Kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng tiếp tục phục hồi khả quan, nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng, tuy kết quả đạt được chưa như kỳ vọng nhưng đã chuyển biến tích cực hơn qua từng tháng, từng quý", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2023 ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023 nhưng với xu hướng tích cực (quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%, quý III tăng 5,33%).
Theo ông Dũng, tăng trưởng quý IV phụ thuộc nhiều vào tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Sự gia tăng nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn, chủ lực của Việt Nam như hoạt động du lịch, tiêu dùng trong nước trong dịp cuối năm và cận kề Tết Nguyên đán 2024 là cơ sở để xuất khẩu, thị trường trong nước tăng trưởng nhanh hơn.
"Các kịch bản đặt ra đều rất khó khăn, thách thức, yêu cầu sự chủ động, nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, ngành, địa phương triển khai các giải pháp, chính sách thúc đẩy mạnh tăng trưởng, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực, tranh thủ tối đa thời cơ, cơ hội từ cả bên ngoài và bên trong nền kinh tế để phấn đấu đạt kết quả tăng trưởng cao nhất trong quý IV, đặc biệt là tạo đà cho năm 2024 và các năm tiếp theo", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nhìn chung, kinh tế vĩ mô tháng 9 và 9 tháng cơ bản ổn định và duy trì chuyển biến tích cực, tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện các mục tiêu, chính sách phát triển đất nước cả trong ngắn và dài hạn.
Tuy nhiên, về dài hạn, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng, nền kinh tế được cho là tốt nhưng động lực tăng trưởng suy giảm và kéo dài. Cứ 10-12 năm, tốc độ tăng trưởng bình quân giảm đi 1 điểm phần trăm.
“Chúng ta đã không làm được yêu cầu tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Theo tôi, nguyên nhân là do động lực bên trong có vấn đề. Nhiều nhà khoa học đã cảnh báo và cần phải nghiên cứu thấu đáo nguyên nhân này”, ông nói.
Tuy nhiên, tình hình thế giới tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn như phục hồi kinh tế chậm, tăng trưởng thấp, nhu cầu tiêu dùng giảm, nợ công tăng cao… trong đó có các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của nước ta.
Nhiều quốc gia vẫn đang duy trì thắt chặt chính sách tiền tệ; thị trường tài chính, ngân hàng, bất động sản chưa thực sự ổn định; giá dầu tăng cao cùng với thiên tai, biến đổi khí hậu... Những vấn đề này đã và đang đặt ra ngày càng nhiều thách thức cho các quốc gia đang phát triển.
Vì vậy, các nhà kinh tế cho rằng, việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đề ra ngày càng khó khăn hơn, nhất là trước "tác động kép" từ những yếu tố bất lợi bên ngoài cũng như thách thức bên trong.
Khó khăn, thách thức đặt ra còn lớn, phụ thuộc nhiều vào xu hướng, bối cảnh chung toàn cầu nên khó có thể chuyển biến nhanh trong ngắn hạn. Từ đó, tạo rủi ro, sức ép lên điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá, các cân đối lớn về ngân sách nhà nước.
Do đó, cần tiếp tục chỉ đạo, điều hành quyết liệt các chính sách trong ngắn hạn và dài hạn. Tranh thủ thời gian, tận dụng mọi cơ hội để tạo bứt phá ngay trong nội tại nền kinh tế. Thúc đẩy các động lực mới về kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn nhằm phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững.