Cụ thể, số kinh phí trên được hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân xây dựng chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng; xây dựng bao bì, nhãn mác sản phẩm; truy xuất nguồn gốc điện tử và hồ sơ công bố chất lượng; xây dựng bao bì, nhãn mác sản phẩm OCOP.
Trong đó, thành phố hỗ trợ kinh phí sản xuất bao bì, nhãn mác sản phẩm OCOP cho mỗi đơn vị 20 triệu đồng gồm: Hộ sản xuất chả tré ông Chánh (quận Hải Châu), Cơ sở sản xuất chả cá Cây Sang (quận Thanh Khê), Cơ sở sản xuất nước chấm Y Phụng (quận Thanh Khê), Hộ kinh doanh Hạng Huệ (quận Thanh Khê), HTX Nông sản sạch Đô 37 (quận Ngũ Hành Sơn).
Đồng thời, thành phố cũng hỗ trợ xây dựng bao bì, nhãn mác sản phẩm, nhãn hiệu sản phẩm OCOP cho 5 đơn vị khác ở huyện Hòa Vang, mỗi đơn vị 30 triệu đồng.
Hỗ trợ kinh phí để chủ thể xây dựng câu chuyện sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ đánh giá, xếp hạng sản phẩm với mức 20 triệu đồng cho các HTX Nấm Nhơn Phước, HTX sản suất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan, Cơ sở sản xuất Phước Ẩn, Công ty Đại Cường, Công ty Toàn Gia Phú… Trong đợt này, thành phố cũng sẽ hỗ trợ chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng (ISO, HACCP,…) cho một số đơn vị có sản phẩm OCOP, với mức kinh phí 30 triệu đồng…
UBND thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì triển khai thực hiện thanh, quyết toán kinh phí hỗ trợ đúng quy định về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp.
Được biết, TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu xây dựng ngành nông nghiệp theo hướng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông nghiệp văn minh”. Mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 đạt bình quân từ 3,0 - 3,5%/năm. Trong đó, nông nghiệp đạt từ 1 - 2%/năm; thủy sản đạt từ 3- 4%; lâm nghiệp đạt từ 4- 5%/năm. Tốc độ tăng năng suất lao động thủy sản, nông lâm đạt bình quân từ 5,5 - 6,0%/năm.
Tiếp tục tập trung chương trình xây dựng nông thôn mới toàn diện gắn với đô thị hóa, phấn đấu đến năm 2025 có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có ít nhất 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu và huyện Hòa Vang được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao…