Ngày 6/10 tại tỉnh Bắc Giang, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phổi hợp với Hội Làm vườn Việt Nam tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề "Giải pháp đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp đa giá trị và liên kết chuỗi để phát triển kinh tế VAC hiệu quả, bền vững".
Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 đã xác định các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tích cực, toàn diện, đồng bộ để phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.
Về tầm quan trọng của mô hình VAC (vườn - ao - chuồng) trong quá trình thúc đẩy nền nông nghiệp tuần hoàn, TS Phan Huy Thông, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho rằng, kinh tế vườn hay kinh tế VAC là thành tố quan trọng của kinh tế hộ gia đình nông thôn và kinh tế nông nghiệp ở nước ta.
Ngoại trừ các đại điền trang quy mô lớn của các công ty, tập đoàn kinh tế lớn trong nông nghiệp, còn lại các loại hình vườn hộ, trang trại, gia trại nhỏ và vừa của các hộ gia đình, tổ hợp tác, HTX sản xuất rau, hoa, quả, cây công nghiệp, cây dược liệu, chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi trồng thủy sản... đều thuộc phạm vi kinh tế VAC.
Theo thống kê sơ bộ năm 2021, kinh tế VAC chiếm trên 80% sản lượng rau, quả; trên 60% sản lượng thịt, trứng và khoảng trên 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản...
VAC cũng chiếm 50 - 60% lượng xuất khẩu đối với sản phẩm rau, quả, thủy sản của nước ta; trên 70% các sản phẩm OCOP cũng xuất phát từ kinh tế VAC. Mặt khác, kinh tế vườn cũng tạo điều kiện chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp theo hướng đa giá trị, kết hợp nông nghiệp với công nghiệp chế biến, phát triển du lịch sinh thái và các dịch vụ đào tạo, giải trí, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, gia tăng giá trị, tạo thêm việc làm và thu nhập cho nông dân, cải thiện cảnh quan môi trường sinh thái và góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.
Tại diễn đàn, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh - Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho rằng, dù mang lại những lợi ích không nhỏ, tuy nhiên, hiện nay, việc triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp tại nước ta vẫn đang ở mức khiêm tốn; các mô hình tái chế và tận thu phế phụ phẩm trong nông nghiệp còn chưa phát triển.
Nguyên nhân do các chính sách liên quan đến việc hỗ trợ, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn chưa được hoàn thiện. Việc đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế tuần hoàn còn hạn chế. Đặc biệt, hiện nay nước ta còn chưa phát huy hết các tiềm năng từ nguồn nguyên liệu phế phụ phẩm lớn trong ngành nông nghiệp.
Đồng tình cùng quan điểm trên, bà Phạm Thị Vượng - Phó Chủ tịch Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam cho biết, hiện nay, tỷ lệ thu, tái chế phụ phẩm trong nông nghiệp còn quá thấp. Theo thống kê, hàng năm, ngành nông nghiệp có nguồn phế phụ phẩm vô cùng lớn với khoảng 156,8 triệu tấn. Trong đó, đối với ngành hàng lúa, khối lượng phụ phẩm ước tính 47 triệu tấn rơm rạ, 8,6 triệu tấn tro trấu, 5,6 triệu tấn cám.
"30 tỷ đô la mỗi năm từ phụ phẩm nông nghiệp có thể bị lãng phí nếu chúng ta không biết tận dụng tối đa nguồn tài nguyên này", bà Vượng chia sẻ.
Đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy kinh tế VAC phát triển bền vững, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (Bộ NN-PTNT) đề xuất cần gắn kết phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp với các mô hình kinh tế tuần hoàn của các ngành khác, trên từng vùng để mang lại hiệu quả kinh tế tốt nhất.
Thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp, cụ thể hóa và ban hành các chính sách khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn đối với từng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn gắn kết trong chuỗi sản xuất nông nghiệp tuần hoàn từ khẩu trồng trọt, chăn nuôi đến chế biến, tạo nên một vòng tròn khép kín tổng thể, tích hợp đa giá trị.
Đối với nguồn nhân lực làm kinh tế VAC, cần phải xây dựng các chương trình đào tạo, giải pháp kỹ thuật cho nông dân phục vụ nhu cầu chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hình thành chuỗi sản xuất khép kín, tái sử dụng phụ phẩm, tạo sản phẩm đa giá trị.
Bên cạnh đó, liên kết giữa các cơ sở đào tạo nhân lực về nông nghiệp như các trường đại học, cao đẳng, trung cấp.... để đào tạo, chuyển giao kiến thức về nông nghiệp tuần hoàn thường xuyên cho người nông dân. Liên kết giữa các cơ sở nghiên cứu và đào tạo với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông nghiệp tuần hoàn để gắn đào tạo với thực tế, thực nghiệm.
Tại diễn đàn, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp cùng Hội Làm vườn Việt Nam trong việc hoàn thiện các chính sách, cơ chế hỗ trợ, kết hợp xây dựng các mô hình nông nghiệp tuần hoàn, chuỗi nông nghiệp tuần hoàn. Đồng thời đẩy mạnh quảng bá các mô hình một cách hiệu quả. Mặt khác, sẽ tạo không gian kết nối giữa Hội Làm vườn Việt Nam và lực lượng khuyến nông cơ sở, tạo điều kiện tham quan học hỏi nhằm nhân rộng các mô hình trên quy mô toàn quốc.