“Vua tôm thẻ" ở Bạc Liêu từ nghèo không cục đất chọi chim thành Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023

Bình luận · 231 Lượt xem

Từng là người không có nổi “cục đất chọi chim”, thế nhưng qua mấy mười năm, ông Bùi Nghĩa Hiệp (Hai Hiệp) – một nông dân ở đất Gành Hào (xã Điền Hải, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) có doanh thu hàng năm lên đến hàng

Ở xứ biển Bạc Liêu này, người dân bản địa ví von gọi Hai Hiệp là "vua" tôm thẻ như để ghi nhận nghị lực vươn lên của ông.

 
 
 
 
00:02:01
 
 

Clip: Ông Bùi Hữu Hiệp-Hai Hiệp kể về đời mình - người từ con số 0 trở thành "vua tôm thẻ" xứ Gành Hào đất Bạc Liêu, là 1 trong 100 nhà nông tiêu biểu nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2003.

Từ người không có cục đất chọi chim…

Hai Hiệp (Bùi Nghĩa Hiệp, 67 tuổi, ngụ ấp Gò Cát, xã Điền Hải, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) kể lại câu chuyện cuộc đời mình như là một "thước phim" của một con người đầy nghị lực, với ý chí vượt khó, vươn lên không gì có thể sánh được.

Sinh ra trong một gia đình nghèo có bốn anh em ở xứ muối nổi tiếng Gành Hào; gia đình ông có truyền thống cách mạng khi ba và chú là liệt sĩ, bà nội là Bà mẹ Việt Nam Anh Hùng. "Có lẻ vì truyền thống gia đình mình đã giúp tôi có đủ bản lĩnh để đương đầu với bao sóng gió của cuộc đời", Hai Hiệp mở đầu câu chuyện với phóng viên bằng nụ cười hiền.

Hai Hiệp: Người từ hai bàn tay trắng trở thành “vua” tôm thẻ và là Nông dân Việt Nam sản xuất giỏi - Ảnh 2.

Hai Hiệp chỉ tay về những bằng khen, giấy khen mà ông đã đạt được bằng những việc làm thiết thực của mình trong đời sống hàng ngày. Ảnh: An An

Năm Hai Hiệp 15 tuổi, ba ông hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Mất đi ba – người là điểm tựa của gia đình, Hai Hiệp bảo, khi ấy bản thân ông đổ sụp trong một thời gian dài. Song, qua những đêm nhớ ba bằng những giọt nước mắt, ông quyết tâm đứng lên để thay ba chăm sóc cho các em nhỏ, và lo cho mẹ.

"Gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác ở xứ này ngày ấy không có đất đai để sản xuất, cuộc sống chỉ dựa vào nghề làm muối thuê cho Hợp tác xã để hưởng sản phẩm bằng cách chấm công lao động", Hai Hiệp nói và cho biết, dù ông và mẹ "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" nhưng cũng chỉ kiếm đủ hai bữa cơm cho gia đình hàng ngày.

Hai Hiệp: Người từ hai bàn tay trắng trở thành “vua” tôm thẻ và là Nông dân Việt Nam sản xuất giỏi - Ảnh 3.

Hàng chục ha nuôi tôm thẻ công nghệ cao đem về nguồn thu hàng chục tỷ đồng cho Hai Hiệp hàng năm. Ảnh: An An

Vật lộn với cuộc sống gần chục năm trời, Hai Hiệp gặp và kết duyên với bà Nguyễn Thị Đẹp – người con gái Hà Thành theo gia đình đến xứ Gành Hào lập nghiệp. 

"Năm đó tôi mới 22 tuổi, trước ngày cưới, tôi nghĩ hoài, cưới vợ rồi mình lấy đâu ra đất để cất nhà, mà nếu có được đất thì cũng đâu có tiền mà xây dựng tổ ấm", Hai Hiệp nhớ lại.

