Hàu, tôm hùm chết bất thường

Bình luận · 234 Lượt xem

Thời tiết chuyển mùa, chiều tối thường xảy ra mưa, nhiệt độ đêm ngày chênh lệch, thủy sản nuôi, đặc biệt là hàu và tôm hùm dễ bị chết bất thường.

Hàu, tôm hùm bị chết bất thường

Trong tháng 9 vừa qua, tại khu vực nuôi Hòn Giữa - đầm Nha Phu, xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa) xảy ra tình trạng hàu chết. Tại bè của Công ty TNHH Hàu Thái Bình Dương Nha Trang, hàu được nuôi treo dây trên các phao bằng xốp, tỷ lệ chết lên đến khoảng 90%, ước thiệt hại khoảng 70 tấn. Tương tự, tại bè của ông Phan Tấn Trí, hàu nuôi từ 1 - 7 cũng có hiện tượng chết với tỷ lệ khoảng 70%, thiệt hại khoảng 10 tấn.

 

Theo người nuôi nơi đây, nguồn gốc hàu giống được người nuôi mua tại các cơ sở sản xuất, ương dưỡng cá giống trên địa bàn tỉnh. Riêng ông ty TNHH Hàu Thái Bình Dương Nha Trang tự sản xuất hàu giống.

 

Theo ông Hà Văn Khoa, Giám đốc Công ty TNHH Hàu Thái Bình Dương Nha Trang, chưa bao giờ người nuôi bị thiệt hại nặng như vậy.

 

Sau khi nhận được thông tin hàu chết, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa đã lấy mẫu hàu phân tích, xét nghiệm, kết quả không phát hiện bị nhiễm khuẩn Perkinsus (ký sinh trùng gây bệnh trên nhuyễn thể); chỉ phát hiện có nhiễm khuẩn Vibrio spp. nhưng mức độ thấp nằm trong giới hạn cho phép. Các chỉ số môi trường nước nuôi hàu hết nằm trong giới hạn cho phép đối với nuôi hàu.

 

Vì vậy, nguyên nhân gây nên hàu chết là do ảnh hưởng của hiện tượng chuyển mùa, chiều tối thường xảy ra mưa, nhiệt độ đêm ngày chênh lệch từ 3-5 0C, kết hợp với oxy hòa tan thấp dưới ngưỡng cho phép (<4mg/lít), nồng độ khí độc N-NO2 - cao vượt ngưỡng cho phép (0,5mg/l), trong khi khoảng cách giữa các lồng bè nuôi không đảm bảo.

 

Cũng trong tuần cuối tháng 9 vừa qua, tại Tàu Bể, thôn Bình Lập, xã Cam Lập (TP Cam Ranh) xảy ra hiện tượng tôm hùm nuôi chết bất thường.

 

Có 4 hộ nuôi gồm ông Đặng Ngọc Thạnh, ông Nguyễn Công Thành, ông Lê Văn Hùng và ông Nguyễn Minh Tân bị thiệt hại với 47 lồng nuôi tôm từ 5 đến 7 tháng tuổi, tỷ lệ chết khoảng 40% và 24 lồng tôm giống mới thả có tỷ lệ chết từ 50 đến 100%. Ngoài ra, một số hộ nuôi tôm xung quanh cũng xảy ra tôm chết nhưng tỷ lệ thấp.

 

Theo ông Đặng Ngọc Thạnh, khi tôm hùm chết, người nuôi phát hiện 1 luồng nước màu đỏ rộng 200m, dài 600m cách bờ 500 - 600m. Những hộ nuôi nằm trong khu vực luồng nước đều xảy ra hiện tượng tôm chết. Sau đó, một số người nuôi đã nhanh chóng sục khí ôxy vào trong lồng nuôi thì giảm được tỷ lệ tôm chết. Hiện nay, bà con nuôi tôm vẫn luôn duy trì sục khí ôxy vào lồng nuôi để bảo vệ đàn tôm.

 

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa, căn cứ điều tra thông tin dịch tễ vùng nuôi, các triệu chứng lâm sàng trên tôm và các chỉ số môi trường đã được phân tích xác định là do ảnh hưởng của luồng nước đỏ (khả năng do tảo nở hoa), từ đó khiến cho hàm lượng oxy trong nước xuống thấp gây chết tôm hùm.

 

Từ nay đến cuối năm, dự báo thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều thay đổi về sinh hóa bất lợi đối với nuôi trồng thủy sản, nhất là ở các vùng nuôi chịu ảnh hưởng của nước ngọt, rất dễ dẫn đến tình trạng thủy sản nuôi bị chết.

 

Để ứng phó, bà Trần Thanh Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa khuyến cáo đối với các cơ sở nuôi trồng thủy sản, cần thực hiện theo dõi các yếu tố môi trường trong thời điểm thời tiết chuyển mùa, thường xuyên đo các yếu tố môi trường, đặc biệt là oxy để có biện pháp xử lý kịp thời.

 

Đồng thời, người nuôi cũng phải theo dõi chặt chẽ biến động của thời tiết và biến đổi màu nước môi trường nước nuôi để có những biện pháp khắc phục, giảm thiệt hại thủy sản bị chết. Cũng như quản lý sức khỏe tôm nuôi, loại bỏ tôm chết, xác tôm lột, thức ăn thừa nhằm hạn chế tích lũy chất hữu cơ trong môi trường nước và chất hữu cơ lắng đáy.

 

Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa còn lưu ý người nuôi tôm hùm chọn con giống chất lượng, có nguồn gốc và không thả giống ở những vùng có nước mưa làm ngọt hóa vùng nuôi, tránh thiệt hại.

 

Trước tình trạng hàu chết, phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa khuyến cáo người nuôi thủy sản lồng bè cần tuân thủ quy hoạch nuôi trồng thủy sản trên biển tại địa phương. Khi phát hiện môi trường nước tại vùng nuôi diễn biến bất thường hoặc thủy sản chết, cần sớm thông báo đến các cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời.

 

Khi có thủy sản chết, người nuôi cần thu gom xác thủy sản chết đem vào bờ xử lý, không được xả thải, gây ô nhiễm môi trường. Người nuôi phải thực hiện kê khai ban đầu khi thả giống theo quy định; có sổ ghi chép nhật ký theo dõi trong quá trình nuôi, lưu trữ hồ sơ liên quan như: giấy chứng nhận kiểm dịch, thu mua con giống và tuân thủ quy trình kỹ thuật trong quá trình nuôi.

Kim Sơ

Bình luận