Quảng Nam: Lĩnh vực công nghiệp, xây dựng giảm hơn 23%

Bình luận · 212 Lượt xem

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội quý III và một số nhiệm vụ trọng tâm quý IV/2023 thì tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tính 9 tháng giảm 8,76% so với cùng kỳ năm 20

Hoạt động sản xuất công nghiệp và xây dựng trong 9 tháng giảm sút do nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng mới, chi phí nguyên vật liệu tăng cao. Toàn ngành công nghiệp 9 tháng giảm 25,2% so với cùng kỳ. Đây là mức giảm sâu nhất trong những năm qua, làm giảm 7,84 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung toàn nền kinh tế. Trong đó, ngành Công nghiệp giảm 25,2% và ngành Xây dựng giảm 12%. Mặc dù chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất lắp ráp có hiệu lực từ ngày 01/7/2023 nhưng tình hình tiêu thụ xe chưa thực sự khả quan kéo theo ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 27,1%. Do nắng nóng kéo dài, các nhà máy thủy điện trên địa bàn không thể hoạt động hết công suất nên ngành sản xuất và phân phối điện giảm 22%. Ngành khai khoáng và ngành cung cấp nước tăng 4%, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 12,2% nhưng chiếm tỷ trọng nhỏ nên tác động đến tăng trưởng chung không đáng kể. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 9 tháng giảm 28,9%, trong đó, ngành khai khoáng giảm gần 2%, ngành công nghiệp chế biến - chế tạo giảm 30,8%, ngành sản xuất và phân phối điện giảm 19,7%, ngành cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 9,9%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực có sản lượng tăng, như cát tự nhiên khác 288 nghìn m3, tăng 13,3%, nước ngọt 235 triệu lít, tăng 2,1%, cấu kiện nhà lắp sẵn bằng kim loại 4,4 nghìn tấn, tăng 53%. Bên cạnh đó một số sản phẩm có mức giảm đáng kể như ôtô các loại giảm 51%, đá xây dựng giảm 16%, mạch điện tử tích hợp 3,4 tỷ chiếc, giảm 27%, gạch xây dựng bằng đất sét nung 70,3 triệu viên, giảm 42%, điện sản xuất 2,9 tỷ KWh, giảm 24%… Riêng chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong tháng 9 tăng 44,3% so với tháng trước và tăng 79% so với cùng kỳ, tính chung 9 tháng giảm 20,2%.

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn giảm 40% so cùng thời điểm năm 2022, đến cuối tháng 9 ước đạt trên 13.648 tỷ đồng, bằng 51% dự toán HĐND tỉnh giao. Tổng chi ngân sách địa phương đạt 16.034 tỷ đồng, đạt 47% dự toán.Tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu 9 tháng đạt hơn 2,7 tỷ USD, giảm 28,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong 9 tháng, đã giải quyết thủ tục hải quan cho 542 doanh nghiệp, thông quan hàng hóa cho 90.441 tờ khai, giảm 12,3%; giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh cho 196 lượt phương tiện vận chuyển đường biển, tăng 47,4% và 15.261 lượt phương tiện vận tải đường bộ, tăng 168,7%.

Về đầu tư công năm 2023, tổng vốn đầu tư hơn 9.278 tỷ đồng. Đến nay, kế hoạch vốn năm 2023 đã phân bổ 7.520 tỷ đồng, đạt 97%, trong đó, vốn ngân sách trung ương 2.961 tỷ đồng, đạt 98% và vốn ngân sách địa phương 4.558 tỷ đồng, đạt 96%. Tính đến ngày 29/9/2023, tổng vốn đầu công giải ngân 4.060 tỷ đồng, đạt 43,8%. Các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 được chỉ đạo quyết liệt và liên tục, như: một số dự án đầu tư công giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt chủ trương và điều chỉnh chủ trương đầu tư; điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án thu hồi đất để tiếp tục thúc đẩy đầu tư và đảm bảo điều kiện triển khai các công trình, dự án trên địa bàn. Đến nay, đã thực hiện điều chuyển kế hoạch vốn năm 2023 hơn 252 tỷ đồng từ các dự án giải ngân thấp sang các dự án khác có tỷ lệ giải ngân cao và có nhu cầu bổ sung vốn.

Lĩnh vực thương mại, dịch vụ có sự tăng trưởng tích cực, tiếp tục sôi động. Nhu cầu mua sắm của người dân tăng, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm kéo theo tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng. Hoạt động thương mại, vận tải, du lịch đóng góp tích cực vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc, các ngành, địa phương, doanh nghiệp đã tích cực, chủ động tổ chức và liên kết nhiều sự kiện, chương trình để đẩy mạnh quảng bá xúc tiến du lịch, lượng khách tham quan và lưu trú trong 9 tháng tăng cao so với cùng kỳ, đặc biệt là thị trường khách quốc tế tăng mạnh và dần phục hồi. Doanh thu các nhóm ngành dịch vụ trong tháng 9 đều tăng. Ngành vận tải, kho bãi trên địa bàn tỉnh hoạt động nhộn nhịp và khởi sắc, đặc biệt là hoạt động vận tải hành khách do nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, nhất là trong dịp hè và các dịp lễ hội.

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do nhu cầu tiêu dùng giảm sút, thiếu hụt đơn đặt hàng, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao và nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng… điều này đã tạo áp lực lớn trong việc duy trì sản xuất cũng như tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 907 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký đạt 4.782 tỷ đồng, giảm 78 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước và tăng 265 doanh nghiệp so với lũy kế đến hết quý II.

Công tác xúc tiến đầu tư thời gian qua đã được đẩy mạnh thực hiện với nhiều hình thức đa dạng như: hợp tác chặt chẽ, cung cấp các thông tin về môi trường đầu tư tỉnh Quảng Nam đến các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước; xúc tiến đầu tư thông qua làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư; hệ thống tài liệu, ấn phẩm xúc tiến đầu tư đang được biên tập lại để cập nhật các nội dung mới, trình bày khoa học, phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư. Tuy nhiên, so với cùng thời điểm năm 2022, tình hình thu hút đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước đều giảm. Cấp mới 16 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký khoảng 1.834 tỷ đồng, điều chỉnh 19 dự án, chấm dứt hoạt động 04 dự án, lũy kế đến nay có 1.137 dự án đầu tư trong nước đang còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 225 nghìn tỷ đồng. Cấp mới 01 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư 01 triệu USD, thu hồi 03 dự án theo đó tổng số dự án FDI còn hiệu lực là 193 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 6 tỷ USD.

Bình luận