Mặc dù Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được triển khai chậm hơn 1 năm do phải hoàn thiện thể chế và ban hành các quyết định, nghị định, thông tư, tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, tỉnh Hòa Bình đã huy động được hơn 3.300 tỷ đồng thực hiện Chương trình, trong đó vốn ngân sách của tỉnh, huyện, xã là hơn 882 tỷ đồng, vốn huy động đóng góp của cộng đồng dân cư 334 tỷ đồng.
Ông Đinh Công Sứ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, đến nay toàn tỉnh đã có 65 trong tổng số 129 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm hơn 50%, trong đó có 20 xã nông thôn mới nâng cao (có thông báo 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu).
2 địa phương cấp huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới là thành phố Hòa Bình và huyện Lương Sơn. Đến nay, toàn tỉnh có 100 sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Tại xã nông thôn mới nâng cao Yên Trị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan ấn tượng với cảnh sắc thiên nhiên yên bình của một miền quê sát vùng đệm Vườn quốc gia Cúc Phương, với đa số người dân là đồng bào dân tộc Mường.
Ông Bùi Phi Diệp, Chủ tịch UBND xã Yên Trị chia sẻ, dựa trên tiềm năng và lợi thế khác biệt của địa phương, chúng tôi xác định rõ những định hướng để bà con nâng cao đời sống, đó là phát triển kinh tế từ sản xuất và chế biến dược liệu; hình thành các sản phẩm du lịch và điểm du lịch cộng đồng để thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm Vườn Quốc gia Cúc Phương và văn hóa bản địa đặc sắc của người Mường.
“Xã Yên Trị là một trong số ít địa phương có vườn bảo tồn nguồn gen của hơn 300 loại dược liệu quý hiếm, đồng thời thành lập Hội Đông y với gần 40 thành viên để chăm sóc sức khỏe cho người dân trong và ngoài địa phương. Các thành viên trong hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Yên Trị và Hội Đông y thu mua toàn bộ dược liệu của bà con và chế biến thành nhiều sản phẩm giá trị như trà, cao cô đặc, viên nén từ cây cà gai leo, xạ đen,… tốt cho sức khỏe, đồng thời đăng ký sản phẩm OCOP để xây dựng thương hiệu và bán ra thị trường”, ông Diệp chia sẻ.
Thăm bà con nhân dân xã Yên Trị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ, mời các chuyên gia về lĩnh vực du lịch về tập huấn cho bà con những kỹ năng kể câu chuyện để giới thiệu về cảnh sắc thiên nhiên, di tích văn hóa lịch sử, về các sản phẩm dược liệu và văn hóa đời sống của người Mường; kỹ năng chế biến các món ăn bản địa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng lưu ý, muốn phát triển du lịch cộng đồng thì người dân phải khôi phục không gian kiến trúc nhà sàn, mặc trang phục truyền thống và tự hào về những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc Mường.
Tiếp đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đến thăm làng Đại Đồng, xã Ngọc Lương (huyện Yên Thủy) và trò chuyện với bà con ở vùng chuyển đổi đất lúa và đất vườn kém hiệu quả sang trồng bưởi tập trung quy mô hàng hóa với 135ha.
Ông Kiều Bá Phúc, Trưởng xóm Đại Đồng chia sẻ, hiện nay khoảng 115ha bưởi đã được thu hoạch, diện tích còn lại cũng chuẩn bị cho thu hoạch.
Mặc dù chất lượng bưởi ở làng Đại Đồng được đánh giá cao và hương vị thơm ngọt. Tuy nhiên, nhiều nông dân vẫn băn khoăn về việc làm thế nào để nâng cao giá trị sản phẩm và tiếp cận được với thị trường, tránh tình trạng được mùa mất giá.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, trước tiên mỗi người trồng bưởi ở Đại Đồng cần tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và phát huy năng lực của mỗi thành viên để quản lý thật tốt vùng trồng.
Tiếp đến, ứng dụng khoa học công nghệ để truy xuất nguồn gốc sản phẩm và xây dựng thương hiệu bằng cách hình thành những câu chuyện về trái bưởi Đại Đồng thông qua quy trình canh tác, đặc điểm thổ nhưỡng khí hậu và thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm.
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Hòa Bình, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, trong giai đoạn tới, Chương trình xây dựng nông thôn mới cần phải thiết kế những không gian của từng thôn bản, từng xã, từng huyện. Qua đó, mỗi cộng đồng, mỗi địa phương ở tỉnh Hòa Bình phải đào sâu suy nghĩ xem nơi mình đang sống có cái gì là lợi thế, có cái gì là khác biệt để chăm chút thêm.
Đặc biệt, phải xác định cái gì cần phải thay đổi, cái gì cần giữ lại, kể cả bản sắc văn hóa xã hội, di sản của địa phương. Bởi, không gian đó chính là tài nguyên phát triển du lịch, tạo ra các điểm du lịch cộng đồng gắn với xây dựng các sản phẩm đặc thù, sản phẩm OCOP; tạo ra việc làm và nâng cao thu nhập của người dân nông thôn. Bởi vậy, tỉnh Hòa Bình cần phải đặt mình vào vị trí của người dân, cộng đồng để hỗ trợ, từ đó kích hoạt các nguồn lực sẵn có.
HNN (tổng hợp)