Nằm bên sườn núi, xã người Dao huyện Ba Vì cách đây chục năm có đời sống kinh tế, xã hội rất khó khăn. Ông Lăng Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Ba Vì nhớ lại, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, xã có hơn 30% là hộ nghèo, 98% là người dân tộc Dao, trình độ dân trí không đồng đều, còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất hạ tầng, xã cũng không có nguồn thu nào đáng kể. Lời giải cho bài toán trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương gần như bế tắc. Song, bằng sự hỗ trợ của Trung ương, của thành phố và huyện về cơ sở hạ tầng, xã người Dao đã bắt đầu có những động lực để phát huy, tiềm năng lợi thế của địa phương.
Theo ông Lăng Văn Hà, sau khi có hạ tầng đường xá thuận lợi, địa phương tập trung tuyên truyền để người Dao thay đổi nhận thức, không ỷ lại nhà nước, tự vươn lên, thoát nghèo. Vốn có nghề chế biến, sản xuất thuốc nam truyền thống, người Dao đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư trồng cây thuốc, mua máy móc để mở mang nghề của cha ông. Do nghề làm thuốc đem lại hiệu quả kinh tế, từ chỗ có vài hộ thì nay cả xã có 316 hộ gia đình theo nghề, với 9 hợp tác xã thuốc nam. Nhờ có thu nhập tốt từ cây thuốc, nhiều hộ đồng bào Dao đã xây dựng nhà cao tầng, mua sắm ô tô, cùng các vật dụng hiện đại phục vụ cuộc sống. Cả xã hiện chỉ còn có 8% hộ nghèo.
Theo ông Trần Quang Khuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, sau khi tìm được lời giải cho xã khó khăn nhất, huyện tập trung cao độ cho xây dựng nông thôn mới ở những xã còn lại với tinh thần "Vừa làm vừa rút kinh nghiệm; duy trì, củng cố vững chắc kết quả đạt được".
Trước tiên, Ba Vì tập trung vào công tác quy hoạch nông thôn mới ở các xã, thị trấn trên địa bàn; trong đó, quy hoạch xây dựng nông thôn mới của các xã đảm bảo cập nhật, khớp nối về giao thông, hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan kiến trúc đồng đồng bộ theo hướng phát triển đô thị.
Tiếp đó, huyện xác định xây dựng hạ tầng là động lực, tiền đề để phát triển nên đã huy mạnh mẽ vai trò của người dân, toàn xã hội vào cuộc. Trong 10 năm qua, huyện đã đầu tư hơn 9.943 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới. Theo đó, huyện đã cải tạo nâng cấp hơn 1.000 km đường giao thông, 400 km rãnh thoát nước ở khu dân cư; xây dựng mới và cải tạo sửa chữa 110 trường học, 30/30 xã có hội trường..
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện huy động người dân hiến hàng chục ha đất, hàng nghìn ngày công và 180 tỷ đồng. Dù là huyện nghèo nhưng Ba Vì không để nợ đọng xây dựng cơ bản trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Tự hào về thành quả xây dựng nông thôn mới của huyện, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng chia sẻ, nhờ có sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sáng tạo, linh hoạt trong triển khai các giải pháp đã giúp bộ mặt nông thôn, nhất là xã miền núi có đồng bào thiểu số sinh sống khởi sắc hơn nhiều so với năm cách đây 10 năm.
Hệ thống giao thông từ đường làng, ngõ xóm, kênh, mương nội đồng đến đường liên thôn, liên xã, trường học, trạm y tế, hệ thống điện, các công trình bảo vệ môi trường, các thiết chế văn hoá được huyện quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ.
Dồn lực cho giai đoạn mới
Về sản xuất nông nghiệp, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho rằng, khi huyện đã đạt nông thôn mới, việc sản xuất nông nghiệp không thể như trước đây, cần phải nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp. Huyện đã định hướng người dân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, từ đó đã hình thành các vùng nông nghiệp tập trung: miến rong (Khánh Thượng, Minh Quang), chè an toàn (Ba Trại), cây dược liệu thuốc nam (Ba Vì), khoai lang (Đồng Thái), rau hữu cơ an toàn (Chu Minh)…; năng suất các loại cây trồng tăng từ 10-15% so trước.
Huyện có 138 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, có 75 sản phẩm đạt 4 sao, 63 sản phẩm đạt 3 sao; trọng tâm là các sản phẩm từ sữa, thịt, rau quả, có giá trị trên thị trường.
Với lợi thế vị trí và địa hình đẹp, huyện có nhiều địa điểm du lịch sinh thái, tâm linh, nghỉ dưỡng thu hút 2,5 triệu lượt khách/năm, đem lại giá trị kinh tế cao, tạo việc làm ổn định cho hơn 2.000 người, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng du lịch dịch vụ. Thu nhập bình quân toàn huyện năm 2022 đạt 61,3 triệu đồng/người/năm (tăng 43,1 triều đồng so với năm 2010).
Dù là huyện miền núi, nhiều cây xanh nhưng khi bắt tay xây dựng nông thôn mới, Ba Vì đã quan tâm đến vấn đề vệ sinh môi trường nông thôn. Hiện nay, cứ cuối tuần, người dân tự động tham gia “Ngày chủ nhật xanh”; “Ngày chủ nhật tình nguyện” để thu gom rác thải ở đường làng ngõ xóm.
Đặc biệt, huyện đã triển khai cuộc thi thôn, ngõ xóm “Sáng, xanh, sạch, đẹp và an toàn”, bước đầu xuất hiện mô hình mới như: “Con đường bích họa”, “Đoạn đường thanh niên tự quản”, “Tuyến đường phụ nữ nở hoa”... Ngoài ra, đời sống văn hóa tinh thần được huyện quan tâm đầu tư, đồng bảo thiểu số phát huy tốt bẳn sắc dân tộc, biến nông thôn Ba Vì thành nơi đáng sống.
Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, xây dựng nông thôn mới chỉ là đích đến chứ không phải là điểm dừng nên thời gian này, huyện đang bước vào giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao. Tính đến giữa năm 2023, huyện có 4 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là Phú Phương, Tản Hồng, Sơn Đà và Vạn Thắng. Từ nay đến cuối năm, huyện phấn đấu có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (Phú Đông, Phong Vân, Minh Quang và Đông Quang) và xã Tản Hồng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Ông Đỗ Mạnh Hưng nhận định, do xuất phát điểm kinh tế còn thấp nên thời gian tới huyện sẽ gặp không ít khó khăn về nguồn lực để đầu tư cho hạ tầng khung, đòi hỏi mỗi cán bộ người dân phải quyết tâm cao hơn nữa, dồn mọi nguồn trí lực, vật lực để đạt kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu với mục tiêu tối thượng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Trên tinh thần này, huyện sẽ tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; giải quyết việc làm cho lao động nông thôn…