Đẩy mạnh thu hút đầu tư dịch vụ thương mại

Bình luận · 205 Lượt xem

Những năm qua, hoạt động thương mại dịch vụ trên địa bàn tỉnh có tốc độ phát triển tương đối nhanh nhờ nhiều doanh nghiệp có sự thay đổi về “chất” để thích nghi với thời đại mới. Ngoài ra, nhiều chính sách thu hút

Sau khi được Công ty TNHH Lan Chi Business Hà Nam đầu tư và phát triển tại tỉnh Thanh Hóa, hệ thống siêu thị The City đến nay đã xây dựng được 8 chuỗi siêu thị tại các huyện, thị xã, với ý tưởng ra đời nhằm mang đến cho người dân vùng nông thôn một dịch vụ mua sắm chuyên nghiệp, giá cả ổn định, dịch vụ chu đáo. Trung bình các công trình của The City có diện tích sử dụng dao động từ 5.000 - 6.000m2, tích hợp đa dạng các sản phẩm dịch vụ với các nhóm ngành hàng thời trang, mỹ phẩm, trang sức, phụ kiện, điện lạnh, đồ dùng gia đình, khu vui chơi giải trí và khu ẩm thực với nhiều món ăn, đồ uống mới lạ, giá cả hợp lý. Với quy mô kinh doanh hơn 25 nghìn mặt hàng cùng cách bày trí khoa học, đẹp mắt, cơ sở vật chất hiện đại, The City luôn được xem là điểm mua sắm, vui chơi giải trí lý tưởng cho người dân.

 

Bà Vũ Thị Hoa, xã Yên Ninh (Yên Định) cho biết: "Từ ngày The City có mặt tại huyện, tôi cùng gia đình thường xuyên lui tới để mua sắm thực phẩm và đồ gia dụng. Tại đây, người mua hàng có nhiều sự lựa chọn, từ hàng hóa nhập khẩu đến sản phẩm nội địa. Mới đây, The City còn đưa cả sản phẩm OCOP vào siêu thị. Tất cả các sản phẩm hàng hóa đều có xuất xứ rõ ràng, giá cả hợp lý, có nhiều đợt khuyến mãi trong năm đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm từ bình dân đến cao cấp".

 

Nhờ đẩy mạnh thu hút đầu tư, hệ thống hạ tầng thương mại của tỉnh Thanh Hóa ngày càng đa dạng với nhiều hệ thống cửa hàng phân phối và bán lẻ, điển hình như Siêu thị WinMart+, Điện máy XANH, Thế giới di động... Hay một số trung tâm thương mại, siêu thị kết hợp các dịch vụ giải trí khác như Vincom Plaza, Co.op Mart... Sắp tới đây, Tập đoàn AEON MALL Nhật Bản sẽ triển khai đầu tư dự án Trung tâm thương mại AEON MALL Nhật Bản với tổng số vốn đầu tư dự kiến 170 triệu USD. Nếu dự án đi vào hoạt động, người dân tỉnh Thanh Hóa sẽ có cơ hội trải nghiệm nhiều mặt hàng đặc sắc lẫn văn hóa giải trí của nước bạn. Ngược lại, các sản phẩm đặc trưng của xứ Thanh cũng sẽ có cơ hội được lên kệ tại hệ thống siêu thị bán lẻ lớn nhất nhì thế giới. Đây được xem là “chìa khóa” giúp các sản phẩm của địa phương từng bước được mở rộng cánh cửa đến với thị trường quốc tế nói chung và Nhật Bản nói riêng.

 

Ngoài hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hệ thống chợ của Thanh Hóa hơn 3 năm qua cũng được tỉnh thu hút đầu tư và phát triển theo hướng xã hội hóa. Tháng 5-2023 vừa qua, dự án Chợ đầu mối phía Tây tỉnh Thanh Hóa đã chính thức hoàn thành và đi vào hoạt động. Đây là một trong những dự án chợ đầu mối kinh doanh nông sản, thực phẩm có quy mô lớn nhất khu vực miền Bắc, với diện tích gần 5 ha, bao gồm khoảng 800 ki ốt và các shophouse. Sau 3 tháng đi vào hoạt động, chợ đầu mối phía Tây, thị trấn Rừng Thông (Đông Sơn) đã thu hút được đông đảo tiểu thương đến kinh doanh, cung cấp các sản phẩm hàng hóa đa dạng và được kiểm soát nguồn gốc xuất xứ chặt chẽ, giúp người dân yên tâm mua sắm và tạo nên một không gian giao thương sôi động. Giám đốc chi nhánh chợ đầu mối phía Tây Lê Ngọc Hà cho biết: Vì mới đi vào hoạt động nên hiện tại các tiểu thương trong chợ đang được hỗ trợ tiền thuê quầy, công ten nơ lạnh bỏ hàng... Ngược lại, các tiểu thương cũng phải ký cam kết hàng hóa có chất lượng, đúng vùng mã sản xuất để phục vụ khách hàng những sản phẩm tốt nhất.

 

Tính đến nay, tỉnh Thanh Hóa có 389 chợ, 27 siêu thị, 2 trung tâm thương mại và khoảng hơn 120.000 cửa hàng kinh doanh. Trong đó có 140 chợ hoàn thành chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác, gần 240 chợ công bố hợp chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm và dẫn đầu cả nước về chuyển đổi và xây dựng chợ hợp chuẩn, chợ kinh doanh thực phẩm. Ước tính, tổng nguồn vốn các dự án đầu tư chợ theo hình thức xã hội hóa đạt 1.500 tỷ đồng.

 

Bên cạnh đó, từ năm 2021 đến nay tỉnh Thanh Hóa còn thu hút được 32 dự án đầu tư phát triển thương mại dịch vụ với tổng vốn đầu tư gần 700 tỷ đồng. Để tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư dịch vụ thương mại, tỉnh tập trung ưu tiên thu hút đầu tư hạ tầng thương mại phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án lớn, đồng thời tiếp tục xã hội hóa đầu tư hạ tầng chợ theo hướng khang trang, hiện đại, phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có 420 chợ, 15 trung tâm thương mại.

Bình luận