghìn ha so với năm 2016) song năng suất, sản lượng các sản phẩm chủ lực tăng lên. 

Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2021 là gần 80 nghìn tấn, tăng hơn 600 tấn so với năm 2016. Giá trị trên 1 ha đất nông nghiệp năm 2022 đạt 135 triệu đồng (tăng 40 triệu đồng so với năm 2016). Qua thống kê của huyện cho thấy, thu nhập từ sản xuất rau cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác. Cụ thể, lãi bình quân của 1 ha rau cao hơn gấp 5,22 lần trồng lúa và 4,27 lần trồng ngô.

 

Địa phương đang duy trì hơn 40 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 16,2 ha luân canh cho thu nhập từ 350 - 400 triệu đồng/ha/năm; 14 vùng sản xuất lúa tập trung với diện tích hơn 1,2 nghìn ha, 9 vùng sản xuất rau tập trung diện tích 294 ha, 5 vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm và 5 vùng chuyên canh thủy sản. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho thu nhập từ 2,5-3 tỷ đồng/ha/năm với các loại cây trồng được cấp chứng nhận VietGAP, xây dựng thương hiệu sạch. 

 

Theo ông Thân Văn Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên: "Với hơn 70% dân số sống ở nông thôn, gần 20% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Yên chủ trương phát triển nông nghiệp phục vụ nhu cầu tiêu dùng của khu vực công nghiệp, dịch vụ, một số siêu thị và nhu cầu nguyên liệu chế biến. Địa phương đã và đang cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng hình thành các vùng chuyên sản xuất cây, con chủ lực để tổ chức sản xuất quy mô lớn".

 

Tại TP Bắc Giang, mặc dù đang trong quá trình đô thị hoá với tốc độ nhanh, từ năm 2018 đến 2022 đã thu hồi 920 ha đất nông nghiệp nhưng thành phố vẫn ưu tiên đáng kể cho nông nghiệp bằng những cách làm, hướng đi riêng, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng tình trạng gia tăng tỷ lệ dân cư đô thị. Điều này được thể hiện ở việc thành phố đã quy hoạch 3 vùng sản xuất tập trung (2 vùng trồng rau, hoa và 1 vùng nuôi thủy sản) với tổng diện tích 68 ha. Ngoài ra còn một số cánh đồng mẫu lớn trồng lúa năng suất cao... TP Bắc Giang cũng từng bước giảm chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản khu vực nội thành và một số xã có tốc độ đô thị hóa nhanh.

 

Phát huy lợi thế về thị trường

 

Cả TP Bắc Giang và huyện Việt Yên đều có thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa, vì gắn với thị trường tiêu thụ lớn, hệ thống giao thông, thủy lợi đồng bộ. Tại TP Bắc Giang đã có nhiều mô hình nông nghiệp gắn với thị trường mang lại thu nhập cao. Như ở xã Song Khê với khoảng 2 ha trồng cây rau gia vị (mùi tàu) cho thu nhập cao gấp 4 lần trồng lúa, nhiều thời điểm cung không đủ cầu.

 

Hay mô hình trồng hoa, cây cảnh của gia đình anh Nguyễn Văn Lân ở thôn Núi, xã Dĩnh Trì được xem là điển hình trong phát triển nông nghiệp đô thị. Với hơn 7 nghìn m2 đất ruộng của gia đình và đi thuê, anh Lân đã xây dựng nhà màng chuyên trồng, cung cấp hàng trăm loài hoa, cây cảnh, cây nội thất, cây công trình… Theo anh Lân, sản phẩm hầu như được bán cho các đại lý, cộng tác viên bán hàng online.

 

Trên địa bàn thành phố còn có các mô hình trồng hoa giống mới, nuôi đà điểu gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm tại phường Đa Mai; ứng dụng công nghệ số trong nuôi cá rô phi thương phẩm (xã Đồng Sơn); sản xuất rau, hoa chất lượng cao tại xã Dĩnh Trì... Nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao hơn 2-5 lần so với cây trồng, vật nuôi truyền thống như: Trồng hoa lily, lay ơn trái vụ, đào ghép trên gốc cổ thụ, nho hạ đen, dâu tây chịu nhiệt, nuôi cá chạch, gà lai đông tảo, vịt siêu nạc…

 

Ông Trần Văn Thanh, Trưởng Phòng Kinh tế TP chia sẻ: “Thế mạnh trong nông nghiệp của TP là phát triển thâm canh, công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái, thích ứng với cơ chế thị trường. Một số khu vực nội thành phát triển mạnh mô hình trồng, dịch vụ cung cấp hoa, cây cảnh, trồng rau mầm, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp đô thị như hoa, cây cảnh tập trung, cho thu nhập gấp từ 10-15 lần so với trồng lúa. Góp phần nâng giá trị trên một đơn vị diện tích từ 130,6 triệu đồng/ha (năm 2018) lên 159 triệu đồng năm 2022. Giá trị sản xuất năm 2022 đạt 620,1 tỷ đồng (tăng 4% so với năm 2020)”.

 

Tương tự, huyện Việt Yên hiện nay có 4 khu công nghiệp và 4 cụm công nghiệp nên nhu cầu sử dụng các sản phẩm nông nghiệp an toàn ngày càng tăng, là điều kiện rất thuận lợi để lựa chọn các sản phẩm chủ lực, có sức cạnh tranh. Tuy nhiên, lãnh đạo các địa phương trên cũng nhận định, bên cạnh thuận lợi thì sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đang gặp khó bởi diện tích sản xuất ngày càng bị thu hẹp dẫn đến sản xuất còn phân tán, nhỏ lẻ, khó thu hút đầu tư; nhiều lao động từ lĩnh vực nông nghiệp chuyển dịch sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và các lĩnh vực khác…

 

Từ những thực trạng trên, giải pháp được các địa phương đề ra là quy hoạch, giữ ổn định các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào các khâu sản xuất nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm có tính cạnh tranh cao. Lựa chọn đưa vào sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có ưu thế vượt trội theo hướng sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Đồng thời khuyến khích việc dồn điền đổi thửa, thuê, chuyển nhượng đất nông nghiệp, tích tụ đất đai để hình thành những vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Cùng đó thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư xây dựng các cơ sở bảo quản, sơ chế, chế biến và tiêu thụ nông sản…

Bình luận