Ý Đảng, lòng dân trong xây dựng nông thôn mới (Bài 1)

Bình luận · 184 Lượt xem

Trong cơ cấu ngành kinh tế của Đồng Nai, ngành Nông nghiệp chỉ chiếm tỉ trọng 9,7% nhưng Đảng bộ, chính quyền tỉnh luôn đặt nông nghiệp - nông dân - nông thôn ở vị trí chiến lược phát triển. Do đó, Đồng Nai đã trở

Bài 1: Chọn nơi khó để khởi đầu xây dựng nông thôn mới

 

Khi bắt tay vào xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền tỉnh chọn địa phương khó khăn nhất của tỉnh là Xuân Lộc, từng là vùng đất lửa trong chiến tranh làm mô hình điểm. Năm 2014, Xuân Lộc là huyện đầu tiên của cả nước đạt chuẩn huyện NTM đã khẳng định sự lựa chọn đúng đắn này.

 

Do đặc thù của tỉnh vừa có những huyện thuần nông, vừa có những vùng đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ nên các địa phương dựa vào đặc trưng, thế mạnh riêng để chọn hướng đi phù hợp trong xây dựng NTM với nhiều mô hình hay, sáng tạo chứ không theo khuôn mẫu cứng nhắc.

 

* Tạo nên kỳ tích cho vùng đất lửa

 

Xuân Lộc, một địa danh được cả nước và thế giới biết đến với lịch sử hào hùng 21 ngày đêm chiến đấu anh dũng của quân và dân để mở toang “cánh cửa thép phía Đông” tiến vào giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tháng 4-1975. Những chiến công vang dội của quân, dân Xuân Lộc được Đảng, Nhà nước ghi nhận và phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1999.

 

Khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, một lần nữa H.Xuân Lộc phát huy truyền thống anh hùng trong đầu tư phát triển sản xuất, đạt được danh hiệu cao quý Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới vào năm 2011.

 

Xuân Lộc bắt tay vào xây dựng NTM với điểm xuất phát thấp là huyện thuần nông, hạ tầng lạc hậu, phát triển sản xuất khó khăn vì nguồn nước khan hiếm, đất đai cằn cỗi. Đảng bộ, chính quyền Đồng Nai chọn Xuân Lộc làm mô hình điểm để triển khai thực hiện NTM với phương châm “Xuân Lộc phải đi từ đất, từ lao động đi ra và lấy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành nghề nông thôn để đi lên”. Trong đó, nông dân với tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, hăng say lao động được xác định là chủ thể tạo nên kỳ tích cho vùng quê còn nhiều khó khăn này. Chính họ đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ và ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ cao để phát triển sản xuất. Trong lĩnh vực trồng trọt, vùng đất này xuất hiện những “vua tiêu”, “vua bắp”... được cả nước và thế giới vinh danh, công nhận. Xuân Lộc cũng trở thành “thủ phủ” chăn nuôi mới của tỉnh theo hướng chăn nuôi công nghệ cao, an toàn gắn với chuỗi liên kết.

Ông Nguyễn Minh Nhật, nguyên Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc, người “thuyền trưởng” phong trào xây dựng NTM của huyện ngay từ những ngày đầu chia sẻ: “Bài học về sự thành công trong xây dựng NTM là nhờ sự gắn kết chặt chẽ giữa việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và phong trào thi đua dân vận khéo; quyết liệt trong công tác chỉ đạo với nhiều cách làm hay, sáng tạo khi triển khai vào thực tế”.

 

* Chọn lối đi riêng

 

Quan điểm của tỉnh trong xây dựng NTM là không rập khuôn mà khai thác thế mạnh, đặc trưng của mỗi địa phương.

 

Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lê Văn Gọi, tỉnh xây dựng NTM dựa trên các giá trị truyền thống địa phương, tính đặc thù mỗi vùng miền chứ không “mặc đồng phục” cho tất cả. Khi triển khai vào thực tế, các địa phương cũng rất sáng tạo trong chọn mô hình phát triển sản xuất đến xây dựng cảnh quan môi trường, giữ gìn những nét đặc sắc về văn hóa bản địa…

 

Năm 2014, TX.Long Khánh (nay là TP.Long Khánh) vinh dự là một trong 2 đơn vị cấp huyện đầu tiên của cả nước đạt danh hiệu NTM. Danh hiệu này chưa có tiền lệ vì đây là thị xã đầu tiên xây dựng NTM thành công trong cả nước. Nét nổi bật của Long Khánh là kinh tế có sự phát triển đồng bộ cả về công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp… Thành quả trong xây dựng NTM của địa phương phát triển mạnh về đô thị, công nghiệp này càng khẳng định rõ hướng đi đúng đắn của tỉnh trong xây dựng NTM.

 

Sau chiến tranh, H.Vĩnh Cửu từng được xem là “vùng đất chết” với nhiều xã nghèo, lạc hậu, xuất phát điểm từ những con số 0: không đất sản xuất, không điện, không nước... Vượt lên khó khăn, Vĩnh Cửu cũng là địa phương có nhiều thành tích nổi bật trong xây dựng NTM khi có xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh; về đích huyện NTM sớm hơn 2 năm so với kế hoạch đề ra. Hiện Vĩnh Cửu nằm trong tốp đầu các địa phương có nhiều xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và khu dân cư kiểu mẫu của tỉnh. Huyện cũng đi đầu trong thực hiện chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ và phát triển mạnh về du lịch sinh thái, du lịch nông thôn.

 

Tiêu biểu như xã Phú Lý là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nơi có làng đồng bào Chơro Lý Lịch trong kháng chiến luôn bám làng, bám căn cứ Chiến khu Đ, cùng bộ đội cụ Hồ kháng chiến cho đến ngày thống nhất đất nước. Bí thư Đảng ủy xã Phú Lý Nguyễn Đắc Hiển chia sẻ, trước khi bắt tay vào xây dựng NTM, Phú Lý là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện. Nhưng ngày nay, đến Phú Lý, khách phương xa lưu luyến không nỡ về bởi cảnh quan làng quê sạch đẹp, nên thơ. Sự thay đổi rõ rệt nhất của địa phương là cơ sở hạ tầng như: đường giao thông, hệ thống điện, trường, trạm… được đầu tư đồng bộ, khang trang. Sự quan tâm của Đảng, chính quyền đã tạo lòng tin với người dân trong xây dựng NTM. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; ấn tượng nhất là thu nhập bình quân đầu người tăng gần gấp đôi so với trước khi xây dựng NTM.

Bình luận