Người mà chúng tôi nhắc đến là anh Nguyễn Hùng Cường – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Đường.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn chanh leo, quả sai trĩu trịt, nằm ngay bên cạnh Quốc lộ 4D, thuộc địa phận bản Cò Lá (thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường) anh Cường vui vẻ cho biết: "Với mong muốn tìm hướng đi bền vững cho cây chanh leo trên địa bàn huyện, tôi đã bỏ tiền túi đầu tư trồng thử nghiệm mô hình này, trong đó có sự góp sức của một số cán bộ trong trung tâm. Mục đích chính của việc triển khai mô hình trồng thử nghiệm chanh leo này là để cho người dân trên địa bàn huyện tham quan, học hỏi và làm theo".
Qua câu chuyện với anh Cường, được biết: Trong chuyến tham quan thành phố Gia Nghĩa (Đắk Nông) anh Cường thực sự ấn tượng với cách trồng chanh leo của người dân nơi đây. Cách trồng chanh leo của người dân ở thành phố Gia Nghĩa hoàn toàn khác với cách trồng của người dân ở địa phương anh. Ở nơi này, người dân làm giàn cao, thoáng để trồng chanh leo.
"Nhận thấy trồng chanh leo theo cách này cho hiệu quả kinh tế cao, nên ngay sau chuyến tham quan, tôi đã cùng với một số cán bộ trong trung tâm bắt tay vào trồng thử nghiệm. Kết quả mô hình trồng thử nghiệm rất khả quan. Cây chanh leo sinh trưởng và phát triển tốt hơn, cho quả sai hơn so với cách làm trước đây" – anh Cường cho hay.
Tháng 4/2021, nhóm cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Đường do anh Cường làm nhóm trưởng, bắt tay vào làm giàn và mua cây chanh leo giống về trồng trên diện tích khoảng 4000m2.
Thay vì làm giàn thấp như trước, anh Cường hướng dẫn cán bộ làm giàn cao hơn, thoáng hơn, đan dây cũng thưa hơn. Anh Cường sử dụng cột tre để làm giàn, khoảng cách giữa các cột, các hàng 3m. Mặt giàn trồng chanh leo cao 2,2m.
Theo anh Cường, cây chanh leo được đưa vào trồng trên đồng đất của huyện Tam Đường trong vài năm trở lại đây. Người trồng chanh leo thường làm giàn thấp, dày và để dây chanh phát triển trên giàn. Mục đích của việc làm giàn cao, thoáng là để dây chanh buông xuống, chứ không để chúng phủ kín trên mặt giàn như cách làm thông thường của người dân.
"Việc để dây chanh phủ kín mặt giàn gây khó khăn cho việc chăm sóc. Khi phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh chỉ có thể phun ở dưới, chứ không phun ở phía trên mặt giàn được, dẫn đến không xử lý triệt để mầm bệnh. Làm theo cách mới, tức là để dây chanh buông xuống thì việc chăm sóc sẽ tiện lợi hơn. Hơn nữa, làm giàn thoáng sẽ giúp cây chanh leo sinh trưởng, phát triển tốt hơn. Chi phí cho làm giàn cũng giảm nhiều so với cách làm cũ" – Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Đường chia sẻ.
Chia sẻ với Dân Việt về kĩ thuật chăm sóc chanh leo, anh Cường cho hay: Để cây chanh leo sinh trưởng, phát triển tốt, thì ngoài làm giàn cao thoáng, cần phải chủ động được nước tưới.
Khi trồng chanh leo cần phải lên luống cao để dễ thoát nước vào mùa mưa. Tùy vào thời kỳ sinh trưởng của cây chanh, mà bón phân với liều lượng và chủng loại phù hợp.
"Khi trồng, chúng tôi sử dụng phân vi sinh và vôi để bón lót cho vườn chanh leo. Trong quá trình chăm sóc, ở giai đoạn đầu chúng tôi bón nhiều đạm để cây chanh phát triển thân, lá. Ở giai đoạn kích thích ra quả thì chúng tôi lại cho chúng "ăn" nhiều lân và ka li hơn", anh Cường nói.
Ngoài bón phân với liều lượng hợp lý, nhóm cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Đường còn thường xuyên cắt, tỉa thân, lá tạo độ thông thoáng cho giàn chanh leo. Bên cạnh đó, nhóm của anh Cường cũng rất chú trọng tới việc phòng, trừ nấm bệnh cho vườn chanh leo.
Theo anh Cường, vào mùa mưa, cây chanh leo thường mắc bệnh nấm rễ và lở cổ rễ. Vì vậy khi trồng chanh leo cần phải làm luống cao để thoát nước tốt vào mùa mưa. Để có thể hạn chế bệnh loang dầu xảy ra trên cây chanh leo thì cần phải sử dụng phân bón hợp lý và phun thuốc phòng bệnh trước khi mùa mưa đến.
Chăm sóc đúng quy trình kĩ thuật, vườn chanh của nhóm anh Cường sinh trưởng, phát triển tốt. Khoảng 4 tháng sau khi trồng, vườn chanh leo đã bắt đầu cho thu hoạch, quả sai lúc lỉu. Với khoảng 450 gốc chanh leo, nhóm anh Cường thu hơn 13 tấn quả. Bán quả chanh tươi ra thị trường với giá dao động từ 6 – 25.000đồng/kg, nhóm anh Cường lãi hơn 60 triệu đồng.
Tiếp nối thành công từ mô hình thử nghiệm đầu tiên, nhóm của anh Cường tiếp tục thử nghiệm trồng cây chanh leo vào khung thời vụ khác.
Vườn chanh leo rộng khoảng 5000m2, với 650 gốc được trồng từ tháng 12/2021 của anh Cường, hiện đã cho quả sai trĩu trịt, thu hút nhiều người dân đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
"Mô hình trồng thử nghiệm chanh leo theo cách mới này khá thành công trên phương diện năng suất. Tuy rút ngắn thời gian khai thác (còn khoảng 20 tháng) mà hiệu quả kinh tế vẫn đạt cao so với cách trồng trước đây. Nhiều đoàn công tác của tỉnh và các huyện khác trong tỉnh Lai Châu đều đánh giá cao khi đến tham quan mô hình trồng thử nghiệm này" – anh Cường cho hay.