Là tỉnh miền núi biên giới, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 80%, những năm qua, Lai Châu luôn xác định việc thực hiện tốt các chính sách dân tộc, giúp đồng bào phát triển kinh tế, ổn định đời sống, xóa đói giảm nghèo. Với 20 dân tộc sinh sống, trong đó có 4 dân tộc rất ít người là Cống, Mảng, La hủ và Si la, trình độ nhận thức phong tục tập quán đa dạng. Tuy là thuận lợi nhưng cũng là thách thức với chính quyền các cấp trong việc phát huy giá trị bản sắc văn hóa giữa các dân tộc địa bàn để cùng phát triển.
Ông Lê Xuân Tiến- Phó giám đốc Sở Công Thương Lai Châu cho biết: “Trong giai đoạn 2021- 2025, tỉnh xác định phát triển 7 chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với việc kết nối các sản phẩm nông sản của đồng bào dân tộc thiểu số, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng 16 chương trình để triển khai thực hiện, để kết nối tất cả các sản phẩm nông sản của bà con vào hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tại tỉnh cũng như một số địa phương”.
Nghị quyết số 7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu về chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025 đã có thêm nội dung hỗ trợ nuôi ong. Đây là điều kiện để các huyện, thành phố khuyến khích thành lập, thu hút các hợp tác xã đầu tư, liên kết nuôi thu mua sản phẩm mật ong, đồng hành cùng chính quyền địa phương xây dựng thành công chương trình mỗi xã một sản phẩm, là một trong nhiều chính sách hiệu quả của Lai Châu nhằm hỗ trợ cho bà con dân tộc tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp giúp xóa đói giảm nghèo bền vững.
Ông Triệu Phúc Vượng- Thành viên HTX Nông nghiệp và du lịch Hoàng Liên, Lai Châu cho rằng: “Chúng tôi nhận thấy đây là một thế mạnh bởi vì chất lượng sản phẩm cao như vậy mà lại là một lĩnh vực mà bà con nông dân ở đó người ta có thể phát triển tốt, mà xây dựng được sản phẩm Ocop của Hố Mít thì sẽ tạo điều kiện để cho bà con nhân dân ở đó có cơ hội sản xuất, để nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình, phát triển kinh tế của địa phương”.
Với những bước tiến vượt bậc từ một địa phương không có tên trên bản đồ cây ăn quả, nay Sơn La trở thành vựa quả lớn nhất miền Bắc và đứng thứ 2 cả nước. Sản phẩm được xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính trên thế giới và giá trị đem lại mỗi năm từ 150 - 170 triệu USD, hàng ngàn nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số trở thành triệu phú, tỷ phú. Song hành với việc đẩy mạnh phát triển tỉnh thành vựa trái cây của miền Bắc là công tác thúc đẩy khâu tiêu thụ nông sản thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại như tham gia hội chợ, tổ chức các buổi giao thương, đưa hàng vào kênh phân phối hiện đại hay bán hàng trực tuyến.
Hoạt động xúc tiến thương mại đã phát huy hiệu quả thiết thực góp phần quan trọng đưa số mặt hàng nông sản của tỉnh tham gia xuất khẩu đạt con số 16 vào thị trường 12 nước. Nông sản cũng đã xâm nhập được vào chuỗi phân phối của các siêu thị lớn như: Lotte, Hapro, WinMart. Sản phẩm nông sản an toàn của Sơn La từng bước tạo dựng được uy tín, thương hiệu trên thị trường trong nước và nước ngoài, được người tiêu dùng ưa chuộng và đánh giá cao về chất lượng.
Ông Quàng Văn Dương- Thành viên HTX Nông nghiệp Xuân Tiến, Sơn La mong muốn: “Nguyện vọng của bà con cũng như của hợp tác xã là muốn là khâu tiêu thụ sản phẩm này, muốn sản phẩm xoài này càng ngày càng phát triển, để tiêu thụ được nhiều, nhiều người biết đến, muốn trong nước và muốn xuất khẩu”.
Bình Phước là nơi có thổ nhưỡng thích hợp, có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển cây điều và được xem là thủ phủ trồng điều khi chiếm gần 50% diện tích và hơn 54% sản lượng điều của cả nước. Hạt điều Bình Phước có ưu thế vượt trội về chất lượng so với hạt điều nhập khẩu, góp phần đưa cây điều trở thành cây công nghiệp thế mạnh đem lại giá trị xuất khẩu cao, trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh trong những năm gần đây.
Bà Thân Thị Xiêm- Giám đốc Công ty TNHH MTV An Thuận Phát cam kết đồng hành cùng người nông dân Bình Phước trong tiêu thụ: “Chúng tôi đã đồng hành với bà con nhân dân của Bình Phước, từ đồng bào thiểu số cho đến đồng bào dân tộc S tiêng. Chúng tôi đã từng gắn bó nhiều năm là giao kết với bà con khi mà mùa mưa đến, những khó khăn chúng tôi chia sẻ và khi được thu hoạch thì chúng tôi cùng bà con gánh vác trách nhiệm này, để đưa điều về nhà máy trữ nguồn nguyên liệu, vì bà con của đất Bình Phước chỉ có điều là nguồn thu hoạch chính”.
Thời gian qua, ngành công thương luôn tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm cho người dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số miền núi vùng sâu, vùng xa. Bộ Công Thương đã cùng các địa phương luôn nỗ lực để sản phẩm được quảng bá rộng khắp các thị trường và được nhiều đối tác tìm đến.
Những hoạt động hỗ trợ thiết thực này đã tạo hiệu ứng tốt với sản lượng tiêu thụ nông sản của bà con tăng qua các năm và có mặt cả ở những hệ thống phân phối lớn cũng như xuất khẩu ra thị trường thế giới.