Chi Lăng triển khai cấp chứng nhận hữu cơ cho 430ha hồi

Bình luận · 254 Lượt xem

Theo kế hoạch, đến hết năm 2023, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) sẽ cấp giấy chứng nhận sản xuất hồi theo tiêu chuẩn hữu cơ cho 430ha.

Huyện Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) có điều kiện tự nhiên thích hợp cho việc trồng và phát triển cây hồi. Cây hồi đã giúp nhiều hộ dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Đặc biệt, từ năm 2020, huyện Chi Lăng triển khai thực hiện mô hình sản xuất hồi theo tiêu chuẩn hữu cơ tại một số xã trên địa bàn. Đến nay, mô hình này đã đem lại những hiệu quả bước đầu, từ đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng hồi, tạo chuyển biến tích cực về tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái, bền vững cho bà con vùng cao.

Người dân huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) thu hoạch hồi trồng theo hướng hữu cơ. Ảnh: Nguyễn Thành.

Người dân huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) thu hoạch hồi trồng theo hướng hữu cơ. Ảnh: Nguyễn Thành.

Hiện nay, diện tích trồng hồi của huyện Chi Lăng khoảng trên 1.500ha, tập trung tại các xã Bằng Mạc, Thượng Cường, Hòa Bình, Vạn Linh, Bằng Hữu và xã Gia Lộc. Trong đó, có trên 1.300ha đã cho thu hoạch.

Mặc dù cây hồi đã giúp bà con nâng cao thu nhập nhưng những năm qua, người dân trồng hồi đại đa số theo tập quán và kinh nghiệm cá nhân. Cùng với đó, không ít người dân chưa nắm rõ các quy trình trồng và chăm sóc cây hồi đúng kỹ thuật nên năng suất còn đạt thấp, chất lượng hoa hồi chưa đồng đều, nhất là các thị trường có yêu cầu khắt khe về dư lượng hóa chất nên chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường, hiệu quả kinh tế chưa cao.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm hồi, giúp nông dân có điều kiện tiếp cận và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, từ năm 2020, Phòng NN-PTNT huyện Chi Lăng phối hợp với UBND xã Gia Lộc và UBND xã Bằng Mạc triển khai mô hình trồng, chăm sóc hồi hữu cơ với diện tích 150ha trên địa bàn 2 xã với hơn 140 hộ tham gia.

Các hộ tham gia mô hình đều có diện tích rừng hồi đã cho thu hoạch và được tập huấn, chuyển giao quy trình trồng, chăm sóc cây hồi, được hỗ trợ một phần phân bón hữu cơ. Cụ thể, thực hiện chương trình trồng hồi theo hướng hữu cơ, trong năm 2020, huyện Chi Lăng đã hỗ trợ hơn 90 tấn phân bón hữu cơ cho các hộ tham gia mô hình.

Cây hồi trồng theo hướng hữu cơ đã mang lại nhiều lợi ích về môi trường, tăng thu nhập ổn định cho người dân. Ảnh: Nguyễn Thành.

Cây hồi trồng theo hướng hữu cơ đã mang lại nhiều lợi ích về môi trường, tăng thu nhập ổn định cho người dân. Ảnh: Nguyễn Thành.

Sau 1 năm triển khai mô hình, năng suất hồi canh tác hữu cơ thực hiện tại xã Gia Lộc đạt hơn 4,8 tấn/ha; năng suất hồi hữu cơ tại xã Bằng Mạc đạt hơn 6,3 tấn/ha. Năng suất hồi của các hộ sau khi triển khai mô hình đã tăng từ 10 đến 20% so với sản xuất truyền thống trước đây, giá trị đem lại từ mô hình sản xuất hồi theo tiêu chuẩn hữu cơ đạt trên 25 tỷ đồng, tăng từ 2,5 tỷ đến 5 tỷ đồng trên cùng diện tích so với sản xuất truyền thống trước đây.

Từ hiệu quả bước đầu của chương trình, đến nay, huyện Chi Lăng tiếp tục nhân rộng mô hình thêm 174ha, nâng tổng diện tích sản xuất hồi theo tiêu chuẩn hữu cơ của huyện lên hơn 435ha, với trên 400 hộ tham gia.

Trong  3 năm thực hiện, huyện đã triển khai 30 lớp tập huấn quy trình chăm sóc cây hồi theo tiêu chuẩn hữu cơ với gần 2 nghìn lượt người dân tham gia. Cùng với đó, các hộ triển khai mô hình sau khi tham gia tập huấn đã ký cam kết thực hiện đúng quy định, quy trình sản xuất theo hướng dẫn. Ngoài ra, huyện cũng đã hỗ trợ cây hồi giống cho bà con trồng mới hơn 50ha, hỗ trợ phân bón hữu cơ và áp dụng quy trình chuẩn hữu cơ vào sản xuất.

Qua theo dõi, đánh giá của Phòng NN-PTNT huyện Chi Lăng, việc tham gia trồng hồi hữu cơ đối với các hộ tham gia mô hình tại các xã trên địa bàn huyện đều đạt kết quả khả quan. Trên cơ sở đó, để tạo tâm lý yên tâm sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế từ cây hồi hơn nữa, Phòng NN-PTNT huyện đã kết nối, kêu gọi 3 doanh nghiệp tham gia vào liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hoa hồi cho bà con trên địa bàn huyện, góp phần tạo thị trường tiêu thụ ổn định và khuyến khích bà con tiếp tục duy trì sản xuất hồi hữu cơ.

Theo kế hoạch, đến hết năm 2023, huyện Chi Lăng sẽ cấp giấy chứng nhận sản xuất hồi theo tiêu chuẩn hữu cơ cho 430ha.

Theo kế hoạch, đến hết năm 2023, huyện Chi Lăng sẽ cấp giấy chứng nhận sản xuất hồi theo tiêu chuẩn hữu cơ cho 430ha.

Ông Linh Văn Tiến, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Chi Lăng, cho biết: "Chương trình trồng hồi hữu cơ dự kiến đến hết năm nay sẽ có thêm hơn 200ha. Bà con được tập huấn phải thực hiện đúng quy trình trồng theo quy trình hữu cơ để khi kiểm tra mẫu sản phẩm đạt tiêu chuẩn mới được cấp chứng nhận hữu cơ".

Việc chuyển sản xuất cây hồi sang hữu cơ, sử dụng phân bón hữu cơ thay thế cho phân bón vô cơ còn mang lại nhiều lợi ích như bảo đảm môi trường sống bền vững cho cây hồi, cây hồi khoẻ hơn, cho ra sản phẩm sạch và có giá trị hơn trên thị trường, tăng khả năng xuất khẩu, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước tạo nền sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững. Theo kế hoạch, đến hết năm 2023, huyện Chi Lăng sẽ cấp giấy chứng nhận sản xuất hồi theo tiêu chuẩn hữu cơ cho 430ha tại các xã tham gia chương trình.

Bình luận