Sau ngày cưới, Hai Hiệp được ông nội kêu về cho mấy chục m2 đất ở ven rừng cửa biển Gành Hào để cất cái chòi che mưa, che nắng. Ông bảo, toàn bộ cây lá, rồi đến cái chén, cái tô… tất tần tật ông đều được bà con họ hàng mang đến cho. "Có chỗ ở vợ chồng tôi mừng không ngủ được, niềm vui trong căn nhà nhỏ như được nhân lên gấp bội khi 4 đứa con lần lượt chào đời", Hai Hiệp hồi tưởng và nói rằng, gánh nặng trên đôi vay ông cũng từ đó càng trở nên nặng thêm.

Hai Hiệp: Người từ hai bàn tay trắng trở thành “vua” tôm thẻ và là Nông dân Việt Nam sản xuất giỏi - Ảnh 4.

Ông Bùi Hữu Nghĩa-Hai Hiệp kiểm tra hệ thống máy bơm nước trong hồ nuôi tôm công nghệ cao. Ảnh: An An

Để có tiền lo cho đàn con, ngày ngày Hai Hiệp đi làm thuê với đủ thứ nghề theo kiểu ai mướn gì làm đó. Những lúc ở quê không còn việc gì để làm, ông lại xin theo các ghe đánh bắt ven bờ làm thêm. "Tôi ngày ấy được ổng phân công ở nhà chăm con, nhưng thấy ổng mần cực quá nên tôi cũng xin vào Hợp tác xã làm muối thuê để kiếm thêm ít tiền dành dụm", bà Đẹp – vợ Hai Hiệp nói vui xen vào câu chuyện kể của chồng.

Sau bao năm vất vả, cuộc đời của vợ chồng Hai Hiệp như bước sang trang mới khi vào năm 1987, ông được người bà con bên vợ cho mượn 1,4 lượng vàng làm vốn. Số vàng này sau nhiêu đêm hai vợ chồng thức trắng nghĩ "kế sách" kinh doanh, rồi ông đi đến quyết định là bán toàn bộ chúng để mua cái tivi 21 inch mở rạp chiếu phim, và kinh doanh thêm việc buôn bán nhỏ.

Hồi đó kêu là rạp chiếu phim cho sang vậy, chứ thật ra là tivi kết hợp với đầu thu băng nhựa chiếu mấy bộ phim dài tập để bán nước uống, bánh kẹo...", ông Hiệp nói và cho biết, việc kinh doanh ông để vợ quản lý, còn bản thân thì đi học nghề chế tạo bình ắc quy, rồi đầu tư mở thêm cơ sở sạc bình ắc quy thuê cho người dân trong và ngoài vùng sau khi đã thành nghề nhằm kiếm thêm tiền tích lũy.

… đến tỷ phú nuôi tôm thẻ công nghệ cao

Hai Hiệp kể rằng, khi đã lo được chén cơm cho gia đình, trong đầu ông càng nung nấu ý chí làm giàu hơn nữa. Ông biết rằng, đối với người nông dân thì không có thứ gì quý hơn đất đai để sản xuất. Do đó, liên tiếp các năm sau từ ngày khởi nghiệp thành công bước đầu, Hai Hiệp luôn dành dụm tiền để mua đất.

"Có tiền tôi mua lúa để vựa chờ giá tăng cao thì bán lại kiếm lời. Số tiền lời này cộng với tiền tích lũy của vợ chồng, tôi bắt đầu mua lại đất của người dân trong vùng khi họ sang bán lại", ông kể.

Hai Hiệp: Người từ hai bàn tay trắng trở thành “vua” tôm thẻ và là Nông dân Việt Nam sản xuất giỏi - Ảnh 5.

Lão nông chân đất Hai Hiệp thăm đầm tôm. Ảnh: An An

Với quyết tâm tìm kiếm tư liệu sản xuất trong tay, Hai Hiệp mua từ vài chục m2 đất đến một công, rồi 1ha kiểu có được nhiêu tiền thì mua đất bấy nhiêu. "Nhờ gom từng m2 đất theo cách như thế mà đến nay tôi có hàng chục ha đất để sản xuất", ông nói.

