Tổ khuyến nông cộng đồng là trung tâm trong liên kết '4 nhà'

Bình luận · 166 Lượt xem

Các tổ khuyến nông cộng đồng phải tự tạo ra sản phẩm để doanh nghiệp trả thù lao tương xứng. Đó là điều khó khăn trong khoảng thời gian đầu mới thành lập.

Theo ông Trần Cẩn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị, để hoạt động ngày càng đi vào chiều sâu và có hiệu quả, các tổ khuyến nông cộng đồng phải được đặt ở vị trí trung tâm, là cầu nối trong liên kết “4 nhà”: “Tổ khuyến nông cộng đồng phải là cầu nối giữa cán bộ khuyến nông - nông dân - doanh nghiệp - nhà quản lý. Mục tiêu tối thượng là nâng cao giá trị nông sản để từng bước nâng cao đời sống cho nông dân”, ông Cẩn nhấn mạnh.

 

Cũng theo ông Cẩn, hiện nay, các tổ khuyến nông cộng đồng mới thành lập nên còn gặp nhiều khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động. Các thành viên trong các tổ khuyến nông cộng đồng còn hạn chế về kiến thức để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, đặc biệt là kiến thức về phát triển thị trường, quản trị hợp tác xã, liên kết theo chuỗi giá trị, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong hoạt động khuyến nông nói riêng và trong sản xuất nông nghiệp nói chung.

 

Trang thiết bị và kinh phí làm việc để tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các tổ khuyến nông cộng đồng còn thiếu. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến vai trò của tổ khuyến nông cộng đồng trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp.

 

Các thành viên tổ khuyến nông cộng đồng nhìn chung có phụ cấp thấp, kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, đa số không có chuyên môn sâu về nông nghiệp, kỹ năng thực hiện các hoạt động khuyến nông tại cộng đồng còn hạn chế. Địa bàn hoạt động của các tổ khuyến nông cộng đồng rộng, khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ...

 

Tại Quảng Trị, sản xuất nông nghiệp có điểm xuất phát thấp, tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, thiên tai, dịch bệnh. Diện tích canh tác manh mún, nhỏ lẻ, sản xuất còn mang tính truyền thống. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn và quá trình đô thị hóa nông thôn còn chậm. Sự già hóa trong lao động nông nghiệp ngày càng tăng nên việc chuyển đổi và tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế…

 

Trong khi đó, do mới thành lập, các tổ khuyến nông cộng đồng lúng túng, chưa có kế hoạch hoạt động cụ thể. Phần lớn các tổ khuyến nông cộng đồng chưa đi vào hoạt động thực chất nên chưa xây dựng được kế hoạch hoạt động, chưa bố trí được nơi làm việc và chưa có kinh phí hoạt động ban đầu…

 

Những yếu tố này nếu không được cải thiện sẽ tạo lực cản cho hoạt động của các tổ khuyến nông cộng đồng, nhất là những ngày đầu mới thành lập. Thực tế cũng cho thấy, các tổ khuyến nông cộng đồng tại Quảng Trị hiện vẫn chưa thể hiện rõ nét vai trò nhiệm vụ của mình. Vì vậy, các địa phương cần nhìn nhận đúng vai trò, vị trí của tổ khuyến nông cộng đồng để tạo động lực phát triển.

 

"Theo quy chế, nhiệm vụ chính của các tổ khuyến nông cộng đồng là chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới; hỗ trợ, tư vấn thị trường và liên kết chuỗi giá trị; hướng dẫn chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất nông nghiệp; tư vấn, hướng dẫn ứng dụng thương mại điện tử, hướng dẫn bán hàng, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử và xây dựng nông thôn mới…

 

Tuy nhiên, phần lớn các tổ khuyến nông cộng đồng cấp xã chủ yếu mới hoạt động ở khâu tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân sản xuất, nắm bắt thông tin, cập nhật, báo cáo, phản hồi và đề xuất các hoạt động nhằm hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp cho người dân…", ông Cẩn cho hay.

 

Ông Trần Cẩn cho rằng, các tổ khuyến nông cộng đồng cần một xung lực đủ mạnh để hoạt động ngày càng hiệu quả. Các địa phương phải coi việc thành lập và hoạt động của các tổ khuyến nông cộng đồng là việc làm nghiêm túc để thúc đẩy sản xuất phát triển.

Bình luận