Nơi nông dân tự làm phân vi sinh, thuốc thảo mộc để làm lúa hữu cơ

Bình luận · 240 Lượt xem

Hơn 140 xã viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Phong đã tự biết cách dùng công nghệ vi sinh xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón, chế phẩm BVTV thảo mộc...

Ông Đặng Văn Tắc, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Phong kể về quá trình khó khăn khi vận động bà con tham gia sản xuất lúa hữu cơ. Ảnh: Hoàng Anh.

Ông Đặng Văn Tắc, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Phong kể về quá trình khó khăn khi vận động bà con tham gia sản xuất lúa hữu cơ. Ảnh: Hoàng Anh.

Tân Phong là vùng lúa trọng điểm của huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Tổng diện tích canh tác mỗi năm trên 500ha, trong đó vụ chiêm xuân hơn 300ha và vụ mùa hơn 200ha. Ông Đặng Văn Tắc, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Phong chia sẻ: Từ nhiều năm trước, huyện Bình Xuyên đã phải nhường rất nhiều diện tích đất lúa để phát triển công nghiệp, những vùng lúa còn lại như Tân Phong bà con canh tác mỗi năm 2 vụ nhưng vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ.

Bài toán làm thế nào để cơ giới hóa, xây dựng chuỗi liên kết, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn hay chí ít là vận động bà con tham gia vào hợp tác xã nông nghiệp không phải chuyện đơn giản. Có những mùa vụ trên một cánh đồng mà bà con trồng hàng chục loại giống khác nhau. Mỗi nhà làm một kiểu. Đưa cơ giới hóa vào khó đã đành, sâu bệnh tứ tung, đến kỳ thu hoạch như tấm da báo, nhà trước nhà sau, giá bán thì loạn cả lên.

Lúa DT 39 canh tác theo quy trình hữu cơ (bên trái) vượt trội so với lúa canh tác truyền thống (bên phải). Ảnh: Hoàng Anh.

Lúa DT 39 canh tác theo quy trình hữu cơ (bên trái) vượt trội so với lúa canh tác truyền thống (bên phải). Ảnh: Hoàng Anh.

Những năm trước 2020, ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cũng như chính quyền địa phương từng có nhiều dự án xây dựng chuỗi liên kết vùng trồng lúa Tân Phong theo hướng hữu cơ nhưng tâm lý bà con ngại thay đổi nên không thành. Tập quán canh tác theo kiểu cũ, lạm dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV độc hại đã ăn sâu bám rễ, cộng với thực tiễn ruộng đồng manh mún, mỗi nhà một vài sào không bõ bèn gì nên nói chuyện liên kết dân không theo.

“Hợp tác xã hết họp lại đi đến từng nhà vận động các hộ trồng giống mới, theo quy trình hữu cơ nhưng ai cũng lắc đầu. Dân họ nói có thay đổi thì trồng lúa cũng không giàu được, bày vẽ quy trình này quy trình nọ làm gì thêm tốn công rách việc. Thậm chí trước năm 2018, hầu như vụ mùa nào cũng mất trắng, không bệnh bạc lá thì sâu đục thân, khô vằn, nhưng nói bà con thay đổi họ cũng không nghe”, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Phong phân trần.

Chính vì lẽ ấy mà khi Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn Quế Lâm triển khai xây dựng mô hình hợp tác xã liên kết sản xuất lúa gạo hữu cơ theo chuỗi giá trị tại một số tỉnh phía Bắc, ban đầu dân Tân Phong chẳng mấy mặn mà. Mặc dù là mô hình thí điểm ở Vĩnh Phúc nhưng vận động mãi chỉ được vài ba hộ tham gia, diện tích vỏn vẹn chưa đến 5 sào. Phải đến thời điểm vụ đầu tiên thành công, giống lúa DT39 trồng theo quy trình hữu cơ cho hiệu quả khác biệt rõ rệt so với canh tác truyền thống thì bà con mới suy nghĩ lại.

Lãnh đạo Tập đoàn Quế Lâm và Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra mô hình sản xuất lúa DT 39 hữu cơ ở Tân Phong. Ảnh: Hoàng Anh.

Lãnh đạo Tập đoàn Quế Lâm và Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra mô hình sản xuất lúa DT 39 hữu cơ ở Tân Phong. Ảnh: Hoàng Anh.

Vụ mùa năm 2023 này, khi Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Organic Quế Lâm phối hợp với HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Phong triển khai mô hình trồng lúa hữu cơ, đã có hơn 140 hộ dân tham gia với diện tích 15ha. Điều đặc biệt, không chỉ sản xuất lúa theo hướng hữu cơ thông thường mà bà con xã viên giờ đây đã ứng dụng công nghệ vi sinh xử lý phế phụ phẩm trong trồng trọt và chăn nuôi thành phân bón để “sản xuất lúa góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh”.

Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng Tân Phong sắp đến ngày thu hoạch, bà Trần Thị Thanh và Nguyễn Thị Ty - những người tiên phong thay đổi tập quán trồng lúa ở thôn Nam Bản (xã Tân Phong) phấn khởi cho biết: Tham gia mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, các hộ dân được ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% chi phí lúa giống. Hợp tác xã cũng ký hợp đồng liên kết với Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Organic Quế Lâm cung cấp giống, phân bón hữu cơ, chế phẩm bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc, hướng dẫn quy trình kỹ thuật ủ phân từ phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi và chăm sóc cây lúa theo hướng hữu cơ.

Người dân Tân Phong ứng dụng công nghệ vi sinh thực hiện mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Ảnh: Hoàng Anh.

Người dân Tân Phong ứng dụng công nghệ vi sinh thực hiện mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Ảnh: Hoàng Anh.

Quá trình canh tác, cán bộ Công ty cũng hỗ trợ bà con các khâu từ làm đất, xử lý gốc rạ bằng chế phẩm vi sinh, ủ phân vi sinh từ phụ phẩm bà con thu gom từ trồng trọt và chăn nuôi… Những thứ trước đây thường bỏ đi thì nay được xử lý để biến thành phân bón, tạo thành chuỗi nông nghiệp tuần hoàn. Ngoài ra, các hộ tham gia mô hình cũng không phải lo ngại chuyện thị trường vì cả đầu vào và đầu ra đều được cung ứng, bao tiêu.

“Năm ngoái gia đình tôi cấy 3 sào (sào 360m2) thu về được hơn 8 tạ thóc. Vụ mùa lúa xung quanh chết trắng vì sâu bệnh nhưng ruộng của gia đình trồng giống lúa DT 39 theo quy trình hữu cơ vẫn sinh trưởng tốt nên năm nay bà con mới hăng hái tham gia. Từ đầu vụ đến giờ mới chỉ dùng mấy thứ chế phẩm BVTV thảo mộc gia đình tự làm nhưng cũng chẳng bị sâu bệnh. Lúa năng suất hơn năm ngoái, hạt thóc mẩy hơn, vàng đẹp hơn”, bà Nguyễn Thị Ty hồ hởi.

Các diện tích lúa sản xuất theo hướng hữu cơ rất sạch sâu bệnh. Ảnh: Hoàng Anh.

Các diện tích lúa sản xuất theo hướng hữu cơ rất sạch sâu bệnh. Ảnh: Hoàng Anh.

Về giá trị kinh tế của mô hình, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Phong hạch toán: Trừ hết chi phí, một sào lúa người dân lãi khoảng tầm 1 tạ. Với giá liên kết bao tiêu bình quân 6.500 đồng/kg, tính ra người dân lãi 650.000 đồng mỗi sào.

Nhờ trồng giống lúa DT39 đồng bộ, chung thời vụ và quy trình canh tác nên bà con giảm được tối thiểu tiền thuê nhân công, máy móc. Ngoài ra, quá trình liên kết với Tập đoàn Quế Lâm, bà con được hướng dẫn làm phân bón vi sinh, chế phẩm BVTV thảo mộc giúp bà con tận dụng được nguồn phân bón từ chăn nuôi nên tiết kiệm được thêm một khoản chi phí đầu vào, hiện thực mô hình kinh tế tuần hoàn quy mô nông hộ.

Trong quá trình triển khai mô hình, bà con nông dân sử dụng phân hữu cơ vi sinh được sản xuất từ đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn, gà và phụ phẩm nông nghiệp để làm phân bón nên chỉ phải bỏ ra số tiền 500.000 đồng/sào, thấp hơn 90.000 đồng/sào so với các mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ được triển khai trên địa bàn tỉnh. 

Không chỉ cây lúa khỏe, sạch bệnh, môi trường đồng ruộng tại các diện tích sản xuất lúa hữu cơ cũng rất trong lành. Ảnh: Hoàng Anh.

Không chỉ cây lúa khỏe, sạch bệnh, môi trường đồng ruộng tại các diện tích sản xuất lúa hữu cơ cũng rất trong lành. Ảnh: Hoàng Anh.

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Thực hiện đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ của tỉnh và chương trình của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, thời gian qua tại Vĩnh Phúc, một số doanh nghiệp, HTX đã liên kết với các hộ dân trên địa bàn tỉnh thực hiện các mô hình sản xuất lúa hữu cơ. Đơn cử như Tập đoàn Quế Lâm đang triển khai trên 300ha.

Những mô hình ứng dụng công nghệ vi sinh xử lý phế phụ phẩm trong trồng trọt và chăn nuôi thành phân bón hữu cơ vi sinh để sản xuất lúa theo hướng hữu cơ nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh trên địa bàn Vĩnh Phúc đã mang lại nhiều lợi ích và thay đổi tập quán sản xuất của nông dân, từ đó góp phần xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. 

Bình luận