Khi đã có đất trong tay, năm 2000, ông Hiệp quyết định xây một căn nhà khang trang cho vợ con sinh sống, đồng thời cũng làm nơi kinh doanh xăng dầu. Hai Hiệp bảo vui rằng, cuộc đời ông cũng nhờ được "trời thương", nên khi bắt tay vào làm ăn ông thành công nhiều hơn là thất bại, dù chữ nghĩa học không được là bao.

Nghề kinh doanh xăng dầu đã cho ông thu nhập khá. Qua mấy năm, ông nông dân chân đất này quyết định gom hết vốn liến đầu tư thêm 3 cửa hàng xăng dầu kinh doanh ở xứ Gành Hào. Đến năm 2012, khi phong trào nuôi tôm ở địa phương phát triển mạnh, ông Hiệp quyết định lấy tiền tích lũy đầu tư thêm cơ sở kinh doanh thức ăn nuôi trồng thủy sản, rồi dần dần hình thành nên doanh nghiệp tư nhân Nghĩa Hiệp do chính ông làm giám đốc.

Hai Hiệp: Người từ hai bàn tay trắng trở thành “vua” tôm thẻ và là Nông dân Việt Nam sản xuất giỏi - Ảnh 6.

Ông "vua" tôm thẻ bên cơn ngơ của mình. Ảnh: An An

Chưa dừng lại, thấy mấy chục ha đất không làm gì, ông Hiệp đâm ra tiếc nên cho các con đi học nghề nuôi tôm thẻ công nghệ cao ở nhiều nơi. "Khi chúng trở về báo cáo đã học được nghề, tôi hỏi chúng nhắm làm được không, các con tôi gật đầu, thế là tôi đầu tư vào ngành nghề mới, và may mắn là tôi cũng thành công", Hai Hiệp cười nói.

Năm 2014, ông Hiệp quyết định "chơi lớn" khi bỏ ra hơn 1 tỷ đồng để đầu tư khu nuôi thử nghiệm tôm thẻ công nghệ cao trên diện tích 1ha đất, và bước đầu mang lại thành công cho gia đình. Nhận thấy được lợi thế từ nghề mới này, Hai Hiệp một lần nữa quyết định gom hết vốn liến đầu tư thêm các khu nuôi, và liên tiếp ông đã thành công.

"Tính đến thời điểm hiện tại, tôi có khoảng 30 ha đất nuôi tôm thẻ công nghệ cao. Hàng năm sau khi đã trừ hết đi chi phí, còn lãi hàng chục tỷ đồng", ông chia sẻ.

Không chỉ là người biết làm giàu cho bản thân, ở xứ này, Hai Hiệp còn nổi tiếng là người trượng nghĩa khi tạo điều kiện ăn, ở cho hàng chục lao động địa phương có công ăn, việc làm ổn định. "Bản thân tôi từ một người không có cơm để ăn, được như hôm nay là tôi rất cảm ơn cuộc đời rồi, do vậy tôi không bao giờ quên những ngày tháng khốn khó ấy, và cũng không tiết gì tiền của khi giúp được cho nhiều người", ông Bùi Nghĩa Hiệp tâm sự.

Chính quyền địa phương cho biết, ông Hiệp luôn là người tiên phong trong các phong trào vận động đóng góp các nguồn quỹ phúc lợi cho xã hội. Quân bình hàng năm, gia đình ông đóng góp cho địa phương trên dưới hai trăm triệu đồng; ngoài ra, ông còn chỉ dẫn, giúp đỡ cho nhiều người vươn lên thoát nghèo.

Với những thành tích đạt được, ông Bùi Nghĩa Hiệp vinh dự nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương như: Bằng khen của Trung ương Hội nghề cá Việt Nam; được UBND tỉnh Bạc Liêu tuyên dương, và nhiều giấy khen của UBND huyện Đông Hải…

Bình luận