Nhiều chính sách hiệu quả giúp kinh tế vượt khó

Bình luận · 184 Lượt xem

LTS: Nội dung bàn và cho ý kiến kết luận về tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023, kế hoạch năm 2024 trong chương trình Hội nghị Trung ương tám khóa XIII của Đảng đang thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Vừa qua,

Kết quả kinh tế-xã hội 9 tháng cho thấy nhiều điểm sáng. Đầu tiên, tăng trưởng GDP quý III-2023 đạt 5,33%. Trong bối cảnh khó khăn, con số không phải quá cao, nhưng rất tích cực trong thời điểm này, qua đó đóng góp vào tăng trưởng GDP 9 tháng là 4,24%. Đáng chú ý, kết quả này được tăng trên nền tăng trưởng GDP quý III-2022 rất cao. Điều này cho thấy, nền kinh tế dần lấy lại đà tăng trưởng, quý sau tăng nhanh hơn quý trước, tháng sau tích cực hơn tháng trước. Nếu so sánh với các nước trong khu vực, các nước trên thế giới thì tăng trưởng của Việt Nam là khá cao.

 

Điểm nhấn trong bức tranh kinh tế-xã hội 9 tháng năm 2023 là công tác điều hành linh hoạt, hiệu quả của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về chính sách tiền tệ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi, điều hành tỷ giá phù hợp, bảo đảm tính thanh khoản của toàn hệ thống. Tiếp theo là kiểm soát lạm phát, giải ngân đầu tư công. Giải ngân vốn đầu tư công sau 9 tháng đạt hơn 51% là kết quả rất đáng khích lệ. Lần đầu tiên, kết quả giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đạt được hơn 50%. Đặc biệt, trong năm nay khi bối cảnh thế giới nhiều biến động thì đất nước đã đạt nhiều kết quả rất tốt về đối ngoại. Đây là nội dung rất quan trọng trong điều hành kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng cả năm.

 

Tại phiên họp Chính phủ vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật các kịch bản tăng trưởng GDP năm 2023 lần lượt là 5%; 5,5%; 6% để có những giải pháp điều hành phù hợp. Chính phủ đã đặt mục tiêu phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất trong năm 2023. Thời gian tới, nền kinh tế tiếp tục gặp những khó khăn, thách thức. Đó là, tình hình kinh tế thế giới có những diễn biến, tác động khó lường. Điển hình như, tình hình lạm phát, giá cả năng lượng, lương thực... cũng như cách ứng xử về chính sách tài khóa tiền tệ của các nền kinh tế lớn hiện nay rất khó đoán định.

 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải thích ứng với các tiêu chí xanh, tiêu chí phát triển bền vững của các nhà nhập khẩu... Do vậy, vấn đề của chúng ta là nắm chắc tình hình kinh tế thế giới để có cách ứng xử phù hợp. Trong quý IV, các động lực chính của nền kinh tế cũng phải tạo ra được các đột phá. Đó là tạo đột phá trong sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Bên cạnh đó, trong dịp cuối năm sẽ có sự gia tăng nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn, chủ lực của Việt Nam. Hoạt động du lịch, tiêu dùng trong nước trong dịp cuối năm và cận kề Tết Nguyên đán 2024 cũng sẽ gia tăng, là cơ sở để các động lực chính như xuất khẩu, thị trường trong nước tăng trưởng nhanh hơn.

Đồng chí Phạm Thanh Hà, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: 

 

Thực hiện các giải pháp để tiếp tục giảm lãi suất

 

Trong những tháng đầu năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, nhiều quốc gia vẫn thắt chặt chính sách tiền tệ và duy trì xu hướng tăng lãi suất. Giá dầu tăng cao, xung đột, thiên tai, biến đổi khí hậu... tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng, giá cả hàng hóa và dòng vốn đầu tư toàn cầu. Là nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam cũng chịu những tác động lớn từ bên ngoài. Trong bối cảnh như vậy, thực hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trên cơ sở bám sát diễn biến vĩ mô trong và ngoài nước, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn hệ thống ngân hàng thực hiện các giải pháp để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và đặc biệt chú trọng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận vốn vay.

 

Liên quan đến vấn đề tiếp cận tín dụng và tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế, trong 9 tháng năm 2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành 11 văn bản chỉ đạo về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng đối với một số đối tượng, ngành, lĩnh vực; về vấn đề lãi suất, phí dịch vụ ngân hàng. Với nhiều nỗ lực, tăng trưởng tín dụng chung toàn quốc đã có chuyển biến tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước. Đến ngày 29-9-2023 tăng trưởng tín dụng tăng 6,92% so với cuối năm 2022. Tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng cao.

 

Trong thời gian tới, để góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, bên cạnh các giải pháp của các bộ, ngành, địa phương, ngành ngân hàng tiếp tục tích cực triển khai: Thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, gắn việc đầu tư tín dụng ngân hàng để thực hiện các chương trình, dự án theo quy hoạch của các địa phương. Tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng, chỉ đạo tổ chức tín dụng tích cực triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, trọng tâm là Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng qua hệ thống ngân hàng thương mại; các chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...

 

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận tín dụng, tiếp tục tiết giảm chi phí điều hành và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu. Tích cực rà soát, cắt giảm phí nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân; chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng.

 

-----------------------------------------------------

 

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam:

 

Trái cây và rau quả lập kỷ lục mới về xuất khẩu

 

Trong bối cảnh một số mặt hàng như thủy sản, đồ gỗ và lâm sản gặp khó khăn trong xuất khẩu do cầu từ các thị trường chính: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... sụt giảm, mặt hàng rau, quả và trái cây (chủ yếu là trái cây) trở thành một trong những điểm sáng khi kim ngạch xuất khẩu thiết lập kỷ lục mới.

 

Từ đầu năm 2023 đến nay, trung bình mỗi tháng Việt Nam xuất khẩu khoảng 400 triệu USD mặt hàng rau, quả và trái cây (tháng 9-2023 ước đạt gần 587 triệu USD, tăng 33,4% so với cùng kỳ năm 2022). Tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng rau, quả và trái cây 9 tháng năm 2023 đạt khoảng 4,2 tỷ USD, tăng 71,8% so với cùng kỳ năm 2022. Sở dĩ kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau, quả và trái cây tăng mạnh là vì giá trị xuất khẩu sầu riêng 9 tháng qua đã đạt 1,5 tỷ USD (xuất khẩu sầu riêng năm 2022 của Việt Nam đạt 200-250 triệu USD). Xuất khẩu trái cây và rau, quả tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhờ trị giá xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh. Hiện thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu rau, quả và trái cây của Việt Nam. Cùng với Trung Quốc, xuất khẩu rau, quả sang các thị trường như EU, Hàn Quốc, Hà Lan, UAE cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng khả quan. Dự báo xuất khẩu trái cây và rau, quả năm 2023 của Việt Nam có thể đạt 5-5,2 tỷ USD. 

 

Thành công này nhờ một phần rất lớn từ công tác đối ngoại, xúc tiến thương mại rất thành công của nước ta trong thời gian qua. Việt Nam đã ký được Nghị định thư với Trung Quốc xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng sầu riêng (tháng 7-2022); chuối (tháng 11-2022); cùng với đó là các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Tôi mong muốn các doanh nghiệp và nông dân tiếp tục đẩy mạnh liên kết chuỗi để nâng cao chất lượng các loại trái cây và rau, quả của Việt Nam hơn nữa, cả từ mẫu mã, bao bì sản phẩm nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của các thị trường xuất khẩu. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng rau, quả và trái cây một cách bền vững.

 

-------------------------------------------

 

Ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội:

 

Hạ tầng giao thông đang phát triển nhanh

 

Những năm qua, hạ tầng giao thông của đất nước không ngừng được quan tâm, đẩy mạnh, hiện thực hóa chủ trương hạ tầng giao thông đi trước để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Cùng với hạ tầng hoàn thiện, trong đó có hệ thống đường cao tốc, các doanh nghiệp vận tải đã chuẩn bị các yếu tố để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, phục vụ người dân tốt hơn, từ phương tiện, thiết bị trên xe đến người lái, vận hành bảo đảm thời gian.

 

Hiện nay, tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông đang được xây dựng. Khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ tạo động lực rất lớn, giúp hoạt động vận tải nhanh chóng, an toàn, hiệu quả hơn. Nhiều nước trên thế giới cũng ưu tiên phát triển đường cao tốc vì lợi ích kinh tế-xã hội mang lại và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh. Vấn đề cần quan tâm không chỉ là tiến độ xây dựng mà còn chất lượng công trình giao thông, cần bảo đảm chất lượng tốt, không nên để hiện tượng vừa làm xong đã xuống cấp. Vừa qua, trục đường cao tốc từ Hà Nội đến Nghệ An đã được nối liền, tạo thuận lợi lớn cho người dân khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả cần bảo đảm đồng bộ hơn, tạo thuận lợi hơn nữa cho các phương tiện, trong đó có xe kinh doanh vận tải. Đường cao tốc cần bổ sung thêm các điểm, trạm dừng nghỉ, vừa là nơi đón, trả khách vừa là điểm dừng chân, nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, một số đoạn cao tốc đang giới hạn tốc độ tối đa 80km/giờ, trong khi quốc lộ đã cho phép chạy 90km/giờ, đây là vấn đề cần được nghiên cứu để điều chỉnh cho phù hợp.

 

Đối với doanh nghiệp vận tải, khi tốc độ lưu thông được nâng lên, thời gian vận chuyển ngắn thì giá thành sẽ hạ xuống. Có thể giá cước ban đầu còn ở mức cao vì cần nguồn vốn đầu tư, tính toán để khấu hao, thu hồi vốn nhưng sẽ được điều chỉnh dần trong quá trình phương tiện hoạt động. Ngoài hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, liên tỉnh cũng cần quan tâm đến chống ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn bởi nếu không có giải pháp hiệu quả sẽ ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng đến đời sống người dân và hoạt động của doanh nghiệp.

 

----------------------------------------------------

 

Bà Đinh Thị Thi, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội:

 

Nhiều hỗ trợ qua chính sách bảo hiểm xã hội

 

Năm 2023, tình hình kinh tế-xã hội thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nhu cầu tiêu dùng và các hoạt động kinh tế tiếp tục suy giảm. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, nhiều lao động nghỉ việc, giãn việc, gây áp lực lớn tới hệ thống an sinh xã hội. Khi doanh nghiệp cắt giảm lao động sẽ khiến người nhiều lao động mất việc làm và không còn thuộc diện được tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc. Tuy nhiên, do hiểu được tầm quan trọng của chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), rất nhiều người lao động đã tiếp tục ở lại "lưới an sinh" bằng cách đóng BHXH tự nguyện. Mỗi tháng, họ chắt chiu một khoản tiền nhỏ để tham gia BHXH, đổi lại được yên tâm có tuổi già thảnh thơi nhờ lĩnh lương hưu và được cấp thẻ BHYT chăm sóc sức khỏe...

 

Tôi được biết, sau khi được Nhà nước hỗ trợ, mức đóng thấp nhất của người tham gia BHXH tự nguyện hiện nay là: 231.000 đồng/tháng (với người thuộc hộ nghèo); 247.000 đồng/tháng (với người thuộc hộ cận nghèo); 297.000 đồng/tháng (với đối tượng khác). Đặc biệt, nhằm tạo điều kiện cho người lao động tự do được tiếp cận và thụ hưởng chính sách BHXH, hiện nay, nhiều tỉnh còn hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương cho người tham gia BHXH tự nguyện ngoài mức quy định của Nhà nước. Do đó, số tiền thực đóng của người dân khi tham gia BHXH tự nguyện tại các địa phương này tiếp tục thấp hơn.

 

BHXH tự nguyện có giá trị nhân văn, ưu việt và đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người tham gia. Khi tham gia BHXH tự nguyện, người lao động sẽ được Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng theo quy định và được lựa chọn phương thức đóng linh hoạt, phù hợp với thu nhập của bản thân như: Đóng định kỳ (hằng tháng; 3 tháng một lần; 6 tháng một lần; 12 tháng một lần; nhiều năm một lần (không quá 5 năm/lần); hoặc đóng 1 lần cho những năm còn thiếu (không quá 10 năm) để đủ điều kiện hưởng lương hưu

Bình luận