Nhận diện bức tranh kinh tế 03 tháng cuối năm

Bình luận · 168 Lượt xem

Mặc dù được nhận xét một trong những nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất thời gian qua, nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh 03 tháng cuối năm 2023 đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Ông Lê Trung Hiếu, Phó Tổng

Theo ông Hiếu, GDP tăng 4,24% trong 9 tháng, thấp xa so với mục tiêu, nhưng vẫn là kết quả hết sức khả quan. Nhìn ra thế giới, các nền kinh tế lớn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, như kinh tế Châu Âu nói chung, khu vực EU nói riêng giảm sút trong bối cảnh lạm phát ở mức cao; Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và không đạt mức kỳ vọng; kinh tế Nhật Bản chưa bước vào chu kỳ tăng trưởng mới và thoát khỏi tình trạng giảm phát kéo dài; kinh tế ASEAN có sự cải thiện, nhưng các quốc gia ASEAN 5 (ngoại trừ Việt Nam) vẫn đang áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt, nên đạt được tốc độ tăng trưởng cao là rất khó.

Mặc dù vậy, hoạt động sản xuất, kinh doanh đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, nên Tổng cục Thống kê đã tính toán và dự báo, năm nay, GDP chỉ tăng trưởng xung quanh mức 5%. Đạt được mức tăng trưởng 5% cũng không dễ, vì để đạt con số này, GDP quý IV/2023 phải tăng tối thiểu 7%.

 

Bức tranh tổng thể của nền kinh tế trong 03 tháng cuối năm sẽ đối mặt với những thách thức không hề nhỏ. Hoạt động của doanh nghiệp đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới giảm 14,6%; vốn đăng ký bình quân/doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng năm 2023 chỉ đạt 9,3 tỷ đồng, giảm trên 17% so với cùng kỳ năm 2022.

 

Doanh nghiệp khó khăn chủ yếu do tác động của cả yếu tố bên ngoài và nội tại nền kinh tế. Cụ thể, khả năng chống chịu của doanh nghiệp bị suy giảm sau thời gian ảnh hưởng của Covid-19; khả năng tiếp cận vốn vay, khả năng hấp thụ vốn và đáp ứng điều kiện vay vốn của doanh nghiệp còn ở mức thấp...

 

"Theo tôi, việc tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức, người lao động và những đối tượng thụ hưởng ngân sách nhà nước kể từ ngày 01/07 đã và đang giúp người dân tăng chi tiêu, tạo dư địa tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong các tháng cuối năm. Các chính sách giảm thuế, phí; gia hạn thuế, tiền thuế đất; giảm mặt bằng lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh không chỉ kích cầu sản xuất, đầu tư, mà còn kích cầu tiêu dùng, qua đó tác động trở lại đối với hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh", ông Hiếu chia sẻ.

 

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định: Du lịch - ngành kinh tế có tác động lan tỏa lớn tới nhiều ngành dịch vụ thị trường như vận tải, lưu trú ăn uống, lữ hành, hoạt động nghệ thuật, vui chơi giải trí... - là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm. Đặc biệt là thu hút khách du lịch quốc tế. Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã đón khoảng 9 triệu lượt khách du lịch quốc tế, gấp 4,7 lần cùng kỳ năm trước. Từ nay đến cuối năm, mỗi tháng chỉ cần đón thêm khoảng một triệu lượt khách du lịch quốc tế, thì năm nay, chúng ta đạt 150% mục tiêu đặt ra (128 triệu lượt khách).

Hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ... 03 tháng cuối năm gặp thách thức do các nước cũng xuất khẩu gạo như Việt Nam đã nới lỏng, hoặc bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo nên xuất khẩu gạo Việt Nam chắc chắn sẽ không còn "một mình một thuyền" như 9 tháng về trước. 

 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh thừa nhận: Việc đạt được mục tiêu tăng trưởng là rất khó khăn, vì vậy, phải kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng. Thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn của thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản.

 

"Nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân; giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% áp dụng đến hết 31/12/2023 cho tất cả hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%. Linh hoạt trong điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng và dầu trên cơ sở diễn biến của giá xăng dầu", Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nói thêm. 

 

Ngoài ra, cần điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác; tiếp tục xem xét hạ lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh áp lực lạm phát, tỷ giá không còn quá căng thẳng như thời điểm cuối năm 2022; đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công; theo dõi chặt chẽ, chủ động phương án ứng phó, phòng, chống, kiểm soát hiệu quả với dịch Covid-19; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa; đẩy mạnh phát triển, khai thác thị trường truyền thống, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu...

Bình luận