Phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất

Bình luận · 184 Lượt xem

Thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, thời gian qua, ngành Nông nghiệp và các địa phương tập trung nâng cao hiệu quả của các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp. Các loại hình tổ chức sản xuất nông nghiệp nh?

Trong những năm qua, với những chính sách đầu tư cho nông nghiệp và sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh, hình thức kinh tế trang trại và kinh tế hộ gia đình ngày càng phát triển. Các hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô trồng trọt, chăn nuôi, áp dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất; liên kết với các HTX, doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đem lại giá trị kinh tế cao, thu nhập ổn định cho người dân.

 

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh có 101 trang trại đạt tiêu chí kinh tế trang trại của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong đó, có 34 trang trại trồng trọt, 28 trang trại chăn nuôi, 1 trang trại thủy sản, 7 trang trại lâm nghiệp, 31 trang trại tổng hợp. Diện tích đất bình quân là 5,5 ha/trang trại; giá trị vốn đầu tư và vốn sản xuất kinh doanh bình quân khoảng 1,66 tỷ đồng/trang trại, số lao động thường xuyên bình quân là 5 lao động/trang trại. Thu nhập bình quân của người lao động trong các trang trại đạt 5-6 triệu đồng/tháng.

 

Các hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển đa dạng về số lượng, chất lượng. Tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 180 HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm hơn 2/3 tổng số HTX hiện có của tỉnh. Doanh thu của các HTX đạt gần 1,1 tỷ đồng/HTX/năm, lợi nhuận sau thuế khoảng 250 triệu đồng/HTX/năm, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX khoảng 40 triệu đồng/năm.

 

Hoạt động của HTX đã thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất nông nghiệp, hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Qua đó, nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, góp phần quan trọng trong công cuộc giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

 

 Nhằm nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, các địa phương đã chú trọng hỗ trợ, tạo thuận lợi để thúc đẩy doanh nghiệp, HTX phát triển các chuỗi liên kết bền vững. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 2 vùng nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp sản xuất cà phê và rau hoa được công nhận, hình thành khu nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp Măng Đen; thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Toàn tỉnh xây dựng được 7 cánh đồng lớn với 4 loại cây trồng là cà phê, mía, bắp sinh khối, lúa nước, quy mô diện tích gần 400ha; phát triển sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn đạt 13.746ha, chủ yếu theo mô hình liên kết sản xuất.

 

Thông qua liên kết, các đơn vị, HTX đã đảm bảo cung ứng dịch vụ đầu vào, hỗ trợ hộ gia đình áp dụng khoa học và kỹ thuật; triển khai các giải pháp chế biến sâu, kí kết đầu ra của sản phẩm, giúp nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông sản, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Tiêu biểu như ở huyện Đăk Hà, một số công ty, HTX liên kết với người dân xây dựng vùng trồng cà phê sạch theo tiêu chuẩn 4C, UTZ Certifier với quy mô khoảng hơn 2.000ha.

 

Tại thành phố Kon Tum, các tổ hợp tác sản xuất rau liên kết với các cửa hàng kinh doanh triển khai sản xuất và kinh doanh rau an toàn với diện tích hơn 3,6ha.

 

Tại huyện Kon Plông, một số công ty, HTX liên kết tiêu thụ sản phẩm cà phê chè cho người dân với giá cả ổn định, được công bố ngay từ đầu vụ.

 

Việc đổi mới phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, nhất là có sự hình thành, phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp đã từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân, từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang phát triển nông nghiệp hàng hóa, với quy mô, trình độ, hiệu quả gắn với thị trường, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới hình thức sản xuất trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thực sự rõ nét; sản xuất nhỏ, phân tán còn phổ biến; năng suất, chất lượng, giá trị nhiều mặt hàng nông sản còn thấp. Công tác thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn gặp nhiều khó khăn; lĩnh vực kinh tế hợp tác tại một số địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu tổ chức lại sản xuất, liên kết, hợp tác sản xuất.

 

Trong kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, việc phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp tiếp tục được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao lợi thế cạnh tranh gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh đề ra là khuyến khích, hỗ trợ để đẩy mạnh thành lập mới các HTX, tổ hợp tác tại các vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp tập trung; xây dựng và thực hiện hiệu quả các dự án hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, nông dân trong sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm gắn với chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.                                

Bình luận