Quảng Bình: Phấn đấu phát triển kinh tế xã hội đạt mục tiêu cao nhất

Bình luận · 184 Lượt xem

UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức phiên họp thường kỳ để đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) tháng 9 và 9 tháng năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Bình, trong tháng 9 và 9 tháng năm 2023, tình hình KT-XH của tỉnh phát triển ổn định. Nổi bật là tổng sản phẩm (GRDP) 9 tháng ước tăng 6,82% so với cùng kỳ, trong đó tăng cao nhất ở khu vực công nghiệp và xây dựng.

Sản xuất nông nghiệp đạt kết quả khá, diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ hè-thu thực hiện hơn 36.304ha, tăng 0,6% so với cùng kỳ. Giá trị chăn nuôi và diện tích trồng rừng đều tăng.

Hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì tăng trưởng với giá trị sản xuất toàn ngành 9 tháng tăng 7% so với cùng kỳ. Các dự án công nghiệp trọng điểm được tập trung chỉ đạo, đôn đốc triển khai.

Lĩnh vực du lịch đạt nhiều kết quả tích cực với tổng lượng khách tháng 9 ước đạt 352.000 lượt khách, tăng 4% so với cùng kỳ; 9 tháng ước đạt gần 3,67 triệu lượt khách, vượt gần 5% so với kế hoạch cả năm. Thu hút đầu tư ngoài ngân sách đạt khá. Văn hóa - xã hội được chú trọng; an sinh xã hội, đời sống của nhân dân được quan tâm; tình hình an ninh trật tự được bảo đảm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình KT-XH trong 9 tháng qua vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, như: Thu ngân sách nhà nước đạt thấp so với kế hoạch; hạ tầng và nhân lực du lịch chưa đáp ứng yêu cầu; việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới còn gặp nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất, kinh doanh chịu tác động lớn của thị trường, vấn đề giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án... Đây cũng là những nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận tại phiên họp.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng phát biểu tại phiên họp, trong tháng 9 và 9 tháng năm 2023, Quảng Bình đã đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực KT-XH, trong đó có những chỉ tiêu đạt khá.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường trách nhiệm trong thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023 để phấn đấu hoàn thành mục tiêu ở mức cao nhất. Rà soát, triển khai thực hiện nghiêm túc các kết luận thanh tra, kiểm tra, giám sát của các tổ chức, cơ quan, đơn vị; rà soát, thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ đã được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao.

Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án; giải ngân vốn đầu tư công; triển khai quyết liệt các chương trình mục tiêu quốc gia; trong đó, chú trọng hoàn thành thủ tục đầu tư và đấu thầu, khởi công xây dựng công trình mới; đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án.

Chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến giá nguyên, nhiên, vật liệu, đất đai, tài nguyên; đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công gắn với việc bảo đảm chất lượng công trình; tổ chức nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng thi công; đẩy mạnh quyết toán dự án đầu tư hoàn thành...Mặt khác, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác GPMB đối với các dự án đầu tư đang có vướng mắc, trong đó chú trọng các dự án trọng điểm của tỉnh. Tập trung chỉ đạo thu ngân sách, các giải pháp chống thất thu; thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính.

Thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong mùa mưa bão năm 2023. Có phương án sẵn sàng ứng phó với mưa bão, không để bị động, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất và đời sống của nhân dân, tăng cường phương án “4 tại chỗ”, chuẩn bị phương tiện, vật tư, lương thực, thực phẩm dự phòng trong mùa mưa bão.Bảo đảm an toàn hồ chứa, hệ thống công trình thủy lợi, đê điều, hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa thông suốt. Đánh giá lại các điểm, khu vực có nguy cơ sạt lở ở các địa phương để có phương án xử lý.

Bình luận