Tạo điều kiện tốt nhất để thanh niên dân tộc thiểu số đi làm việc tại nước ngoài

Bình luận · 191 Lượt xem

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi đã tạo điều kiện tốt nhất để đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) miền núi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đây được xem là một trong các giải pháp hiệu quả góp phần tạo việc l?

Anh Trần Ngọc Sang (1980, trú xã Ba Động, H.Ba Tơ) từng đi lao động theo hợp đồng tại Hàn Quốc 9 năm. Theo anh Sang, công việc ở nước ngoài tuy vất vả nhưng có thu nhập cao. Kết thúc hợp đồng lao động trở về quê, anh Sang đã có nguồn vốn để đầu tư mở tiệm cắt tóc và buôn bán cây cảnh. Cuộc sống của gia đình anh khá ổn định. Anh Sang cho biết, bản thân chỉ học hết THPT, nếu không chọn đi làm việc tại nước ngoài mà ở lại quê hương làm lao động phổ thông, chắc chắn bây giờ không thể có một số tiền lớn để làm vốn. Cũng chính vì thấy đi lao động nước ngoài cho hiệu quả kinh tế, kết thúc 3 năm hợp đồng ban đầu, anh tiếp tục gia hạn thêm.

Được biết, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đang được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp H.Ba Tơ quan tâm, chỉ đạo sát sao. Các cấp ủy đảng, các hội, đoàn thể của huyện đã, đang tập trung tuyên truyền để người lao động (NLĐ) mạnh dạn đăng ký đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Nhờ đó, thời gian gần đây, nhiều thanh niên là người ĐBDTTS đăng ký học tiếng để đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng

Anh Phạm Văn Trờ (1989, trú xã Ba Thành) là một trong số 17 người của H.Ba Tơ sẽ xuất cảnh đi làm việc tại Nhật Bản trong tháng 10 năm nay. Anh Trờ cho hay, từng tốt nghiệp Đại học, do không có việc làm ổn định, anh quyết định đi lao động nước ngoài để học hỏi, nâng cao thu nhập, giúp gia đình có cuộc sống tốt đẹp hơn. “Được sự vận động của chính quyền địa phương, đồng thời tìm hiểu những người từng đi lao động tại nước ngoài về thấy họ tích lũy được vốn để làm ăn nên tôi đã chọn đăng ký đi Nhật Bản. Hy vọng qua bên đó, mọi việc thuận lợi, tôi vừa có tiền trang trải cuộc sống, vừa có tích lũy gửi về quê cho gia đình”- anh Trờ chia sẻ.

Chủ tịch UBND H.Ba Tơ Phạm Xuân Vinh cho biết, nhờ có chương trình đưa người đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng, nhiều gia đình trên địa bàn huyện đã có tiền để sửa sang, xây dựng nhà cửa, mua nhiều đồ dùng sinh hoạt và dành dụm được khoản vốn nhất định để đầu tư sản xuất thay đổi cuộc sống. UBND huyện chủ trương lấy những trường hợp cụ thể để làm công tác tuyên truyền. Nhờ đó, việc vận động trở nên dễ dàng hơn, ngày càng có nhiều người đăng ký đi làm việc tại nước ngoài hơn.

Hiểu được tâm lý của người ĐBDTTS ngại đi xa, ngại giao tiếp, quen với việc làm nông nghiệp thuần túy theo mùa vụ, sợ chi phí xuất cảnh cao, UBND H. Trà Bồng đã chỉ đạo các phòng, ban, hội, đoàn thể, địa phương thành lập các đoàn để đến từng hộ gia đình có người trong độ tuổi lao động nhằm tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Nhà nước, của UBND tỉnh về hỗ trợ thanh niên là người ĐBDTTS, vùng miền núi đi làm việc ở nước ngoài. Phó Chủ tịch UBND H.Trà Bồng Đỗ Đình Phương cho hay, huyện đẩy mạnh tuyên truyền cho thanh niên để chính họ - những người sẽ trực tiếp đi lao động thay đổi nhận thức trước, sau đó là tuyên truyền cho bố mẹ mình. Khi hiểu được lợi ích của việc đi lao động tại nước ngoài theo hợp đồng, họ sẽ mạnh dạn đăng ký. Theo thống kê, năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, H.Trà Bồng đã có 57 người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng và hiện có 45 em đang học tiếng tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.

Những chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho NLĐ đi làm việc ở nước ngoài đã giúp NLĐ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, NLĐ là dân tộc thiểu số có việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Nhiều NLĐ khi hết hạn hợp đồng về nước lại tiếp tục tham gia vào thị trường lao động tại địa phương với ý thức, trách nhiệm và kỹ năng tay nghề cao. NLĐ không chỉ thoát nghèo mà còn có khả năng hỗ trợ, tạo điều kiện cho người thân trong gia đình, đầu tư sản xuất kinh doanh.

Bình luận