An toàn dịch bệnh nhờ chăn nuôi công nghệ cao: [Bài 2] Trang trại bò sữa tự động hóa

Bình luận · 190 Lượt xem

Quản lý bằng phần mềm tiên tiến và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, trang trại bò sữa của Công ty cổ phần Anova Agri Bình Dương đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Cánh chim đầu đàn

Tọa lạc tại xã Phước Sang, huyện Phú Giáo, trang trại bò sữa của Công ty cổ phần Anova Agri Bình Dương được xem là mô hình tiên phong trong ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực chăn nuôi.

 

Những thành công của công ty đã thổi làn sinh khí mới cho ngành chăn nuôi địa phương, từ việc chăn nuôi theo phương thức truyền thống với nhiều rủi ro, nhiều trang trại, hộ gia đình nơi đây đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại, dây chuyền sản xuất tiên tiến vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Dẫn chúng tôi thăm trang trại chăn nuôi bò sữa theo quy trình khép kín, hầu hết các công đoạn chăn nuôi được tự động hóa hoàn toàn từ chế biến thức ăn, thu gom và xử lý chất thải, vắt sữa,…

 

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Anova Agri Bình Dương Nguyễn Thanh Trung cho biết, trang trại có quy mô trên 470ha, được khởi công xây dựng vào đầu tháng 5/2013 với số vốn hơn 215 tỉ đồng.

 

“Ngay từ khi xây dựng dự án, chúng tôi đã nghiên cứu những dự án đi trước để từ đó chắt lọc lại và áp dụng, trong đó, tiên quyết là môi trường và an toàn dịch bệnh”, ông Trung chia sẻ.

 

Theo đó, Công ty đã đưa vào ứng dụng CNC trong chăn nuôi bò sữa thông qua phần mềm quản lý đàn tiên tiến của châu Âu. Công nghệ chuồng trại theo một quy trình khép kín, phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của bò và kế hoạch chu chuyển đàn tổng thể.

 

Mỗi khu chuồng đều có sân chơi được bố trí xen kẽ với từng khu vực chuồng trại, vừa có tác dụng cách ly cục bộ, tạo độ thông thoáng, vừa đảm bảo sự vận động cần thiết cho các cá thể bò sữa. Ngoài ra, Công ty còn lắp đặt công nghệ điều khiển vi khí hậu trong chuồng kiểm soát bởi máy đo và phần mềm quản lý, có tác dụng cân bằng nhiệt độ trong chuồng trại ở một mức phù hợp và chống stress nhiệt cho bò. 

 

Bên cạnh đó, công nghệ dinh dưỡng và kiểm soát việc cho bò ăn được áp dụng, phù hợp theo từng lứa tuổi và từng nhóm bò, chế độ dinh dưỡng phù hợp cho từng lứa tuổi bò và từng nhóm bò cụ thể. Công ty cũng đã áp dụng công nghệ làm lạnh và bảo quản sữa tự động, quản lý chất lượng sữa bằng việc tự động điều chỉnh hạ nhiệt độ của sữa xuống ở nhiệt độ phù hợp hơn, từ đó có thể giữ sữa tươi được nhiều ngày.

 

Đặc biệt, phân và nước thải sẽ được thu gom trong chuồng bằng máy, sau đó được tách và xử lý bằng công nghệ để biến thành phân bón hữu cơ giàu dinh dưỡng cung cấp cho nông dân liên kết trong vùng dự án, nước phân dùng để tưới cánh đồng cỏ của trang trại góp phần bảo vệ môi trường…

 

Từ việc ứng dụng công nghệ cao, Công ty đã được các cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận áp dụng quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP (năm 2018) và chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật (năm 2019).

 

“Hoạt động công nghệ chúng tôi áp dụng đều được chạy bằng hệ thống quản lý phần mềm và vừa qua chúng tôi đã làm việc với các chuyên gia nước ngoài để nội địa hóa bằng tiếng Việt. Trong tương lai, chúng tôi có thể cắt một phần công nghệ quản lý phần mềm này để chuyển cho người nông dân nhằm giúp bà con quản lý hiệu quả hơn cho trang trại”, ông Trung chia sẻ.

 

Thị trường rộng mở

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Anova Agri Bình Dương Nguyễn Thanh Trung cho biết thêm: Hiện tỷ lệ sữa tươi của Việt Nam đưa vào chế biến không nhiều so với nhu cầu thị trường, nên các công ty sữa phải dùng sữa khô, sữa bột nhập khẩu, vì vậy đầu ra của sữa tươi hiện nay rất tốt.

 

Mặt khác, bò sữa nuôi theo hướng công nghệ cao, kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến thì chi phí sản xuất sẽ thấp hơn, chất lượng sữa khai thác luôn ổn định ở mức cao hơn vì có sự quản lý chặt chẽ về dinh dưỡng, khai thác sữa, bảo quản sữa tươi nguyên liệu sau khi vắt và vệ sinh an toàn dịch bệnh.

 

Từ đó, giá thu mua sữa tươi nguyên liệu tại trại chăn nuôi công nghệ cao luôn cao hơn giá thu mua từ các hộ chăn nuôi thông thường. Hiện tổng đàn bò sữa của trang trại trên 1.000 con cung cấp ra thị trường 8.000.000 lít sữa chất lượng cao mỗi năm.

 

 

Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Giáo Trần Minh Đức cho biết, với mục tiêu giảm tỷ trọng, tăng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp, huyện Phú Giáo đang tập trung các nguồn lực để phát triển vật nuôi chủ lực heo, bò, gà… Đồng thời, huyện cũng khuyến khích phát triển các vùng sản xuất tập trung an toàn, đa dạng hóa các loại vật nuôi đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài huyện.

 

Có thể thấy, việc áp dụng mô hình chăn nuôi công nghệ cao giúp giảm bớt sức lực, thời gian cho người lao động; nâng cao độ chính xác, tốc độ làm việc và tối ưu chi phí, giúp xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường, an toàn dịch bệnh một cách triệt để nên đã được xem là xu hướng tích cực cho ngành chăn nuôi hiện nay.

 

Minh chứng là trang trại bò sữa ứng ứng dụng công nghệ cao của Công ty cổ phần Anova Agri Bình Dương. Ngành chăn nuôi, thú y địa phương đang cùng với doanh nghiệp từng bước chuyển giao, nhân rộng mô hình góp phần phát triển ngành nông nghiệp Phú Giáo theo hướng bền vững”, ông Trần Minh Đức nhấn mạnh.

 

Trần Trung

 

 

Bình luận