Theo thông tin từ ngành Nông nghiệp tỉnh, đến nay, toàn tỉnh đã xuống giống 330.381ha lúa (vượt kế hoạch đề ra), đã thu hoạch 324.690ha (đạt 98%). Sản lượng lúa hơn 2 triệu tấn, đạt hơn 102% kế hoạch, tăng 0,55% so cùng kỳ. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp tỉnh còn tập trung thực hiện tốt Dự án Phát triển sản xuất lúa đặc sản, góp phần nâng sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao lên 1,9 triệu tấn, chiếm hơn 94% sản lượng lúa toàn tỉnh và sản lượng lúa đặc sản, lúa thơm các loại chiếm hơn 54%. Tình hình tiêu thụ lúa trong 9 tháng đầu năm rất thuận lợi, do nhu cầu của thị trường (đặc biệt thị trường xuất khẩu gạo) tăng cao nên giá lúa tăng so với những năm gần đây. Cụ thể, vụ Đông - Xuân (2022 - 2023) lúa có giá từ 6.000 - 8.000 đồng/kg (cao hơn cùng kỳ 900 - 1.150 đồng/kg), vụ Hè - Thu giá từ 6.000 - 8.500 đồng/kg (cao hơn cùng kỳ từ 900 - 2.400 đồng/kg). Sau khi trừ các chi phí, nông dân canh tác lúa có lợi nhuận từ 20,5 - 23 triệu đồng/ha (cao hơn cùng kỳ từ 5 - 16 triệu đồng/ha).
Đối với cây ăn trái, toàn tỉnh có diện tích gần 29.000ha (tăng 0,48% so với cùng kỳ), với các loại cây ăn trái như: chuối, xoài, cây có múi, vú sữa, nhãn... trong đó có 13.439ha sản xuất theo hướng hữu cơ. Hiện có 94 mã số vùng trồng được ngành chuyên môn cấp trên cây ăn trái, diện tích hơn 582ha. Ngành Nông nghiệp tỉnh còn hỗ trợ các hợp tác xã liên kết ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm trái cây cùng các công ty, doanh nghiệp với sản lượng 870 tấn, trong đó sản lượng trái cây xuất khẩu hơn 291 tấn. Về tiêu thụ sản phẩm trái cây trong 9 tháng đầu năm, giá bán trái cây đa số đều tăng từ 2.000 - 38.000 đồng/kg, một số loại có giá tăng mạnh như: mãng cầu xiêm, mít Thái, nhãn các loại.
Về nuôi trồng và khai thác hải sản, toàn tỉnh đã thả nuôi thủy sản diện tích 67.231/74.000ha, đạt gần 91% kế hoạch, trong đó diện tích thả nuôi tôm nước lợ 47.608/51.000ha. Sản lượng thủy hải sản 284.706/352.000 tấn, đạt gần 79% kế hoạch, tăng gần 7% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng nuôi trồng 232.186 tấn, tăng gần 9% so cùng kỳ (tôm nước lợ 150.971 tấn, cá và thủy sản khác 81.215 tấn). Sản lượng hải sản khai thác trên biển đạt 52.520 tấn. Giá bán tôm nguyên liệu giảm sâu, ở tất cả các kích cỡ, từ 98.000 - 184.000 đồng/kg, giảm từ 16.000 - 78.000 đồng/kg so với cùng kỳ. Hiện tại, giá tôm tăng cao hơn so với các tháng trước, đây là niềm vui lớn đối với ngành Nông nghiệp tỉnh và của bà con nuôi tôm.
Theo đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, để hoàn thành các chỉ tiêu UBND tỉnh giao cho ngành Nông nghiệp tỉnh, trong các tháng còn lại của năm 2023, đơn vị quan tâm thực hiện về thu hoạch lúa Hè - Thu và Thu - Đông (2023), hướng dẫn và chăm sóc vụ Mùa và vụ Đông - Xuân (2023 - 2024); đồng thời, khuyến cáo bà con nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác lúa, nhằm giảm giá thành sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, đem về lợi nhuận tốt sau thu hoạch. Tiếp tục hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng cho một số loại cây chủ lực, để thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc, phục vụ cho thị trường xuất khẩu.
Trong chỉ đạo nuôi trồng thủy hải sản, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tăng cường công tác phối hợp với địa phương nắm sát tình hình nuôi tôm và thực hiện tốt quan trắc môi trường nước vùng nuôi tôm, kịp thời thông tin về tình hình thời tiết để cảnh báo đến người nuôi tôm. Hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi thủy sản thực hiện sản xuất theo các quy chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP để nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ kết nối với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào gắn với thị trường tiêu thụ, theo chuỗi giá trị để hạ giá thành và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm thủy sản. Đẩy mạnh việc cấp giấy đăng ký đối tượng nuôi chủ lực; tuyên truyền và nhân rộng các mô hình nuôi thủy sản hiệu quả. Thực hiện nghiêm các quy định chống hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên địa bàn tỉnh.