Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại ở hầu hết các khu vực

Bình luận · 199 Lượt xem

Theo dự báo của UNCTAD, kinh tế thế giới tăng trưởng 2,4% trong năm 2023, giảm so với mức 3% của năm 2022 và ít có dấu hiệu phục hồi.

Theo báo cáo Thương mại và Phát triển 2023, Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) nhận định, kinh tế thế giới trì trệ và tăng trưởng bắt đầu chậm lại ở hầu hết các khu vực từ năm 2022 và chỉ có một số ít các quốc gia có thể đi ngược xu hướng này. Theo báo cáo này, kinh tế thế giới đang có các hướng tăng trưởng khác nhau, bất bình đẳng gia tăng, thị trường ngày càng thu hẹp.

Bà Rebeca Grynspan - Tổng thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD): "Nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại bất chấp những tin tốt như hạ cánh mềm của kinh tế Mỹ trong năm nay. Thứ hai, nợ là một vấn đề và rất nhiều nước đang phát triển đang rơi vào khủng hoảng nợ. Thứ ba là đầu tư yếu trong tín dụng. Thứ tư, điều chúng tôi lo lắng là thiếu cạnh tranh và khả năng tài chính của thương mại ở các thị trường quan trọng".

 

Theo báo cáo, quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19 có sự khác biệt giữa các nền kinh tế. Trong bối cảnh tăng trưởng chậm lại và thiếu phối hợp chính sách, sự khác biệt này làm gia tăng quan ngại về con đường tiến về phía trước của nền kinh tế thế giới.

 

"Về Trung Quốc, chúng tôi đã hạ dự báo tăng trưởng từ 5% xuống 4,8% do nhu cầu nội địa yếu hơn, đó là một sự chậm lại nhưng không quá bi quan. Chúng tôi nghĩ rằng tốc độ tăng trưởng ở Trung Quốc đang chậm lại, nhưng không phải là một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng", bà Rebeca Grynspan nhấn mạnh

Báo cáo kêu gọi, cần có các cải cách cấu trúc tài chính toàn cầu, các chính sách thực tế hơn để kiềm chế lạm phát, giải quyết tình trạng bất bình đẳng và nợ công cũng như các biện pháp tăng cường giám sát các thị trường quan trọng. Cơ quan về phát triển và thương mại của Liên hợp quốc cũng hối thúc đảm bảo các thị trường minh bạch và được quản lý tốt để hệ thống thương mại toàn cầu công bằng hơn.

 

Khủng hoảng nợ phủ bóng tăng trưởng kinh tế

 

Theo báo cáo của Liên hợp quốc thì một trong các thách thức tác động đến triển vọng kinh tế toàn cầu đó là tình trạng nợ đang gia tăng tại nhiều quốc gia, phủ bóng triển vọng tăng trưởng.

 

Theo Viện tài chính quốc tế, nợ toàn cầu đã đạt mức kỷ lục là 307 nghìn tỷ USD vào năm 2023. Lạm phát tăng cao đã đẩy nợ toàn cầu lên mức cao mới. Điều này cũng làm gia tăng các lo ngại về việc kinh tế toàn cầu sẽ suy yếu trong năm nay.

 

Bà Kristalina Georgieva - Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF): "Không gian tài chính và dự trữ bị thu hẹp, nợ đã tăng lên và việc trả nợ trở nên khó khăn hơn do điều kiện tài chính thắt chặt hơn. Hỗ trợ quốc tế đã không còn đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng".

 

Ngân hàng thế giới cho biết, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển là những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các cuộc khủng hoảng nợ. Những quốc gia đang chịu các áp lực về nợ lớn có thể kể đến là Lebanon, Pakistan, Sri Lanka, Ai Cập, Ethiopia, Ghana, Kenya, Zambia… những nước vốn đang phải hứng chịu nhiều tác động đa chiều từ khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng khí hậu..

Quỹ Tiền tệ quốc tế thì ước tính, để đáp ứng các khoản thanh toán nợ, ít nhất 100 quốc gia sẽ phải giảm chi tiêu cho y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội.

 

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres: "Các nước đang phát triển phải đối mặt với chi phí đi vay cao gấp 8 lần so với các nước phát triển - một cái bẫy nợ. Và cứ ba quốc gia trên thế giới thì có một quốc gia có nguy cơ cao xảy ra khủng hoảng tài chính. Hơn 40% số người sống trong tình trạng nghèo cùng cực ở các quốc gia có thách thức nợ nần nghiêm trọng".

 

Ông Dennis Francis - Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc: "Khoảng 3,3 tỷ người, một nửa nhân loại sống ở các quốc gia chi tiêu nhiều hơn cho việc trả nợ hơn là cho y tế, giáo dục hoặc bảo trợ xã hội".

 

Các chuyên gia cảnh báo, nếu các quốc gia vỡ nợ, điều đó có thể gây ra sự hoảng loạn cho thị trường tài chính và suy thoái kinh tế.

 

Liên hợp quốc nhận định, các nỗ lực hiện tại nhằm giải quyết khủng hoảng nợ là chưa đủ do quy mô và tính cấp bách của tình hình. Chính vì thế mà việc hỗ trợ các nước vượt qua khủng hoảng nợ được xem là ưu tiên thảo luận tại cuộc họp thường niên do Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tổ chức tại thành phố Marrakech, Marocco vào tuần tới.

Bình luận